Đồng bào Công giáo góp phần xứng đáng vào quá trình phát triển của Thủ đô

Thứ hai, 21/11/2022 09:34
(ĐCSVN) - Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội cần phát huy lợi thế Thủ đô và truyền thống yêu nước của đồng bào Công giáo để góp phần xứng đáng vào quá trình xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
 Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh chia sẻ về truyền thống yêu nước, gắn bó cùng dân tộc của đồng bào Công giáo Hà Nội. Ảnh: Bùi An

Đó là chia sẻ của Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh, Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhân dịp sắp diễn ra Đại hội đại biểu “Người Công giáo Thủ đô xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022- 2027.

Phóng viên (PV): Hà Nội là Thủ đô và là trái tim của cả nước, vậy đời sống đạo Công giáo ở Hà Nội có đặc điểm gì nổi bật, thưa Linh mục?

Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh: Theo hồi ký của linh mục Lorensô Phạm Hân Quynh (nguyên Tổng đại diện giáo phận Hải Phòng), ngay sau khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945 thành công ở Hà Nội, ngày 22/ 8 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà thờ Lớn Hà Nội.

Trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, người Công giáo đã bằng nhiều cách để biểu thị lòng yêu nước. Trong đó 200 chủng sinh trường Chủng viện Xuân Bích dù bị Bề trên là các giáo sĩ người nước ngoài cấm đoán, vẫn tập hợp để biểu thị ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh.

Thiết kế lễ đài cho sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình là họa sĩ người Công giáo Lê Văn Đệ và chỉ huy đoàn quân nhạc cử bài “Tiến quân ca” hôm đó cũng là nhạc sĩ Công giáo Đinh Ngọc Liên. 

Theo Báo Cứu quốc ngày 14,15 tháng 1/1946, thanh niên Công giáo ở Hà Nội cũng họp nhau cùng thông qua bức thư gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng quyết tâm son sắt: “Chúng tôi đại biểu cho toàn thể đoàn thanh niên Công giáo khắp giáo phận Hà Nội họp Đại hội thường niên tại Hà Nội trân trọng gửi lời chào kính Hồ Chí Minh và Chính phủ dân chủ cộng hòa. Chúng tôi xin tận tâm trung thành với Chính phủ và để ủng hộ Chính phủ theo tinh thần Công giáo, xứng đáng là công dân mới”.

Nhắc lại đôi nét lịch sử trên để thấy rằng, người Công giáo tại Hà Nội đã sớm khẳng định sự gắn bó, đồng hành với với Cách mạng, với dân tộc. Sau này, người Công giáo tiếp tục khẳng định tinh thần yêu nước trong các cuộc kháng chiến của dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, đời sống của người Công giáo cũng là một phần trong truyền thống Cách mạng và nét văn hiến, văn hóa của Thủ đô Hà Nội.

Một điểm khá thú vị nữa, đó là hơn 200 ngàn người Công giáo đang sinh sống ở 110 giáo xứ, 428 giáo họ tại Hà Nội hiện nay nhưng về mặt Giáo hội thì một tỷ lệ trong tổng số 200 ngàn người đó lại thuộc giáo phận Hưng Hóa, một tỷ lệ khác thuộc giáo phận Bắc Ninh, còn lại đa số thuộc Tổng giáo phận Hà Nội.

Trong 5 năm (2017-2022) trên địa bàn 29 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã xây dựng mới 34 nhà thờ, sửa chữa và nâng cấp 57 nhà thờ. Đồng bào Công giáo đang sinh sống và làm việc ở 326/579 xã, phường, thị trấn, trong đó có 42 thôn Công giáo toàn tòng thuộc 25 xã, thị trấn trên địa bàn 10 huyện thành phố Hà Nội. Lãnh đạo thành phố Hà Nội có sự quan tâm đến đồng bào Công giáo, không những có chế độ hỗ trợ tài chính ổn định cho Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố, các Ban Đoàn kết Công giáo mà còn hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà thờ Công giáo. Ví dụ hỗ trợ  để xây nhà thờ Nguyên Khê (Đông Anh, Hà Nội).

Số giáo dân, số nhà thờ Công giáo tại Hà Nội đều có sự gia tăng. Nhưng những con số thống kê được là chưa đầy đủ, bởi còn rất đông giáo dân tại các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội làm ăn, hàng tuần họ tham gia thánh lễ và hội đoàn tại các xứ đạo tập trung nhiều ở khu vực nội thành.

Theo tôi, đời sống tôn giáo tại Hà Nội vừa có điều kiện thuận lợi về môi trường văn hóa, kinh tế và hội nhập quốc tế; song cũng có những thách thức về việc giữ gìn bản sắc và truyền thống đạo đức, văn hóa trước những tác động của lối sống hiện đại và tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh chóng.

 Người Công giáo tham dự thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội. Ảnh: Bùi An

PV: Với những đặc điểm trên, hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP.Hà Nội những năm qua được triển khai thế nào, thưa Linh mục?

Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh: Với đặc điểm phân bố như trên, địa bàn hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hà Nội rất rộng. Tuy nhiên, Hà Nội đã xây dựng và phát triển được bộ máy tổ chức của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tới tất cả các quận, huyện có đông giáo dân sinh sống. Điều này giúp cho việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động và công tác phối hợp triển khai các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc thành phố được kịp thời và lan tỏa.

Bên cạnh đó, nhân sự của Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội là những người có trình độ và kinh nghiệm công tác xã hội; trong đó Ban Thường trực có Linh mục làm Chủ tịch, có người trình độ là Tiến sĩ về chuyên ngành liên quan đến tôn giáo… Đây là những nhân tố quan trọng trong phát huy giá trị văn hóa, đạo đức của đạo Công giáo và các chính sách pháp luật của Nhà nước vào đời sống, góp phần xây dựng xứ đạo, quê hương phát triển cả về đời sống tinh thần và vật chất.

Nhờ bộ máy thông suốt từ thành phố tới 29 Ban Đoàn kết Công giáo quận, huyện và hàng trăm Tổ đoàn kết Công giáo nên việc nắm bắt tình hình, đặc điểm thực tế tại cơ sở được kịp thời, qua đó các định hướng xây dựng phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo được sát với thực tế; việc triển khai các phong trào được lan tỏa rộng khắp.

Tôi nhận thấy, những năm qua, các định hướng và phong trào của Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã được Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội triển khai sáng tạo. Từ phong trào chung của toàn quốc là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời- đẹp đạo”, Hà Nội đã căn cứ vào thực tế tại cơ sở để triển khai thành phong trào thi đua xây dựng “Xứ, họ đạo tiên tiến” với 4 nội dung trọng tâm; phong trào “Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt; mô hình “Giáo họ tự quản về an ninh trật tự” tại các thôn toàn tòng Công giáo; mô hình “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại thôn toàn tòng Công giáo; “Xứ, họ đạo cùng cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại thôn lương- giáo chung sống.

PV: Linh mục có thể chia sẻ về kết quả thi đua yêu nước nổi bật của đồng bào Công giáo Hà Nội trong bức tranh chung của đồng bào Công giáo cả nước?

Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh: Đồng bào Công giáo cả nước những năm qua luôn thực hành tốt đường hướng mục vụ của Giáo hội và thực hiện tốt chính sách và pháp luật của Nhà nước, trong đó có Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Nổi bật là thực hành “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Theo tinh thần của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới 2023-2024 với chủ đề: Hướng về một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông- Tham gia- Sứ vụ, tôi hy vọng tổ chức và phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo Thủ đô sẽ hiệp hành sâu rộng với Giáo hội cũng như xã hội tại địa phương.

Đồng bào Công giáo thành phố Hà Nội với truyền thống yêu nước, truyền thống văn hiến, văn hóa và đời sống đạo sốt sắng đã đáp lại nhiệt thành lời mời gọi của Giáo hội trong các hoạt động bác ái; thực hiện hiệu quả các phong trào của Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, với những con số ấn tượng: Trong 5 năm qua, đã ủng hộ các quỹ từ thiện xã hội với số tiền thống kê chưa đầy đủ là hơn 10 tỷ 907 triệu đồng. Bên cạnh đó còn đóng góp vào quỹ Bác ái với số tiền hàng tỷ đồng; từ nguồn quỹ từ thiện bác ái của các giáo xứ và giáo dân ủng hộ đã xây dựng 23 nhà cho hộ nghèo, tổ chức thăm và tặng quà các bệnh nhân trại phong, người khuyết tật; ủng hộ khuyến học khuyến tài 3 tỷ 886,3 triệu đồng,…

Từ thiện xã hội và bác ái là những nét đẹp thường xuyên trong đời sống của đồng bào Công giáo nói chung. Nhưng tôi thấy tại Hà Nội, người Công giáo đã có được những kết quả nổi bật trong lĩnh vực này, đây là nét đẹp trong đời sống xã hội hiện đại của Thủ đô hôm nay, cần được nhân lên và lan tỏa ra các địa phương khác.

Thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo Thủ đô cũng đã góp phần đưa nhiều  xã về đích nông thôn mới, bộ mặt xứ đạo và quê hương khang trang, sạch, đẹp; an ninh trật tự xã hội được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người Công giáo được cải thiện và nâng cao, trong đó đến nay đã có nhiều người Công giáo thu nhập hàng tỷ đồng/năm, đó là những điểm nhấn rất ý nghĩa, góp phần tích cực vào sự phát triển của Hà Nội.

PV: Đại hội “Người Công giáo Thủ đô xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022-2027 sắp tổ chức tại Hà Nội, Linh mục có gợi mở gì cho hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP.Hà Nội thời gian tới?

Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh: Để góp phần nhiều hơn nữa vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như vào sự phát triển của Thủ đô, theo tôi, Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội cần phát huy mạnh mẽ truyền thống ngàn năm văn hiến, lợi thế Thủ đô; truyền thống yêu chuộng hòa bình, gắn bó với quê hương, hiệp hành, đồng tiến cùng dân tộc của người Công giáo Hà Nội với phương châm “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, góp phần xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội cũng cần vận dụng sáng tạo các hướng dẫn của Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong xây dựng và triển khai hoạt động thi đua yêu nước; phối hợp chặt chẽ cùng Mặt trận Tổ quốc các cấp để phản ánh và kiến nghị giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của các giáo xứ, giáo họ, qua đó tăng cường sự tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, động viên, khích lệ đồng bào Công giáo đẩy mạnh thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để các phong trào thi đua có sức sống lâu dài và hòa nhịp cùng bước đường phát triển của thành phố, Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội cần nắm bắt kịp thời những thay đổi tại cơ sở, vận dụng linh hoạt các cuộc vận động thi đua yêu nước của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam để xây dựng các mô hình thi đua yêu nước phù hợp với đặc điểm thực tế tại khu dân cư, xứ đạo.

Với truyền thống đồng hành cùng dân tộc của giáo dân, sự quan tâm của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và sự năng động, sáng tạo của Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố, tôi tin tưởng rằng, trong nhiệm kỳ tới, người Công giáo Hà Nội sẽ có được nhiều thành công trong phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, thăng tiến Đức Tin, góp phần xứng đáng vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Nhân đây, tôi xin gửi lời chúc bình an, hạnh phúc  và thành công tới các vị đại biểu và Đại hội “Người Công giáo Thủ đô xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022-2027 sắp khai mạc./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Linh mục!

Bùi An-Thuỳ Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực