Hạn chế nguy cơ lây lan dịch COVID-19 từ đoàn người về quê tự phát

Thứ hai, 11/10/2021 16:09
(ĐCSVN) – Trước những tín hiệu tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, một số địa phương đã thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đã có hàng nghìn người dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam ồ ạt về quê. Thực trạng này đã gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng; đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trong cộng đồng.

Với tinh thần chủ động, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 ở một số địa phương đã cơ bản được kiểm soát. Số người điều trị khỏi bệnh tăng nhanh; nhiều tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách xã hội để dần khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên, số ca dương tính COVID-19 vẫn liên tiếp được ghi nhận ngoài cộng đồng, đặc biệt là ở một số tỉnh, thành phố phía Nam, như: TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Anh Giang… Việc lượng người từ các vùng dịch về quê tự phát, ồ ạt không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch chung của cả nước.

Đoàn người về quê tự phát từ các tỉnh, thành phố phía Nam. (Ảnh: HT) 

Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện 1314/CĐ-TTg ngày 07/10/2021 về việc phối hợp đưa đón người dân có nhu cầu về quê được an toàn, chu đáo. Theo đó, yêu cầu việc phối hợp đưa, đón người dân phải được thực hiện nhanh, không để ùn ứ tại các điểm kiểm soát cửa ngõ. Các địa phương chưa kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh tích cực vận động, thuyết phục người dân yên tâm ở lại tỉnh, thành phố, gắn với hỗ trợ an sinh. Lập danh sách thông báo cho địa phương nơi đến và tổ chức đưa, đón đến tận nơi đến đối với những trường hợp vẫn muốn về quê. Đối với những người dân đã ra tới các chốt kiểm soát cửa ngõ của tỉnh, thành phố, phải thực hiện ngay việc phân nhóm, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn dịch tễ. Đồng thời, bố trí phương tiện vận chuyển an toàn đối với những người không có phương tiện hoặc người già, phụ nữ có thai, trẻ em mong muốn về quê. Đồng thời, căn cứ yêu cầu các địa phương, Bộ Y tế phân bổ kịp thời vaccine, Bộ Quốc phòng tăng cường, hỗ trợ nhân lực đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Thực tế những ngày vừa qua cho thấy, bất chấp những diễn biến thất thường của thời tiết và nguy cơ lây lan dịch bệnh, hàng nghìn người vẫn quyết định dời các tỉnh, thành phố phía Nam để về quê bằng nhiều phương tiện khác nhau. Theo báo cáo của một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, 7/11 tỉnh đã đón hàng chục nghìn người dân về quê, trong đó  phát hiện nhiều trường hợp dương tính. Đơn cử, theo thống kê ban đầu, tỉnh An Giang đã tiếp nhận trên 40.000 người dân tự phát về quê bằng phương tiện xe máy. Trong đó ghi nhận 190 trường hợp có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Còn tại tỉnh Kiên Giang, trong số 32.000 người thì có 122 người dương tính.

Đáng lo ngại hơn, trước đó, tại chốt kiểm soát giáp ranh giữa huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) và huyện Bến Lức (tỉnh Long An) nằm trên Quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Tân Túc xảy ra tình trạng quá tải, ùn tắc kéo dài vì hàng ngàn người dân di chuyển về quê. Có thể thấy rằng, nếu không kiểm soát số lượng người về từ các vùng dịch phía Nam để triển khai kịp thời biện pháp phòng, chống dịch thì nguy cơ lây lan dịch ra các địa phương là rất cao.

Phần lớn đoàn người về quê tự phát là lao động tự do, công nhân, những dân tộc thiểu số ra thành phố mưu sinh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Không có công việc, không có thu nhập, về quê không chỉ là nhu cầu mà còn là lựa chọn thích hợp của đại đa số người dân. Bởi, việc tiếp tục bám trụ ở thành phố “chi nhiều hơn thu” là một thách thức rất lớn đối với những người lao động nghèo, công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến dịch bệnh, chị Nguyễn Minh Trang, ở đường Ngô Quyền (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Sống trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh thì hiện tượng công nhân, người lao động hay những hộ gia đình nghèo “tản cư” về quê cũng là điều dễ hiểu. Song, hành trình về quê tự phát không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến chính bản thân họ mà còn có thể là nguyên nhân làm cho dịch COVID-19 lan rộng ra cộng đồng, nếu công tác phòng, chống dịch không được thực hiện nghiêm túc…”.

 Người lao động trở về từ TP. Hồ Chí Minh đa phần thuộc các tỉnh miền Tây. (Ảnh: HT).

Quán triệt và thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ, để hạn chế lượng người di chuyển tự phát về quê, cùng với sự vào cuộc của cả bộ máy chống dịch, rất cần đến sự đồng lòng của mọi người dân. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ở lại các tỉnh, thành phố lớn; tăng cường công tác hỗ trợ, trợ giúp người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các tỉnh, thành phố lớn cần chủ động kết hợp với địa phương để lập kế hoạch, tổ chức đưa, đón người dân có nhu cầu về quê. Việc phối hợp phải thực hiện nhanh, phân nhóm đúng đối tượng, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại điểm kiểm soát cửa ngõ làm mất an toàn, an ninh trật tự, tăng khả năng lây nhiễm dịch bệnh.

Công tác phòng, chống dịch phải được siết chặt ngay từ cửa ngõ ra, vào các địa phương. Cụ thể, lực lượng chức năng cần tiến hành khai báo y tế, tăng tốc xét nghiệm COVID-19 cho tất cả người dân trước khi vào địa phương. Kích hoạt đồng bộ các cơ sở điều trị trên tinh thần sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân khi phát hiện F0; đối với địa phương quá tải có thể trưng dụng tạm thời trường học để làm khu cách ly tập trung. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, vận động tuyên truyền người dân chủ động phát hiện trường hợp về quê nhưng không thực hiện khai báo y tế. Làm được như vậy mới hạn chế được nguy cơ lây nhiễm tiềm ẩn khi “dòng người” về quê tự phát, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Sự chủ động của các địa phương trong lập kế hoạch tiếp nhận người dân trở về từ vùng dịch là yêu cầu cấp thiết sao cho đảm bảo an toàn chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, từ đó góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch chung của cả nước./.                                    

Ngọc Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực