Hà Nội: Phản biện dự thảo Nghị quyết về một số mức chi đặc thù

Thứ năm, 25/11/2021 16:44
(ĐCSVN) - Các ý kiến phát biểu tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định nội dung, mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền HĐND TP Hà Nội cơ bản thống nhất với các nội dung và cho rằng việc ban hành các nghị quyết thời điểm này rất cần thiết và có căn cứ pháp lý.
 Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 25/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố (TP) Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định nội dung, mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền HĐND TP Hà Nội.

Đại diện Sở Tài chính đã trình bày Dự thảo Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, Ban TTND xã, phường, thị trấn được hưởng kinh phí hỗ trợ hằng tháng là 600.000 đồng/tháng (7,2 triệu đồng/năm). Mức hỗ trợ này chưa được điều chỉnh qua các năm và hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Ban TTND xã, phường, thị trấn. Do đó, dự thảo Nghị quyết đã kế thừa mức chi cũ và có sự điều chỉnh tăng thêm phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của TP với mức chi hỗ trợ hoạt động 12.000.000 đồng/Ban/năm.

Đại diện Công an Thành phố đã trình bày Dự thảo Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ đối với các chức danh đội trưởng, đội phó lực lượng dân phòng trên địa bàn TP. Theo đó, để kịp thời khích lệ, động viên, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của đội trưởng, đội phó đội dân phòng, dự thảo đề xuất mức chi thường xuyên hằng tháng cho chức danh đội trưởng đội dân phòng tăng từ 15% lên 30% lương tối thiểu vùng (tăng từ 1.176 nghìn đồng lên 1.326 nghìn đồng). Mức hỗ trợ thường xuyên cho chức danh đội phó đội dân phòng là 25% lương tối thiểu vùng với mức hỗ trợ tăng từ 980 nghìn đồng lên 1.105 nghìn đồng. Nguồn kinh phí này được lấy từ ngân sách quận, huyện, thị xã và ngân sách các xã, thị trấn.

Đại diện Sở Khoa học - Công nghệ đã trình bày Dự thảo Nghị quyết quy định mức chi thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn TP, giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, quy định 5 nội dung, mức chi: Để thực hiện công tác thông tin, truyền thông về năng suất chất lượng; đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng; tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; phục vụ công tác quản lý hoạt động chung theo Kế hoạch thực hiện Chương trình 1322 tại TP; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; tham gia các chương trình đào tạo của quốc tế.

Các ý kiến phát biểu tại hội nghị cơ bản thống nhất với các nội dung và cho rằng việc ban hành các nghị quyết thời điểm này rất cần thiết và có căn cứ pháp lý. Một số đại biểu đề nghị, đối với nghị quyết về mức hỗ trợ cho lực lượng thanh tra nhân dân cần bổ sung căn cứ Luật Thủ đô và Luật Thanh tra. Đồng thời, đề nghị chuyển từ kinh phí hỗ trợ sang kinh phí hoạt động cũng như bổ sung thêm phụ cấp cho trưởng, phó ban thanh tra nhân dân.

Bên cạnh đó, các ý kiến đề nghị Công an TP Hà Nội điều chỉnh, bổ sung bảo đảm cơ chế chi cho hoạt động lực lượng dân phòng này vì đây là hoạt động mới. Các hoạt động về khoa học - công nghệ không nên hỗ trợ bằng tiền mà cần hỗ trợ về cơ chế, chính sách…

Sau khi nghe các ý kiến góp ý, phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Đàm Văn Huân đề nghị các cơ quan soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu bổ sung các ý kiến khác của các đại biểu để hoàn thiện các dự thảo trình HĐND TP xem xét, thông qua./.

Tin, ảnh: Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực