|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trao đổi với các đại biểu HĐND thành phố bên lề phiên chất vấn. |
Theo chương trình kỳ họp 20 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, ngày 11/12, HĐND TP Hà Nội đã dành một ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.
Dự phiên chất vấn có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH thành phố…
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, qua tổng hợp, đa số các ý kiến của các vị đại biểu HĐND TP đều tán thành, thống nhất cao lựa chọn 02 nhóm nội dung đang được cử tri và Nhân dân rất quan tâm chất vấn và tái chất vấn việc thực hiện một số nội dung nghị quyết, kết luận chất vấn của HĐND đến thời hạn giải quyết nhưng thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả; chất vấn về việc thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Giải pháp khai thác các bãi đỗ xe trên địa bàn
Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Nam (huyện Phú Xuyên) đề nghị lãnh đạo các sở, ngành cho biết tình hình thực hiện các nhiệm vụ liên quan vấn đề giao thông đô thị và tiến độ thực hiện trong các năm tiếp theo? giải pháp phát triển, khai thác các bãi đỗ xe trên địa bàn?
Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu nội dung đấu giá quyền khai thác và tham mưu UBND TP thông qua việc sử dụng đầu tư công khai thác bãi đỗ xe ngầm. Sở Kế hoạch & Đầu tư đã bàn việc thống kê theo quy hoạch các bãi đỗ xe ngầm, đặc biệt các bãi đỗ xe trong khu vực nội đô và đang có ý kiến xem xét đưa vào hình thức đầu tư công, Sở đang bàn và xin hướng dẫn; dự kiến hoàn thành trong quý II/2025.
Giám đốc Sở Tài chính TP Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, đơn vị cũng đã nghiên cứu một số mô hình thí điểm tại một số quận, huyện về trông giữ phương tiện và thu tiền bằng hệ thống điện tử; sẽ hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2025.
|
Đại biểu Trịnh Xuân Quang (Tổ Thanh Xuân) chất vấn. |
Trả lời thêm liên quan đến bãi đỗ xe, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường cho hay, toàn TP có gần 1700 điểm trông xe, theo quy hoạch diện tích giao thông tĩnh phải đáp ứng 30% nhưng thực tế mới đạt 0,5%. Tình trạng thiếu trầm trọng bãi đỗ xe liên quan đến ùn tắc giao thông và an ninh trật tự.
UBND TP đã chỉ đạo các sở, quận, huyện rà soát toàn bộ và xây dựng được 9 dự án; trong đó đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa 73 danh mục này vào khuyến khích đầu tư. Tới đây Sở sẽ tham mưu, trình UBND TP quy định 250 tuyến phố được phép trông xe với điều kiện bảo đảm không ùn tắc, góp phần bảo đảm trật tự đô thị.
Tính khả thi trong xử lý nước thải đô thị đạt 50% - 55%
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Hoàng Mai) về tính khả thi trong hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ xử lý nước thải đô thị thành phố đạt 50%-55%, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho rằng, chương trình công tác nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Thành ủy xác định việc đưa nhà máy xử lý nước thải Yên Xá là công trình trọng điểm để hoàn thành chỉ tiêu này. Hiện nay, dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đã hoàn thành gói thầu số 1, số 2; riêng gói thầu số 3, số 4 còn chậm tiến độ.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc đưa nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vào vận hành từ ngày 1/12/2024 với công suất 100 nghìn m3 ngày/đêm đã nâng tỷ lệ xử lý nước thải nội thành đạt hơn 114 nghìn m3 ngày/đêm, đạt xấp xỉ 41%. Việc hoàn thành các gói thầu nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ nâng tỷ xử lý nước thải đô thị thành phố đạt 50%.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cố gắng đến 2030 nâng tỷ lệ xử lý nước thải nội thành Hà Nội lên 100%, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thành phố đang khẩn trương rà soát phê duyệt chủ trương đầu tư của một số khu vực chưa có nhà máy xử lý nước thải, đồng thời chuẩn bị đầu tư và triển khai các dự án đã được phê duyệt.
Về chất vấn của đại biểu chất vấn về phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu nhằm làm sạch các dòng sông này, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở đang phối hợp triển khai phương án bổ cập nước sông Hồng vào hồ Tây và bổ cập nước từ hồ Tây về sông Tô Lịch bằng đường ống riêng tách biệt, đồng thời việc triển khai của sông Tô Lịch phải triển khai đồng bộ với sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Ngọc Anh (Tổ Phú Xuyên) về cung cấp nước sạch, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, khu vực đô thị, hiện 100% người dân được sử dụng nước sạch tập trung. Tại khu vực nông thôn, từ năm 2020 đến nay, nâng tỷ lệ này được nâng từ 80% lên 93,5%. Theo số liệu mới nhất, hiện đã có 315/413 xã với 285.000 hộ, tương đương 1,1 triệu dân đã được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung.
Hà Nội cho biết: Với 98 xã còn lại, 31 xã sẽ được tập trung hoàn thành trong năm 2024; 67 xã sẽ được tập trung hoàn thành trong năm 2025. Hiện tỷ lệ người dân nông thôn đấu nối vào hệ thống mới đạt 70%. Cá biệt có nơi đã có nguồn nước nhưng người dân mới chỉ đấu nối đạt từ 30-40%. Do đó, chính quyền địa phương cần tăng cường vận động, tạo hấp dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hệ thống cấp nước.
|
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải trả lời tại phiên chất vấn. Ảnh: Viết Thành |
Chất lượng không khí đang ở mức trung bình kém, chạm mức xấu
Về nội dung ô nhiễm không khí được đại biểu chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam nêu, qua nghiên cứu khoa học, nguồn ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong năm qua đến từ nhiều nguồn. Hiện nay, đúng như đại biểu nêu, đang vào lúc giao mùa nên bụi mịn gia tăng. Chỉ số chất lượng không khí ở mức trung bình kém, chạm mức xấu.
Về các giải pháp khắc phục, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thực hiện Luật Thủ đô, thành phố sẽ xây dựng vùng phát thải thấp, khu vực hạn chế phương tiện giao thông. Sở Giao thông Vận tải, theo nhiệm vụ được giao, sẽ tham mưu đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng như xe buýt, phương tiện sử dụng năng lượng xanh.
Thành phố đã cơ bản xóa bỏ bếp than tổ ong, giảm đốt rơm rạ, chấm dứt đốt lò gạch thủ công, thu rác đạt trên 90% toàn địa bàn. Ngoài ra, thành phố tiếp tục chương trình trồng 1 triệu cây xanh.
“Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của các cấp, ngành và người dân trong bảo vệ môi trường, tiến đến tăng mức xử phạt, chế tài xử lý”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết.
|
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường trả lời chất vấn. |
Với quyết tâm mạnh mẽ, cam kết tạo bước đột phá, ngày 10/12/2024, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Kế hoạch về việc thực hiện phong trào thi đua “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” của Hà Nội. Mục tiêu tạo ra sự thay đổi toàn diện và sâu rộng, mang tính đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, từ kiểm soát rác thải, nước thải đến cải thiện chất lượng không khí, nhằm xây dựng một môi trường sống trong lành, bền vững, góp phần thay đổi diện mạo thành phố.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu còn nêu nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề lương thấp, công việc không ổn định gây khó tuyển giáo viên hợp đồng; các giải pháp trong triển khai Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục và xây dựng các bãi đỗ xe ngầm; Dự án xây dựng mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ (huyện Ba Vì) chậm triển khai, đã đầu tư từ tháng 10-2016 nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành; các giải pháp truy thu hơn 800 tỷ đồng nợ thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước?... đã được các đồng chí Phó Chủ tịch, thành viên UBND, Thủ trưởng các cơ quan và các đơn vị, cá nhân liên quan thuộc UBND TP Hà Nội đã giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc thẩm quyền về trách nhiệm được phân công./.