Gia Lai phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ ba, 26/04/2016 09:44
(ĐCSVN) – Là tỉnh miền núi có đến hơn 44% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn vô vàn khó khăn, 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền Gia Lai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm đẩy lùi cái đói, cái nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đổi thay ở những huyện nghèo

Huyện Kông Chro có 14 xã, thị trấn với 114 thôn, làng thì có đến 12 xã với 75 thôn, làng thuộc diện đặc biệt khó khăn. Là một trong 4 huyện khó khăn nhất tỉnh, Kông Chro cũng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Thế nhưng 5 năm trở lại đây, đời sống của người dân trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 chỉ còn 24,27%. 2.535 hộ đã thoát nghèo, giảm đến 31,12% so với đầu năm 2011.

Công tác giảm nghèo ở Gia Lai được gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
 Ảnh: Minh Châu

Để có được những con số ấn tượng này, “chìa khóa” chính là hai mô hình giảm nghèo bền vững. Đó là mô hình nuôi heo sọc dưa tại 36 hộ nghèo xã Đak Pơ Pho và Chơ Long cùng mô hình nuôi bò sinh sản tại 20 hộ nghèo xã Yang Nam và Ya Ma.

Giống như Kông Chro, huyện nghèo Kbang những năm gần đây cũng có nhiều thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm trên 5%. Hàng ngàn người dân đã thoát khỏi cảnh bần hàn, khốn khó. Đây chính là kết quả của sự quyết tâm, lòng kiên trì của toàn bộ hệ thống chính trị địa phương khi căn cứ vào số liệu thực tế hộ nghèo trên địa bàn từng năm, huyện đã yêu cầu các xã phân công cán bộ trực tiếp phụ trách từng làng, từng nhóm hộ để có phương án hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời dưới nhiều hình thức.

Với những hộ nghèo thiếu sức lao động thì có phương án huy động nhân lực ủng hộ ngày công, giúp dân thu hoạch, tưới tiêu... Với hộ nghèo thiếu đất, xã lại ưu tiên cấp bò sinh sản… và quan trọng nhất là hướng dẫn một cách chi tiết, tỉ mỉ người nghèo cách thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng loại đất.

Quyết đẩy lùi nghèo khó

Trong nhiệm kỳ Đại hội XIV (2010-2015), nhiều chủ trương, chính sách về giảm nghèo phù hợp với tình hình thực tế đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai đề ra, đặc biệt là ở 77 xã và các thôn làng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Đây chính là cơ sở để cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ, với tinh thần, quyết tâm cao nhất.

5 năm qua, Gia Lai đã huy động trên 1.800 tỷ đồng từ nhiều chương trình, dự án như nguồn vốn của Trung ương, chương trình 135, dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên được Ngân hàng Thế giới tài trợ… để triển khai công tác giảm nghèo gắn với thực hiện công tác dân tộc và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà trọng tâm là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu.

Cùng với gần 80 nghìn lượt hộ được hỗ trợ vốn vay sản xuất, nhiều dự án khuyến nông, khuyến ngư, nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao cũng được áp dụng trên toàn tỉnh như: nuôi lợn, bò, trồng bắp lai, lúa nước...

Đáng chú ý, các cơ chế, chính sách, dự án về xóa đói giảm nghèo đều được quán triệt phải đảm bảo theo sát nhu cầu của người dân, giúp người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục bên cạnh giải quyết nhu cầu thiết yếu về việc làm, phát triển sản xuất, tăng thu nhập…

Các dự án xóa đói giảm nghèo đều được đảm bảo theo sát nhu cầu của người dân, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục - Ảnh: Minh Châu

Nhờ đi đúng hướng, tỉ lệ hộ nghèo ở Gia Lai đã giảm nhanh qua từng năm. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh là 27,56% thì đến cuối nhiệm kỳ năm 2015 giảm còn 11,67%, đạt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội XIV đề ra. Tư duy, cách thức làm ăn của các hộ đã có nhiều thay đổi, 100% làng đồng bào dân tộc thiểu số được định cư, các hộ thiếu đất sản xuất cơ bản được giải quyết, góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước, với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Phấn khởi với những kết quả đạt được, nhưng hiện tại với tỷ lệ 85% hộ nghèo trong tỉnh nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số, tỉnh Gia Lai xác định trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo thời gian tới sẽ tập trung thực hiện các chính sách dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt là thay đổi cách nghĩ, cách thức sản xuất của đồng bào đi đôi với đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khu vực còn nhiều khó khăn.

Với mục tiêu tổng quát trong 5 năm (2015-2020) đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XV xác định là phấn đấu xây dựng Gia Lai trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững ở khu vực Bắc Tây Nguyên, một trong 4 chương trình trọng tâm sẽ được tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa đó chính là “phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chăm lo nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân, nhất là giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số”.

Trong giai đoạn 2015-2020, Gia Lai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm là 1,8%; đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,68%. Để mục tiêu này cán đích, các dự án sẽ được triển khai theo hướng tập trung, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo và đối tượng cụ thể, ưu tiên hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các chương trình xóa đói, giảm nghèo sẽ được lồng ghép cùng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, mở rộng đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo nghề bên cạnh việc chủ động liên kết với các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực