Điều chỉnh mức đóng BHYT phù hợp khả năng chi trả của người dân và ngân sách nhà nước

Thứ sáu, 22/10/2021 22:07
(ĐCSVN) – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần xem xét đưa vào nghị quyết kỳ họp lần này hoặc nghị quyết về kinh tế - xã hội, giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ như: Điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cho phù hợp với khả năng chi trả của người dân và ngân sách nhà nước…
 Phiên họp tại tổ chiều ngày 22/10. Ảnh: quochoi.vn

Chiều 22/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Cho ý kiến tại tổ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, BHXH và BHYT là những trụ cột an sinh xã hội đặc biệt quan trọng đối với người dân. BHYT giúp cho tất cả người dân, đặc biệt người nghèo, người khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế và đảm bảo cơ chế tài chính cho công tác khám, chữa bệnh. Hầu hết tất cả các đối tượng yếu thế trong xã hội được quan tâm, hầu như tất cả các dịch vụ y tế chi trả 100%, người dân không phải trả thêm tiền.

“BHYT nước ta đi sau nhưng về trước. Các nước trên thế giới cũng thấy rằng, chúng ta khởi động BHYT chậm hơn nhưng tăng rất nhanh độ bao phủ BHYT. Tính đến hết năm 2020 bao phủ 90,85%. Cộng đồng quốc tế thấy rằng, tại sao Việt Nam đi muộn hơn về chính sách bảo hiểm nhưng đi nhanh hơn về độ bao phủ BHYT, vượt cả chỉ tiêu Quốc hội giao”, Bộ trưởng cho hay.

Nêu lý do khiến độ bao phủ BHYT cao, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lý giải: Do chính sách BHYT thể hiện được tính ưu việt, đảm bảo lợi ích của người dân khiến người dân tích cực tham gia; dịch vụ y tế và chất lượng các dịch vụ y tế, đặc biệt mở rộng phạm vi quyền lợi được hưởng cho những người đóng BHYT…

Tiếp tục triển khai hiệu quả về chính sách BHXH, BHYT, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, việc đảm bảo tính bền vững, mở rộng mức độ tham gia của người đóng BHYT là một vấn đề cực kỳ quan trọng. “BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro thì phải có nhiều người đóng, tốt nhất phải phủ gần như toàn bộ dân số thì lúc đó chia sẻ rủi ro, đỡ gánh nặng cho những người khó khăn. Đây là một trong những vấn đề Bộ sửa theo hướng tất cả người dân phải tiếp cận BHYT. Mục đích nhằm đảm bảo tính bền vững”, Bộ trưởng cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị thúc đẩy mô hình bác sỹ gia đình; khái niệm xây dựng và quy định gói bảo hiểm y tế cơ bản. “Đây là hai việc còn tồn đọng nên cần được xem xét, giải quyết”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần xem xét đưa vào nghị quyết kỳ họp lần này hoặc nghị quyết về kinh tế - xã hội, giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ như: đầu tư nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; điều chỉnh mức đóng BHYT cho các đối tượng cho phù hợp với khả năng chi trả của người dân và ngân sách nhà nước; điều chỉnh cụ thể, rõ hơn để tăng mệnh giá BHYT.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dù mức đóng BHYT của nước ta thấp hơn, nhưng danh mục được hưởng lại nhiều hơn so với một số nước trên thế giới. Nếu tăng mức đóng, phần Nhà nước mua cho đối tượng người nghèo, người có công sẽ tăng. Tăng mệnh giá BHYT mới có điều kiện để thực hiện sớm lộ trình giá dịch vụ y tế. Điều này góp phần giúp các cơ sở y tế nâng cao tính tự chủ.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm quy định của Luật Ngân sách nhà nước, cần dùng ít nhất 30% kinh phí của ngân sách nhà nước cấp cho ngành Y tế cho y tế dự phòng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, yêu cầu quan trọng nhất hiện nay là khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, kèm theo đó là Luật Việc làm nhằm quản lý tốt hơn những người được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Đối với một số quỹ bảo hiểm ngắn hạn có số kết dư khá lớn như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, theo quy định, các quỹ ngắn hạn đều phải có kết dư, bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, khi kết dư nhiều thì cũng cần rà soát lại mức đóng và phạm vi chi trả của các Quỹ này cho phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước và người dân; cân nhắc rà soát mức đóng mức chi tương xứng, phạm vi chi đầy đủ. Bên cạnh đó, năm 2021 chịu tác động rất nặng nề của đại dịch COVID-19 nên cũng cần rà soát, đánh giá tác động và khả năng thu chi của các Quỹ ngắn hạn trong giai đoạn 2021-2022./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực