Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Thứ tư, 08/02/2023 12:50
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) sẽ tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật, chương trình, đề án về cai nghiện ma túy, phòng, chống mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Hơn 21 nghìn người được cai nghiện ma túy

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2022 đã tập trung triển khai công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, tư vấn, hướng nghiệp, học nghề và giới thiệu việc làm cho học viên cai nghiện ma túy. 

Theo thống kê, trong năm 2022, có 121.374 người được cai nghiện ma túy, trong đó các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đã tổ chức cai nghiện cho cho 63.253 người; 13 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập đang hoạt động, trong năm đã điều trị cho 2.896 người; có 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng cho 3.656 người; cả nước đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho 51.027 người.

Tỷ lệ người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy ước đạt 74%; tỷ trọng người nghiện ma túy tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy trong tổng số người nghiện được cai nghiện đạt thấp (25%). 

Các học viên cai nghiện ma túy đang học nghề (Ảnh minh họa) 

Về phòng, chống mại dâm, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025; xây dựng chính sách về cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội; xác định các tiêu chí, thẩm quyền, quy trình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng trong phòng, chống mại dâm; xây dựng tài liệu truyền thông về phòng, chống mại dâm; nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm. Tăng cường hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm.

Xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giám tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay có 11 địa phương tiếp tục duy trì theo 03 khung mô hình thí điểm của Chương trình phòng, chống mại dâm, trong đó có 03 địa bàn triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; 32 địa bàn thực hiện mô hình đảm bảo quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 14 địa bàn triển khai mô hình tăng cường năng lực các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới. 

Về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ đã ký Quy chế phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cũng được thực hiện tốt.

Dù vậy, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, tệ nạn xã hội diễn ra dưới các hình thức tinh vi, phức tạp; số người nghiện ma túy ngoài cộng đồng tăng, tiềm ẩn nguy cơ gây rối, mất trật tự xã hội. Mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy ở nhiều nơi quá tải, xuống cấp, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác cai nghiện ma túy; công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng gặp nhiều khó khăn; đội ngũ viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy thiếu, năng lực chuyên môn còn hạn chế.

Tệ nạn mại dâm diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp và hoạt động tinh vi, số người bị mua bán tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Thí điểm các mô hình về dự phòng nghiện ma túy, cai nghiện ma túy

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2023 sẽ tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật, chương trình, đề án về cai nghiện ma túy, phòng, chống mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. 

Khảo sát, nghiên cứu xây dựng các mô hình về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (Mô hình tư vấn, chuyển gửi với sự tham gia của Tòa án; các mô hình phòng ngừa ma túy tại trường học, nơi làm việc, gia đình, cộng đồng; mô hình dạy nghề đặc thù cho người nghiện…). 

Song song đó, sẽ thí điểm các mô hình về dự phòng nghiện ma túy, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. 

Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết sẽ tăng cường quản lý địa bàn, không để tệ nạn mại dâm gây bức xúc xã hội; duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả về can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội của người bán dâm tại cộng đồng và các trung tâm hỗ trợ xã hội; hỗ trợ người bán dâm hoàn lương vay vốn, phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng. 

Thực hiện các hoạt động can thiệp giảm hại, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng: đánh giá, tài liệu hóa các điều kiện, quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ can thiệp giảm hại, hỗ trợ xã hội; các nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách thực hiện các can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm; hỗ trợ một số địa phương trong thực hiện các mô hình thí điểm về hình thành mạng lưới cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm. 

Đáng chú ý, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổng kết, đánh giá kết quả 20 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm. Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phối hợp liên hành, thực hiện lồng ghép các hoạt động phòng, chống mại dâm trong: các hoạt động truyền thông, tuyên truyền; rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về tệ nạn mại dâm; cung cấp các dịch vụ giảm hại, hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm để hòa nhập cộng đồng.

Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ nhằm giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng, phòng tránh việc bị tái mua bán. Nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn quy trình xác định và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán là trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột lao động.../.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực