Dựa vào dân để chống dịch: Hải Dương huy động sức mạnh từ cộng đồng

Thứ sáu, 26/02/2021 08:33
(ĐCSVN) - Được xác định là cánh tay nối dài trong công tác phòng. chống dịch của chính quyền và ngành y tế, giúp cho người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, các tổ COVID cộng đồng tại Hải Dương đều hoạt động trên tinh thần tình nguyện, tự nguyện và là minh chứng sinh động việc huy động sức mạnh to lớn của nhân dân tham gia phòng chống dịch.

Dỡ cách ly toàn tỉnh là phù hợp với yêu cầu của Trung ương và thực tế địa phương

Tổ COVID cộng đồng tại phường Tân Bình, Tp Hải Dương dán biển tại các gia đình cách ly tại nhà để mọi người cùng giám sát và phòng, chống dịch.

 “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”

Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng đồng chí Nguyễn Quang Huy (Bí thư chi bộ thôn Thu Lãng, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng) vẫn luôn tích cực tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 trong cộng đồng, thậm chí ông còn xung phong trực ca đêm tại chốt kiểm soát.

Thông tin về tình hình trên địa bàn, ông Huy cho biết: “Trong thôn hiện nay có 6 tổ COVID cộng đồng với 12 thành viên phụ trách 314 hộ gia đình. Do khu dân cư có rất nhiều công nhân đi làm tại các khu công nghiệp, nên chúng tôi phải liệt kê danh sách để theo dõi, kiểm tra giấy tờ. Ngoài việc nhắc nhở từng người dân trong nhà, thăm các gia đình có biểu hiện ốm đau, tổ COVID còn dùng hệ thống loa phát thanh để tuyên truyền. Nhờ đó nâng cao nhận thức trong Nhân dân về chủ trương "chống dịch như chống giặc", thậm chí còn giám sát chéo nhau, nếu có trường hợp không chấp hành báo cáo lại tổ COVID cộng đồng để nhắc nhở”.

Nhờ những tình nguyện viên tận tâm như ông Huy, mà huyện Cẩm Giàng những ngày qua đã sớm rà soát, phát hiện những người có nguy cơ cao để yêu cầu xét nghiệm hoặc cách ly. Tại huyện Cẩm Giàng, sau khi kiện toàn, bổ sung, huyện có 931 tổ COVID cộng đồng, với 2.006 thành viên. Đến nay, các tổ đã phát hiện và báo cáo để cách ly tập trung đối với 391 người nghi F1 do có biểu hiện ho, sốt, khó thở.

Còn tại Thành phố Hải Dương, từ sáng sớm ngày 23/2, tại phường Tân Bình, Thành phố Hải Dương, những tổ COVID cộng đồng chia nhau đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động về chủ trương xét nghiệm trên diện rộng đang được tỉnh và Thành phố triển khai, bởi hôm sau, 9 nhóm đối tượng sẽ được xét nghiệm tại các điểm được chỉ định của Thành phố. Qua rà soát của các tổ COVID cộng đồng, phường Tân Bình có tới 577 người trong diện xét nghiệm lần này.

Theo đồng chí Nguyễn Tác Lũy, Chủ tịch UBND phường Tân Bình, đây chỉ là một phần công việc của các tổ COVID cộng đồng thực hiện trong thời gian dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Trên địa bàn phường hiện có 80 tổ COVID cộng đồng, với 160 thành viên, quản lý 4.677 hộ, với gần 18 nghìn nhân khẩu. Thời gian qua, tổ COVID cộng đồng đã phát huy vai trò, hiệu quả tích cực, luôn gần dân, sát dân, giám sát giúp phường rà soát và phát hiện những người có nguy cơ cao để sàng lọc, yêu cầu xét nghiệm hoặc cách ly. Tổ COVID cộng đồng cũng là những người giúp chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ các hộ có đời sống khó khăn, đặc biệt là các hộ trong vùng cách ly; giám sát F1 khi hết cách ly tập trung, giám sát F2 tại địa phương, công nhân, người lao động từ vùng dịch về; dán biển tại các gia đình cách ly tại nhà; gửi bản cam kết cho các hộ thực hiện cách ly theo đúng yêu cầu y tế. Thông qua các tổ COVID cộng đồng, các trường hợp ho, sốt phát hiện mỗi ngày được báo lên phường.

Đồng chí Lũy cho biết thêm, thời gian qua, trên địa bàn phường cũng có khu vực cách ly, ngay chính trong khu vực ấy, các đồng chí cũng đã thành lập tổ tự nguyện trong vùng cách ly để thực hiện các công việc chung của khu vực. “Các tổ COVID cộng đồng thực sự là cánh tay nối dài giúp chính quyền địa phương thực hiện các chủ trương, chính sách trong mùa dịch” – đồng chí Nguyễn Tác Lũy khẳng định.

Tại huyện Kim Thành, chỉ tính riêng ngày 24/2, tổ COVID cộng đồng đã theo dõi trong ngày 44.000 hộ, với hơn 136.500 người. Qua theo dõi, tổ COVID cộng đồng đã phát hiện số người có sốt, ho, khó thở, đau họng, mệt mỏi, … trong ngày: tổng 63 người (trong đó có 21 người do hiệu thuốc phát hiện); số trường nghi nhiễm khác (đi về từ vùng dịch, tiếp xúc gần ca bệnh COVID-19...) tổng 62 người.

Tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu và thực hiện tốt việc phòng chống COVID-19. 

Không chỉ rà soát, phát hiện người có nguy cơ cao, tổ COVID cộng đồng tại huyện Kim Thành, nơi bùng phát ổ dịch thứ 6 trên địa bàn tỉnh trong những ngày qua đã thống kê rõ những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Do lệnh phong toả được ban hành đột ngột nên người dân bắt đầu gặp khó khăn trong sinh hoạt, ăn uống. Từ thông tin của tổ COVID cộng đồng, 200 hộ dân đầu tiên tại đây đã được Sở NN&PTNT tỉnh mua tặng thực phẩm, gồm: gạo, cá tươi, rau củ quả, mì chính, bột canh và 1 hộp khẩu trang y tế chất lượng cao. Trị giá mỗi gia đình nhận được là 400.000 đồng/suất.

Các túi quà được lãnh đạo và công chức Sở NN&PTNT bàn giao tới từng thôn. Tổ COVID cộng đồng sẽ mang đến từng nhà dân. Đây là việc làm kịp thời của tỉnh Hải Dương để các gia đình khó khăn không thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu trong thời gian phong tỏa phòng chống dịch COVID-19.

Giám đốc Sở NN&PNNT tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân khẳng định: “Đây là chủ trương của tỉnh Hải Dương được thực hiện xuyên suốt ngày từ khi xảy ra dịch bệnh. Chúng tôi đã huy động toàn bộ cán bộ công nhân viên đi thu mua gạo, rau, gà, cá… ở những vùng nguyên liệu đang bị ứ lại do dịch. Sau khi thu mua xong, chúng tôi lại cấp miễn phí ngược lại cho người dân trong vùng phong toả như tại Cẩm Giàng, Chí Linh và nay là Kim Thành”.

"Thông qua tổ COVID-19 cộng đồng, từ ngày 24/2, người dân nào thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu sẽ báo lên tổ COVID-19 cộng đồng. Đây sẽ là kênh kết nối với chính quyền để thực hiện ngay việc bố trí lương thực. Chúng tôi không để một người dân nào trong khu cách ly bị thiếu ăn, bị bỏ lại phía sau... Họ hãy yên tâm đã có chính quyền bên cạnh." – đồng chí Trần Văn Quân cho biết thêm.

Chỉ khi nào dân hiểu và hợp tác mới thành công

Theo đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương: Chúng tôi nhận thấy chỉ khi nào được dân hiểu, dân tin, dân hợp tác, dân ủng hộ thì công việc mới thành công được. Do đó, những tổ COVID cộng đồng chính là đội tuyên truyền viên tích cực và gần dân nhất trong đợt dịch COVID-19 hiện nay. Đó là những đồng chí Bí thư chi bộ, là những hội viên phụ nữ, thanh niên hay bất cứ một tình nguyện viên nào khác. Họ cũng chính là những hạt nhân của phong trào toàn dân tham gia phòng chống dịch và là biểu hiện sinh động của việc phòng chống dịch dựa vào nhân dân, toàn dân tham gia đánh “giặc” COVID-19.  

Mục tiêu cao nhất trong công tác phòng, chống dịch hiện nay là vì lợi ích, vì sức khỏe của nhân dân, nhưng chống dịch không chỉ là việc của cấp ủy, chính quyền mà phải xuất phát từ tinh thần, ý chí và lòng quyết tâm của Nhân dân. Chỉ khi hiểu rõ điều đó chúng ta mới có sự đồng lòng, quyết tâm cao nhất để chống “giặc” COVID lần này. Do đó, khi triển khai thực hiện các chủ trương, chúng tôi luôn lấy người dân làm trung tâm cho mọi hành động và việc làm của mình và dựa vào chính sức mạnh trong Nhân dân để thực hiện các nhiệm vụ.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã thành lập được 10.107 tổ COVID cộng đồng, với hơn 21.200 tổ viên tham gia. Trong đó, đông nhất là Thành phố Hải Dương với 1.212 tổ với sự tham gia của 2.430 tổ viên; Chí Linh 981 tổ với 2.068 tổ viên; Kinh Môn: 950 tổ với 1.951 tổ viên; Cẩm Giàng 931 tổ với 2.006 tổ viên…

“Với số lượng này đồng nghĩa với việc chúng tôi đã huy động được thêm trên 21 nghìn người dân trực tiếp tham gia chống dịch một cách tích cực và hiệu quả tại cộng đồng. Đây là lực lượng quan trọng giúp tỉnh tổng rà soát để truy quét nguy cơ lây nhiễm COVID trong cộng đồng và tiến hành xét nghiệm trong diện rộng đợt này” – đồng chí Nguyễn Quang Phúc cho biết.

Thời gian qua, các tổ COVID cộng đồng đã giám sát và phát hiện nhiều trường hợp ho, sốt, những người có biểu hiện nguy cơ cao về COVID-19 để đưa đi xét nghiệm, sàng lọc. 

Mục tiêu của tổ COVID cộng đồng chính là giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 chủ động tại từng hộ gia đình. Tổ COVID cộng đồng cũng chính là cầu nối chủ động, là cánh tay nối dài về công tác phòng chống dịch của chính quyền và ngành y tế đến với nhân dân, giúp cho người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Các tổ này đều hoạt động trên tinh thần tình nguyện, tự nguyện với nòng cốt là các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể tại cộng đồng, người tình nguyện tại khu dân cư dưới sự tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế.

Trong thời gian qua, tổ COVID cộng đồng trong tỉnh đã tích cực “tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; giám sát, phát hiện, báo cáo ngay những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh COVID-19 tại từng hộ gia đình”.

Hằng ngày, tổ COVID cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay qua điện thoại cho chính quyền địa phương và đơn vị y tế tuyến xã những trường hợp nghi mắc COVID-19 phát hiện được tại các hộ gia đình như: sốt; ho; đau họng; cảm cúm; ốm mệt; mất ngủ hoặc đau ngực, khó thở,… Hỏi và phát hiện những trường hợp đi từ vùng có dịch COVID-19 về. Tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng chống dịch tại từng hộ gia đình: Thực hiện thông điệp 5K “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”. Ở tại nhà, hạn chế đi ra ngoài khi không thực sự cần thiết.…

Cùng với các tổ COVID cộng đồng, tỉnh Hải Dương cũng đã yêu cầu các cửa hiệu bán thuốc phải có trách nhiệm phát hiện tất cả những người có biểu hiện hoặc đi mua thuốc cho người có biểu hiện ho, sốt, khó thở báo ngay cho tổ COVID cộng đồng yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm.

Mỗi ngày, tổ COVID cộng đồng duy trì báo cáo về Ban chỉ đạo cấp xã ít nhất 2 lần; các xã, phường, thị trấn tổng hợp tình hình qua báo cáo của Tổ COVID cộng đồng và báo cáo nhanh qua nhóm zalo tới Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện.

Theo PGS. Trần Như Dương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tất cả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng đều được triển khai ở nơi dân và đều phải dựa vào Nhân dân để thực hiện. Trong giai đoạn hiện nay khi cả thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải quyết liệt phòng chống, đại dịch COVID-19, một trong những kinh nghiệm chống dịch không thể không nói tới là dựa vào cộng đồng, huy động sức mạnh to lớn của Nhân dân tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Chúng ta coi chống dịch COVID-19 như chống giặc cho nên đây là cuộc chiến của toàn dân, cuộc chiến này cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn thể Nhân dân để tạo ra một sức mạnh tổng hợp chống dịch. Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng là một minh chứng cho điều đó.

“Có thể nói, việc thành lập các tổ COVID cộng đồng trong phòng, chống dịch chính là một trong những sáng tạo, độc đáo của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19. Với sự hoạt động của tổ COVID cộng đồng, chúng ta thực sự đã đưa được các biện pháp phòng, chống dịch vào tới từng hộ gia đình – chống dịch tại từng nhà mà tôi nghĩ ít nơi nào trên thế giới có thể làm được như vậy.” PGS. Trần Như Dương khẳng định./.

Hoa Hiền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực