Hải Dương: Thần tốc chuyển từ phòng ngự sang chủ động tổng phản công dịch COVID-19

Thứ hai, 01/03/2021 15:08
(ĐCSVN) – Từ 0 giờ ngày 3/3, tỉnh Hải Dương kết thúc 15 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, gỡ bỏ phong tỏa đối với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng, đồng thời chuyển toàn tỉnh sang một trạng thái mới, vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.
leftcenterrightdel
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. 

Sáng 1/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức hội nghị trực tuyến lần thứ 13 đến tất cả các điểm cầu cấp huyện để xem xét nội dung Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo tổng hợp tình hình dịch bệnh COVID-19 kể từ ngày 27/1 đến nay và đề xuất giải pháp chống dịch cùng với việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội sau ngày 2/3.

Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn nhanh đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương sau khi kết thúc cuộc họp.

Thần tốc chuyển từ giai đoạn phòng ngự sang chủ động tổng phản công 

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, sau hơn 1 tháng phát hiện dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh và sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16-CT/Tg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, tình hình chống dịch tại tỉnh Hải Dương đã đạt được những kết quả như thế nào?

Đồng chí Phạm Xuân Thăng: Từ ngày 27/01/2021, dịch COVID-19 đã bùng phát trên địa bàn tỉnh Hải Dương, với biến chủng mới của Anh. Bắt đầu từ nhà máy POYUN trong Khu công nghiệp Cộng Hòa thành phố Chí Linh, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn sau đó đã phát hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 trên toàn bộ địa bàn 12/12 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh. Với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, cùng với sự vào cuộc quyết tâm, mạnh mẽ, kịp thời, sáng tạo, bình tĩnh của cả hệ thống chính trị với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và sự đồng lòng, ủng hộ cao của nhân dân. Sau hơn 30 ngày thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có 15 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hải Dương đã chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng; số ca dương tính với SARS-CoV-2 đã có chiều hướng giảm dần; tình hình dịch bệnh ở những điểm nóng, phức tạp nhất như thành phố Chí Linh và huyện Cẩm Giàng đã được kiểm soát hoàn toàn, nguy cơ lây lan diện rộng đã được khống chế.

Có thể khẳng định, Hải Dương đã thần tốc chuyển từ giai đoạn phòng ngự sang chủ động tổng phản công lại dịch COVID-19; hiện nay, các ca dương tính với SARS-CoV-2 xuất hiện cơ bản là trong các khu cách ly tập trung, trong khu dân cư đã phong toả; một số rất ít ca dương tính trong cộng đồng được phát hiện qua công tác xét nghiệm diện rộng để tầm soát, phát hiện, sàng lọc mang tính chủ động. Trong công tác điều trị bệnh nhân, đến nay không có ca tử vong, đặc biệt là các cơ sở điều trị, bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám bệnh trên địa bàn tỉnh được giữ an toàn không bị COVID xâm nhập.

leftcenterrightdel
Chưa có ổ dịch nào mà liên quan cùng lúc 2.340 công nhân, xét nghiệm ra đồng thời lúc đầu tới 176 ca dương tính. 

Ổ dịch lớn nhất từ trước đến nay

PV: Thưa đồng chí, qua theo dõi cho thấy, Hải Dương không có con số bắt đầu từ 1 đến 2 ca dương tính như các tỉnh khác, mà là bùng lên con số hàng trăm sau 1 đêm, 1 ngày truy vết. Chúng ta có thể phân tích được gì từ những con số này? Đây có phải là nguyên nhân dẫn tới công tác chống dịch phải kéo dài hơn dự tính?

Đồng chí Phạm Xuân Thăng: Như chúng ta đã biết, ngày 27/1, ngay sau khi được thông báo ca dương tính đầu tiên là cô gái 32 tuổi - công nhân của Công ty POYUN đi Nhật làm việc, ngành y tế tổ chức xét nghiệm phát hiện 72 ca dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 28/1, tiếp tục xét nghiệm toàn bộ công ty phát hiện thêm 176 người dương tính với SARS-CoV-2. Như khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì đây là ổ dịch lớn nhất từ trước đến nay. Chưa có ổ dịch nào mà liên quan cùng lúc 2.340 công nhân, xét nghiệm ra đồng thời lúc đầu có tới 176 ca dương tính. Khi giải mã gen thì đây là chủng virus biến thể của Anh có tốc độ lây lan rất mạnh; thời gian ủ bệnh đã kéo dài, công nhân mật độ đông đã giao tiếp và lây lan trong cộng đồng. Sau đó, các chuyên gia nghiên cứu, phân tích cho thấy đợt bùng phát lần này có tới 83% người mắc bệnh không có triệu chứng. Với những yếu tố trên khiến cho công tác chống dịch của Hải Dương gặp vô vàn khó khăn, nhất là dịch xảy ra trong dịp Tết, ở trong các doanh nghiệp có đông công nhân và dịch vụ nhạy cảm karaoke.

Trước những khó khăn đó, Hải Dương đã xử lý rất kịp thời, đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trong một thời gian rất ngắn Hải Dương đã tổ chức truy vết, cách ly tập trung với số lượng người rất lớn trên 16.448 F1, tổ chức xét nghiệm 431.877 người, có ngày xét nghiệm lên tới 80.000 người; đặc biệt là tình huống xử lý khẩn cấp ở TP Chí Linh chỉ trong 24 giờ phải xử lý cách ly cho hơn 2.300 công nhân của Công ty POYUN để thực hiện việc khóa chặt ổ dịch.

Ngày 28/01, tỉnh Hải Dương đã thực hiện phong tỏa toàn bộ TP Chí Linh để khoanh vùng ổ dịch tại Công ty POYUN. Tiếp đến, ngày 05/02, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định phong tỏa, cách ly y tế đối với toàn bộ huyện Cẩm Giàng để phòng, chống dịch COVID-19. Tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày 16/02, tỉnh Hải Dương đã thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Những quyết định đó không chỉ đơn thuần là chống dịch cho Hải Dương mà chính là để giữ an toàn cho cả nước. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương đã rất nỗ lực, trách nhiệm và kịp thời trong chống dịch lần này.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn bùng dịch. 

Vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế và chăm lo đời sống nhân dân

PV: Vừa chống dịch, nhưng vừa phải đảm bảo phát triển kinh tế và lo cho đời sống của nhân dân, xin đồng chí cho biết, Hải Dương đã duy trì trạng thái đó như thế nào trong hơn 1 tháng qua?

Đồng chí Phạm Xuân Thăng: Dịch COVID-19 bùng phát đợt này có quy mô và tác động lớn nhất từ trước đến nay trong cả nước. Dịch bệnh đã làm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của Hải Dương. Toàn tỉnh phải thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong thời gian 15 ngày. Thành phố Chí Linh, huyện Cẩm Giàng phải phong toả từ rất sớm. Điều đó làm mọi hoạt động kinh tế - xã hội toàn tỉnh ngưng trệ, một số khu vực phải đóng băng, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, hàng hoá không được lưu thông, nông sản khó tiêu thụ, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.

Trước những khó khăn đó, Hải Dương đã nhận được nhiều sự quan tâm, động viên, chia sẻ về tinh thần, vật chất, hỗ trợ nhiều mặt từ các bộ, ngành Trung ương, các địa phương; các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chỉ đạo nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn nhằm thực hiện mục tiêu "kép" vừa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân. Tỉnh đã tích cực phối hợp với các tỉnh xung quanh, nhất là thành phố Hải Phòng để thống nhất giải pháp khơi thông cho vận tải hàng hoá nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, như tổ chức xét nghiệm cho lái xe vận tải hàng hoá, cấp Tem chứng nhận đã kiểm tra phương tiện vận chuyển để hạn chế ách tắc, không mất thời gian kiểm tra tại các chốt dịch... Chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp để tiêu thụ nông sản cho nông dân, tích cực đàm phán, đề nghị Hàn Quốc tiếp tục nhập khẩu cà rốt của Hải Dương; tổ chức xét nghiệm cho nông dân để khẳng định sự an toàn của nông sản Hải Dương; trong thời gian 15 ngày cách ly xã hội, đã tiêu thụ được trên 35.000 tấn rau, củ quả và gần 13.000 tấn gia súc, gia cầm, thuỷ sản; đảm bảo 70% sản phẩm làm ra cần được tiêu thụ đến thời điểm thu hoạch, hạn chế tối đa thiệt hại cho người nông dân.

Để các doanh nghiệp có thể sớm sản xuất an toàn với dịch bệnh, tỉnh đã tổ chức xét nghiệm cho các công nhân trong doanh nghiệp, hướng dẫn các biện pháp an toàn phòng dịch để có thể duy trì sản xuất.

Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm chăm sóc đời sống cho những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh. Cụ thể, những người phải đi cách ly tập trung cho đến nay đều được tỉnh bố trí tiền ăn, mặc dù theo quy định của Chính phủ, kể từ ngày 8/2 những đối tượng này phải tự trả kinh phí; trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu vừa qua, cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội các cấp đã tổ chức ăn Tết cho những người phải ở trong những khu cách ly; Liên đoàn lao động tỉnh thực hiện hỗ trợ và tặng quà cho trên 16.000 công nhân trong khu vực phong toả, công nhân tỉnh ngoài không về quê ăn Tết với số kinh phí gần 3 tỷ đồng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tiếp nhận, cung cấp lương thực, thực phẩm miễn phí cho nhân dân ở các xã, thôn, khu dân cư bị phong toả...

Nhìn chung, đời sống nhân dân trong tỉnh thời gian qua, mặc dù bị dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo, yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19.

Nhân dân chính là sức mạnh to lớn quyết định sự thắng lợi

PV: Thưa đồng chí, “chống dịch như chống giặc”, càng khó khăn, gian khổ, tinh thần quyết tâm chiến đấu của toàn Đảng, toàn dân trong tỉnh được thể hiện như thế nào trong cuộc chiến lần này?

Đồng chí Phạm Xuân Thăng: Sau hơn 1 tháng chống dịch, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, thần tốc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Các cấp uỷ, chính quyền tận dụng từng phút, từng giờ, chạy đua với thời gian và tốc độ lây lan của dịch bệnh; nhân dân tuyệt đối ủng hộ, thực hiện tốt 5K; chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch. Trong cuộc chiến đấu này, ngoài thiệt hại về kinh tế không thể tính được, đã có một đồng chí nữ cán bộ y tế đã mãi mãi ra đi do gặp tai nạn trên đường làm nhiệm vụ. Đó là những minh chứng cho quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của nhân dân.

leftcenterrightdel
Toàn tỉnh đã thành lập được gần 11.000 tổ COVID cộng đồng với gần 25 vạn người tham gia 

Chúng tôi xác định, Nhân dân chính là sức mạnh to lớn quyết định sự thắng lợi. Chúng ta coi chống dịch COVID-19 như chống giặc cho nên đây là cuộc chiến của toàn dân, cuộc chiến này cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân để tạo ra một sức mạnh tổng hợp cho chống dịch. Tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng là một minh chứng cho điều đó. Mục tiêu của tổ COVID cộng đồng chính là giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 chủ động tại từng hộ gia đình. Tổ COVID cộng đồng cũng chính là cầu nối chủ động, là cánh tay nối dài về công tác phòng chống dịch của chính quyền và ngành y tế đến với nhân dân, giúp cho người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Các tổ này đều hoạt động trên tinh thần tình nguyện, với nòng cốt là các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể tại cộng đồng, người tình nguyện tại khu dân cư dưới sự tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế.

Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, trên toàn tỉnh đã thành lập được gần 11.000 tổ COVID cộng đồng với gần 25 vạn người tham gia, đảm bảo từ 50-70 hộ gia đình có một tổ COVID cộng đồng; tính đến nay, Hải Dương là tỉnh có số lượng tổ COVID cộng đồng cao nhất trong cả nước. Có thể nói, việc thành lập các tổ COVID cộng đồng trong phòng chống dịch chính là một trong những sự sáng tạo, sự độc đáo của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19. Với sự hoạt động của tổ COVID cộng đồng, chúng ta thực sự đã đưa được các biện pháp phòng chống dịch vào tới từng hộ gia đình - chống dịch tại từng nhà mà tôi nghĩ ít nơi nào trên thế giới có thể làm được như vậy. Những tổ COVID cộng đồng chính là những hạt nhân của phong trào toàn dân tham gia phòng chống dịch và là biểu hiện sinh động của việc phòng chống dịch dựa vào nhân dân, toàn dân tham gia đánh giặc COVID-19. Điều đó cũng thể hiện chiều sâu thực chất của công tác dân vận chính quyền. Đây thực sự là vũ khí sắc bén của chúng ta trong cuộc chiến đấu lâu dài với đại dịch COVID-19 mà trên thế giới chưa có.

Các huyện, thành phố, thị xã được chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch

PV: Thưa đồng chí, kết quả những ngày gần đây cho thấy số lượng ca dương tính đang giảm dần, tuy nhiên, chưa hết triệt để. Vậy ngay sau thời gian thực hiện Chỉ thị 16, tỉnh có tính đến thực hiện các giải pháp nào để ngăn chặn triệt để đại dịch COVID-19 còn đang hoành hành trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Phạm Xuân Thăng: Ngày 1/3/2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức hội nghị để đánh giá, nhận định, phân tích và thống nhất ban hành Chỉ thị về lãnh đạo tiếp tục phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái mới. Từ ngày 03/3/2021, sẽ kết thúc 15 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16, gỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với thành phố Chí Linh và huyện Cẩm Giàng, đồng thời chuyển toàn tỉnh sang một trạng thái mới, vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. Các huyện, thành phố, thị xã được chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với mức độ nguy cơ đối với từng khu vực, địa điểm cụ thể trên địa bàn, bảo đảm không chủ quan, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực trong hoạt động lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, theo hướng

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chỉ đạo thực hiện 10 biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó xác định phương châm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "Mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi cơ quan, gia đình là một pháo đài chống dịch". Mỗi huyện, thị xã, thành phố, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… phải xây dựng, hoàn thiện một kế hoạch tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó phải đưa ra kịch bản xử lý các tình huống cụ thể, đi đôi với việc đảm bảo nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, phân công cụ thể theo phương châm "5 rõ" (rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm) dựa trên việc tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm từ đợt chống dịch lần này. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… phải chịu trách nhiệm về toàn bộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương, đơn vị mình.

leftcenterrightdel
Tín hiệu vui khi số lượng ca dương tính đã giảm và số lượng bệnh nhân khỏi bệnh tăng cao. 

Tiếp tục "thần tốc" thực hiện các biện pháp giám sát phát hiện nhanh các ca nhiễm SARS-CoV-2, tiến hành khoanh vùng, truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức điều trị hiệu quả, dập dịch dứt điểm, không để dịch có cơ hội lây lan với phương châm "dập dịch ngay từ đốm lửa nhỏ, không để lan thành ngọn lửa lớn", tiến tới dập dịch hoàn toàn, không còn ca mắc mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Tổ COVID-19 cộng đồng, coi đây là một trong những biện pháp chiến lược, căn cơ, lâu dài, phòng chống dịch dựa vào nhân dân.

Thường xuyên, liên tục tuyên truyền về dịch bệnh và các biện pháp phòng chống với nhiều hình thức khác nhau đến mỗi người dân và từng hộ gia đình, từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp… nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong phòng, chống dịch bệnh tạo sự đồng thuận xã hội; vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để mỗi người dân "biết sợ dịch bệnh, nhưng không hoảng sợ" chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tiếp tục điều chỉnh một số hoạt động kinh tế, xã hội để tăng cường hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, cho tới khi đẩy lùi hoàn toàn bệnh COVID-19.   

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh định kỳ có kế hoạch tổ chức lấy mẫu điểm xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ cao để đánh giá mức độ an toàn về dịch bệnh của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... Củng cố, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở trong việc giám sát, phát hiện các ca bệnh COVID-19 phát sinh trong cộng đồng. 

Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 theo sự chỉ đạo của Chính phủ bảo đảm đúng đối tượng và tiến độ; đồng thời huy động các nguồn lực tài chính hợp pháp từ ngân sách nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp tiêm vắc-xin cho người lao động; tiến tới tiêm vắc-xin cho phần lớn người dân tỉnh Hải Dương.

Tiếp tục tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là ở các nơi đang thực hiện phong tỏa, cách ly tập trung, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có đông công nhân, các khu dân cư có đông công nhân đang cư trú, tạm trú, các cửa ngõ giao thông của tỉnh, các tuyến đường giao thông quan trọng…; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19; quản lý chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh vào địa phương, bảo đảm tuyệt đối an toàn về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 theo quy định của pháp luật…

PV: Xin cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn, với những giải pháp trên, hy vọng tỉnh Hải Dương sẽ sớm dập được đại dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội!

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực