Hỗ trợ phát triển sản xuất để thoát nghèo

Thứ sáu, 05/02/2010 14:37

  
                 Ảnh minh hoạ: Internet 

Sau một thời gian thực hiện chương trình giảm nghèo, nhiều tỉnh trong cả nước đã có những tiến triển đáng kể.

* Sau hơn 4 năm thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, tỉnh Bắc Ninh đã có trên 17.000 hộ gia đình thoát nghèo. Các huyện Quế Võ, Thuận Thành, Yên Phong...tỷ lệ hộ nghèo cao từ 20,4 % những năm trước đây giảm xuống còn trên dưới 7 % hiện nay, góp phần cùng toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo chung xuống trên 5% theo tiêu chí mới. Bắc Ninh đã có nhiều giải pháp về ưu đãi tín dụng, phát triển sản xuất kinh doanh ở các làng nghề, đảm bảo các chính sách hỗ trợ các đối tượng nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, an sinh xã hội... Tỉnh đã chi ngân sách trên 30 tỷ đồng cho người nghèo mua hơn 300.000 thẻ bảo hiểm y tế. Trên 300.000 học sinh diện hộ nghèo được miễn giảm học phí, cấp sách giáo khoa, giấy viết, đồ dùng học tập...với tổng giá trị trên 8,5 tỷ đồng. Tại các địa phương, trên 2.000 căn nhà dột nát, hư hỏng đã được uỷ ban Mặt trận tổ quốc vận động các ngành, các đơn vị, anh em dòng họ...xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp với tổng giá trị trên 9 tỷ đồng. Bắc Ninh phấn đấu cuối năm nay giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,5 % theo tiêu chí mới; duy trì 100 % người nghèo được thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản; tiếp tục xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhà ở cấp 4 hư hỏng, dột nát để có 70 % số nhà ở của người nghèo được khang trang, chắc chắn.

* Thực hiện đề án 06 của HĐND tỉnh về xoá nhà dột nát cho các hộ nghèo, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công Thương Ninh Bình phối hợp với HĐND tỉnh tổ chức bàn giao 100 ngôi nhà tình nghĩa để các gia đình nghèo có nhà mới đón Tết, vui Xuân, mỗi ngôi nhà trị giá 20 triệu đồng. Ngoài việc tài trợ kinh phí, ngành còn cử cán bộ cùng với lãnh đạo các xã, phường giám sát các công trình xây dựng bảo đảm chất lượng theo thiết kế. Chi nhánh còn phối hợp với các đoàn thể, vận động anh em họ hàng của các gia đình có nhà được xây mới giúp đỡ hàng nghìn ngày công lao động và hỗ trợ thêm kinh phí, nên nhiều ngôi nhà của hộ nghèo đã hoàn thành với giá tiền lên tới 50- 70 triệu đồng. Tại các huyện có nhiều hộ nghèo như Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn, Yên Khánh, chi nhánh còn hỗ trợ thêm kinh phí để trang trí nội thất, đồ dùng thiết yếu cho những hộ đặc biệt khó khăn để giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Cũng trong dịp này, Chi nhánh đã tặng 25 sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách tỉnh Ninh Bình với số tiền 75 triệu đồng.

* Tiền Giang có hơn 2.600 hộ nghèo có nhà mới để đón xuân, với kinh phí bình quân mỗi căn nhà là 20 triệu đồng. Năm qua, các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tích cực vận động “Quỹ Vì người nghèo”được hơn 23 tỷ đồng, để hỗ trợ cho hộ nghèo. Năm nay, Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác thực hiện xã hội hóa chương trình giảm nghèo, huy động nguồn lực trong xã hội đóng góp Quỹ "Vì người nghèo", phấn đấu đến hết năm 2012 sẽ xây dựng nhà ở cho 4.000 hộ nghèo còn lại.

* Năm 2010, Khánh Hòa dành trên 21 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ về đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt và dạy nghề cho số hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, đời sống khó khăn, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 8 tỷ đồng, phần còn lại do trung ương đầu tư và các hộ thụ hưởng được vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ 22 triệu đồng để khai hoang diện tích đất sản xuất theo định suất (12 triệu đồng hỗ trợ từ ngân sách, hộ thụ hưởng vay thêm 10 triệu đồng, thời gian 5 năm, lãi suất 0%). Đối với số hộ có nhu cầu mua sắm nông cụ, máy móc để làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp hoặc các ngành nghề khác, mức hỗ trợ là 13,6 triệu đồng/hộ (ngoài 3,6 triệu đồng hỗ trợ từ ngân sách, hộ thụ hưởng vay thêm 10 triệu đồng, thời gian 3 năm, lãi suất 0%). Đối với các đối tượng có nhu cầu học nghề, được hỗ trợ hoàn toàn 3,6 triệu đồng/người. Việc hỗ trợ nước sinh hoạt có mức 1,2 triệu đồng/hộ hoặc không quá 1 tỷ đồng để xây dựng mỗi công trình cấp nước tập trung.

* Trong năm 2009 vừa qua, nhờ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của các cấp ngành mà tỉnh Sóc Trăng đã giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, từ trên 16% năm 2008 xuống còn 11,8% thời điểm cuối năm 2009. Trong số hơn 11.000 hộ thóat nghèo của năm qua, có nhiều hộ thoát nghèo từ những đồng vốn hỗ trợ của nhà nước như cho vay phát triển sản xuất, đầu tư vào chăn nuôi hoặc hỗ trợ cây con giống, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Ở xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, huyện chơi vơi giữa dòng sông Hậu, năm 2009 vừa qua, trong số 295 hộ nghèo được vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng. Hộ anh Nguyễn Văn Linh (ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam) là một trong những hộ thuộc đối tượng được vay của ngân hàng chính sách xã hội, nhờ đó đã thoát nghèo, làm ăn có hiệu quả với mô hình luân canh lúa màu./. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực