Hỗ trợ doanh nghiệp, công nhân, lao động tự do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19

Thứ năm, 15/07/2021 15:34
(ĐCSVN) - Các tỉnh thành phía Nam đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động, lao động tự do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhằm duy trì sản xuất, ổn định đời sống người lao động.

Công ty TNHH Ampacs International (KCN Bàu Bàng) tỉnh Bình Dương ổn định sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” (ăn - ngủ - sản xuất). (Ảnh Văn Út).

Bình Dương: Từ đầu năm đến nay, Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã ban hành 25 văn bản tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19; phát hành 100 văn bản đề nghị doanh nghiệp (DN) báo cáo kết quả tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm theo Quyết định số 2194 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, đăng ký ở lại nơi làm việc, khai báo điện tử QR Code, thành lập Tổ an toàn COVID-19 tại các doanh nghiệp.

Ban quản lý đã triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo Quyết định số 2787 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN”; các quy định của Bộ Y tế về xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho người lao động và các đối tượng có nguy cơ cao. Qua yêu cầu và hướng dẫn, có 1.877/2.045 doanh nghiệp thực hiện. Các doanh nghiệp đã thành lập 5.013 Tổ an toàn COVID-19 tại doanh nghiệp. Có 1362 doanh nghiệp đăng ký khả năng tự đảm bảo sản xuất trong điều kiện có dịch.  

Để đảm bảo sản xuất an toàn trong điều kiện dịch COVID-19, 46 doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị người lao động ở lại nhà máy vừa lưu trú vừa sản xuất, với tổng số lao động đăng ký gần 10.000 người. Ban quản lý Các KCN tỉnh đang phối hợp với Sở Y tế ban hành các điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện. Nhiều DN kiến nghị tỉnh Bình Dương cần đẩy nhanh việc test nhanh COVID-19 cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bị phong tỏa sớm được hoạt động trở lại an toàn; tạo điều kiện lưu thông hàng hóa; cần bố trí xe hàng hóa lưu động cung cấp nhu yếu phẩm cho người lao động tại doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động; có giải pháp sớm tiêm vắc xin cho công nhân... 

Trước kiến nghị của DN, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị ngành y tế tiếp tục tổ chức tốt công tác phòng, chống, chặn  dịch bệnh  và điều trị bệnh nhân COVID-19. Ngành cần đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm lên 150.000-200.000 mẫu/ ngày, tranh thủ từ nguồn lực hỗ trợ của Bộ Y tế để bảo đảm công tác phòng chống dịch, chuẩn bị chủ động các nguồn vật tư; nâng cao năng lực xét nghiệm; xử lý ca F0 thật nhanh và hiệu quả trong thời gian sớm nhất…để tạo điều kiện cho DN sớm ổn định và hoạt động sản xuất hiệu quả, an toàn sau khi phát hiện có ca nhiễm bệnh. 

Các ngành, địa phương cần có sự phối hợp trong bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm phòng chống dịch; tạo điều kiện cho người lao động, nhất là trong khu vực cách ly. Các tổ chức cần tiếp tục kịp thời hỗ trợ các chế độ đến người lao động theo quy đinh; Đoàn, Hội cần triển khai ngay các bếp ăn từ thiện, siêu thị 0 đồng đến khu vực người lao động gặp khó khăn… Công tác quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, tạo dựng niềm tin trong nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định: “Với phương châm xem khó khăn của DN là khó khăn của mình, lãnh đạo tỉnh sẽ nỗ lực hỗ trợ các DN trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất; hỗ trợ các DN trong việc khơi thông xuất khẩu, ổn định đời sống cho người lao động. Mỗi doanh nghiệp là một pháo đài, người lao động là chiến sĩ …tất cả nhằm giữ vững thành quả, đồng hành cùng chính quyền trong công tác phòng chống dịch bệnh, chăm lo đời sống cho người lao động, giữ vững sản xuất. Tất cả cùng bảo vệ thành quả của chính mình, phát triển kinh tế, chuẩn bị cho những cơ hội hậu COVID-19 và vì một Bình Dương tiếp tục phát triển trong tương lai...”

Theo Sở LĐTB&XH Bình Dương, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng là 317 doanh nghiệp (trong đó có 48 doanh nghiệp có F0). 41.203 lao động bị ảnh hưởng; 24.482 người bị nghỉ việc do trong khu phong tỏa ...

Đối với lao động tự do, Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương dự kiến hỗ trợ một lần khoảng 40.000 đối tượng là lao động tự do với mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người, trong đó 7.000 đối tượng bán vé số bị ảnh hưởng do COVID-19. Trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân các chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch để đạt hiệu quả thiết thực.

Đồng chí Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An, trao tiền hỗ trợ cho người bán vé số, người hành nghề xe ôm tại huyện Bến Lức chiều 12/7  (Ảnh: Sơn Lâm).

Tại Long An: Hiện có hơn 45.500 người thuộc đối tượng được hỗ trợ theo tinh thần nghị quyết 68 của Chính phủ. Trong số này, 20.000 lao động tự do sẽ bắt đầu được tỉnh triển khai thực hiện hỗ trợ từ ngày 12/7. Đó là những người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa, lái xe ôm truyền thống, xe xích lô, tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ vé số lưu động và một số công việc phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND cấp huyện (người lao động đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh).

Trường hợp của người bán vé số, UBND cấp xã sẽ phối hợp với Ủy ban MTTQ VN xã, phường, thị trấn để tổng hợp, rà soát, lập danh sách các đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ. Mức tiền hỗ trợ sẽ là 50.000 đồng/ngày/người nhân với tổng số ngày lao động bị mất việc hoặc ảnh hưởng thu nhập.

Bà Ria- Vũng Tàu: Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, với số tiền hỗ trợ dự kiến lên đến 203 tỉ đồng.

Theo kế hoạch, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động... được hỗ trợ tối đa: 3.710.000 đồng/người; người dân phải điều trị nhiễm COVID-19 (FO) hoặc cách ly y tế (F1) được hỗ trợ tiền ăn tối đa: 80.000 đồng/người/ngày trong tối đa 45 ngày với F0 và 21 ngày với F1; người sử dụng lao động vay vốn trả lương cho người lao động ngừng việc, phục hồi sản xuất được hỗ trợ vay tối đa 3 tháng lương tối thiểu của người lao động tại doanh nghiệp.... và nhiều trường hợp khác theo chính sách.

UBND tỉnh cũng đã đồng ý với chủ trương hỗ trợ cho những người bán vé số trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong 15 ngày khi hoạt động này tạm dừng (từ ngày 9/7 đến hết ngày 23/7). Với mức là 50.000 đồng/ngày/người, mỗi người bán vé số có thể nhận được 750.000 đồng hỗ trợ. Nguồn hỗ trợ trên được lấy từ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng vừa ban hành Quyết định số 1896/QĐ-UBND quy định đối tượng, định mức và thủ tục hỗ trợ người lao động (NLĐ) không giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Đối tượng được hỗ trợ bao gồm: Người buôn bán hàng rong, nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, bán lẻ vé số lưu động, thu gom rác, thu mua phế liệu, bốc xếp, vận chuyển hàng hóa, lái xe ôm, xích lô, ba gác, lái xe chở khách, chở hàng thuê, tự làm hoặc làm việc cho cá nhân, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, du lịch, vận tải, sản xuất không có hợp đồng lao động. Mức hỗ trợ như sau: Hỗ trợ người lao động bị mất việc tháng đầu tiên là 1,5 triệu đồng/người (đủ 30 ngày liên tục), trường hợp không đủ 1 tháng hoặc không liên tục sẽ được hỗ trợ 50 ngàn đồng/người/ngày. Trường hợp mất việc trên 1 tháng, người lao động được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa không quá 3,5 triệu đồng/người. Riêng người bán vé số đã được hỗ trợ 750 ngàn đồng/người sẽ được hỗ trợ từ ngày thứ 16 bị mất việc làm trở lên. Thời gian người lao động bị mất việc được hưởng hỗ trợ từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021. Thời gian thực hiện từ ngày 13/7 đến ngày 31/1/2022.

Dự kiến khoảng 40 ngàn lao động được hỗ trợ với tổng kinh phí là 140 tỷ đồng, được trích từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn huy động hợp pháp khác./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực