Đổi thay trên vùng căn cứ cách mạng xưa

Thứ tư, 24/03/2010 10:54

Đến xã Bàu Trâm (vùng căn cứ Cách mạng xưa, nơi chi bộ Cách mạng đầu tiên của Xuân Lộc-Long Khánh được thành lập, nay thuộc thị xã Long Khánh, Đồng Nai) vào một ngày cuối tháng 3. Cái nắng như thiêu của đỉnh điểm mùa khô không thể làm vơi đi vẻ xanh tươi của những vườn cây chôm chôm, sầu riêng trải dài trên khắp vùng đất kiên cường này. Trên con đường rải nhựa rộng thênh thang dẫn vào hai ấp Bàu Trâm và Bàu Sầm là những căn biệt thự lớn, khang trang mọc lên khắp nơi.

Mặc dù chiếm đến 30% dân số của xã là đồng bào dân tộc (chủ yếu là dân tộc Châu Ro), tuy nhiên Bàu Trâm hôm nay đang vươn mình để trở thành một xã giàu - xã "biệt thự" theo cách gọi của người dân.

Ông Phạm Văn Hoàng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy Long Khánh cho biết, trước năm 1975, Bàu Trâm là khu căn cứ cách mạng của thị ủy Long Khánh. Xưa vùng đất này cằn cỗi, với những rừng cây le rậm rạp, cho nên người dân thường gọi đây là "Bàu Cằn". Từ năm 2004, sau khi được đổi tên thành xã Bàu Trâm, cùng với sự quan tâm của chính quyền, đảng bộ thị xã Long Khánh, cán bộ nhân dân Bàu Trâm quyết tâm xây dựng vùng đất này khang trang, sớm thoát cảnh nghèo và vươn lên làm giàu.

Lãnh đạo UBND xã Bàu Trâm cho biết: giá trị sản xuất trên địa bàn trong hai năm gần đây luôn ở mức tăng trên 90%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó ngành thương mại dịch vụ chiếm đến trên 60%. Thế mạnh của Bàu Trâm là vùng trồng cây công nghiệp lâu năm như chôm chôm, sầu riêng, điều, cam quýt..., do đó các ngành dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp cũng theo đó phát triển nhanh. Hiện xã có 14 cơ sở sản xuất gia công các mặt hàng sắt thép và chế biến nông sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; có 77 cơ sở làm công tác dịch vụ, chủ yếu là kinh doanh các mặt hàng nông sản và hàng tiêu dùng. Trong đó điển hình có doanh nghiệp Hoàng Long, giá trị sản xuất năm 2009 lên đến 200 tỷ đồng.

Trong năm 2008 và 2009, với sự nỗ lực của nhân dân và chính quyền địa phương, xã đã kêu gọi và huy động được hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, phát triển thủy lợi, xây trường học... Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thường xuyên hỗ trợ về kỹ thuật trong canh tác, đưa vào trồng các giống cây mới cho năng suất và chất lượng cao hơn, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, do đó sản phẩm trái cây của Bàu Trâm ngày càng đạt chất lượng tốt và dễ tiêu thụ ra thị trường.

Ông Lê Văn Thư, Phó Chủ tịch UBND thị xã Long Khánh cho biết, năm 2008, thị xã đã triển khai dự án trồng nấm mèo với kinh phí 1,2 tỷ đồng hỗ trợ nông dân, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc ở xã Bàu Trâm canh tác và "làm giàu" từ cây nấm. Đến nay, dự án trên đã mang lại hiệu quả thiết thực, những hộ dân được hỗ trợ đã thoát nghèo và bắt đầu tự vươn lên làm giàu bằng nghề sản xuất nấm. Hiện xã Bàu Trâm đã thành lập được 4 câu lạc bộ năng suất cao trong sản xuất nông nghiệp, trong đó câu lạc bộ sản xuất nấm mèo với khoảng 30 hộ tham gia, có những thành viên mỗi năm thu lợi khoảng 1 tỷ đồng từ nghề sản xuất nấm. Chính vì những nỗ lực của nhân dân và chính quyền, đến nay xã Bàu Trâm chỉ còn 96 hộ nghèo (theo chuẩn mới), tỷ lệ hộ có nhà mái ngói, tôn, có điện và nước sinh hoạt đạt vệ sinh đạt gần 100%; số hộ giàu tăng lên hằng năm. Đặc biệt, xã hiện có hàng chục căn biệt thự khang trang, do chính bàn tay lao động của người dân Bàu Trâm xây dựng.

Vùng căn cứ xưa nay đã khoác lên mình chiếc áo mới, người dân Bàu Trâm đã không còn cảnh đói, con em được học trong những ngôi trường khang trang, sạch đẹp. Trong những ngày cùng cả nước thi đua tiến tới kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, người dân Bàu Trâm lại càng phấn khởi hơn khi được "chiến đấu" trên mặt trận mới - mặt trận phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực