Hội thảo đánh giá Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững

Thứ sáu, 11/06/2021 00:27
(ĐCSVN) - Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 3%. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cuối năm 2025 tăng 1,8 lần so với năm 2020. Để đạt được chỉ tiêu đề ra, nhiều ý kiến cho rằng, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo; có cơ chế hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo...
 Toàn cảnh hội thảo (Ảnh:dongthap.gov)

Chiều 10/6, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo đánh giá Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 và đề ra giải pháp thực hiện giai đoạn 2021 – 2025.

Giai đoạn 2016 – 2020 với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự hưởng ứng tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, doanh nghiệp và sự nỗ lực của người dân, chương trình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội…, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện trong đó có hộ nghèo, cận nghèo. Toàn tỉnh có có trên 43.000 hộ nghèo (chiếm gần 10%) và hơn 22.000 hộ cận nghèo (chiếm trên 5%). Đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,86%, tỷ lệ hộ cận nghèo 4,98%.

Dự kiến hộ nghèo theo chuẩn mới Nghị định 07 của Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2022 – 2025 thì năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 6,06%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 6,48%.

Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1%/năm theo chuẩn mới; đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 3%. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cuối năm 2025 tăng 1,8 lần so với năm 2020.

Để đạt được chỉ tiêu đề ra, nhiều ý kiến cho rằng, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo; có cơ chế hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp bám sát nhu cầu thực tiễn của thị trường, bảo đảm hài hoà về cung cầu lao động...

Cùng với đó đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ về cơ chế, mục tiêu giảm nghèo gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, công tác kiểm tra, giám sát, công tác tuyên truyền, vận động, tác động khơi gợi quyết tâm vươn lên của hộ nghèo, cận nghèo…/.

Tường Vy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực