Hơn 9 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

* Lần đầu tiên công bố số liệu thống kê lao động – việc làm theo tiêu chuẩn quốc tế mới
Thứ sáu, 16/04/2021 15:28
(ĐCSVN) - Kết quả điều tra lao động việc làm quý I/2021 ghi nhận cả nước có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức và lao động thiếu việc làm đều tăng so với quý trước và cùng kỳ 2020. Điểm sáng đáng lưu ý nhất của thị trường lao động là sự gia tăng mức thu nhập từ công việc của người lao động so với quý trước và cùng kỳ 2020.

Sáng 16/4, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo tình hình lao động việc làm quý I năm 2021. Họp báo còn kết nối các điểm cầu trực tuyến tại 63 chi cục thống kê tỉnh, thành và 1 điểm cầu của chuyên gia quốc tế tại Băngkok, Thái Lan. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh chủ trì họp báo.

 Quang cảnh họp báo tại điểm cầu chính ở Hà Nội (Ảnh: HNV)

Tại họp báo, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động đã báo cáo khái quát về tình hình lao động – việc làm của nước ta trong quý I/2021. Theo đó, khẳng định, trong quý I/2021, thị trường lao động Việt Nam đã hứng chịu những tác động xấu do sự bùng phát lần thứ 3 của đại dịch COVID-19.

Kết quả điều tra lao động việc làm quý I/2021 ghi nhận số người tham gia thị trường lao động giảm so với quý trước và so với cùng kỳ 2020. Trong quý đầu năm 2021, cả nước có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức và lao động thiếu việc làm đều tăng so với quý trước và cùng kỳ 2020. Điểm sáng đáng lưu ý nhất của thị trường lao động là sự gia tăng mức thu nhập từ công việc của người lao động so với quý trước và cùng kỳ 2020.

Cụ thể, lực lượng lao động giảm so với quý trước và cùng kỳ 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng, đạt 26,0%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2021 là 51 triệu người, giảm so với quý trước và cùng kỳ 2020. Sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 ngay trước dịp Tết Nguyên đán đã làm thay đổi xu thế tăng thường thấy so với cùng kỳ các năm trước. Thông thường, theo đà tăng dân số, lực lượng lao động năm sau luôn tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lực lượng lao động quý I năm 2021 xuống thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 200 nghìn người và thấp hơn cùng kỳ khi chưa có dịch (năm 2019) khoảng 600 nghìn người.

 Video về tình hình lao động - việc làm quý I/2021 (Nguồn: TCTK)

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2021 ước tính là 68,7%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2020. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của khu vực thành thị là 66,7%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 69,9%. Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở hầu hết các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 15-24 tuổi (thành thị: 41,2%; nông thôn: 48,0%) và nhóm từ 55 tuổi trở lên (thành thị: 35,0%; nông thôn: 47,9%). Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị; đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên trong quý I/2021 là 26%, cao hơn so với quý trước và cùng kỳ 2020. Tỷ lệ qua đào tạo của lao động giữa khu vực thành thị và nông thôn vẫn có sự chênh lệch đáng kể. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị đạt 40,7%, cao hơn gấp 2,3 lần khu vực nông thôn (17,8%).

Trong tổng số 23,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý I/2021 có đến 60,8% ở khu vực nông thôn; họ chủ yếu ở độ tuổi đang đi học và nghỉ hưu.

Sự bùng phát lần thứ 3 của đại dịch COVID-19 đã làm suy giảm đà phục hồi của thị trường lao động đã đạt được trong 2 quý cuối năm 2020. Trong tổng số 49,9 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,5%, tương đương 19,7 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 32,3%, tương đương 16,1 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, 28,2%, tương đương 14,1 triệu người.

 Chuyên gia quốc tế từ điểm cầu Băngkok, Thái Lan thông tin tại họp báo (Ảnh: HNV)

Trong quý I này, số người có việc làm phi chính thức là 20,7 triệu, giảm 251,7 nghìn người so với quý trước và tăng 525,4 nghìn người so với cùng kỳ 2020. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý I năm 2021 là 57,1%, tăng 1,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2020. Tỷ lệ này tăng cao ở khu vực nông thôn và ở nữ giới.

Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ ba ngay trước và trong dịp Tết Nguyên đán làm tăng đáng kể số lao động thiếu việc làm so với quý trước và cùng kỳ 2020. Số người lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I là 971,4 nghìn người; tăng 143,2 nghìn người so với quý trước và tăng 78,7 nghìn người so với cùng kỳ 2020. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I là gần 1,1 triệu người, giảm 137,0 nghìn người so với quý trước và tăng 12,1 nghìn người so với cùng kỳ 2020.

Tuy nhiên, điểm sáng đáng chú ý là, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2021 đạt 6,3 triệu đồng, tăng 339 nghìn đồng so với quý trước và tăng 106 nghìn đồng so với cùng kỳ 2020. Tính chung quý I/2021 so với cùng kỳ 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất, tăng 5,2%; khu vực dịch vụ có tốc độ tăng là 1,5% và khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập bình quân thấp nhất, tăng 0,8%. Đặc biệt, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương quý I/2021 đạt 7,2 triệu đồng, tăng 556 nghìn đồng so với quý trước và tăng 132 nghìn đồng so với cùng kỳ 2020.

 Trình chiếu giới thiệu tổng quan về cách thống kê mới (Ảnh: HNV)

Trong khuôn khổ họp báo, bà Valentina Baccuci, Phó Tổng giám đốc ILO Việt Nam bày tỏ vui mừng vì sự kiện họp báo hôm nay đánh dấu một mốc quan trọng đặc biệt của Tổng cục thống kê Việt Nam nói riêng và ngành thống kê Việt Nam nói chung khi đã áp dụng tiêu chuẩn mới nhất được quốc tế thông qua 2013 và là 1 trong 10 quốc gia được lựa chọn thí điểm sử dụng tiêu chuẩn mới này trong thống kê lao động việc làm, giúp đáp ứng yêu cầu giám sát hiệu quả lao động việc làm trong bối cảnh mới, góp phần giúp Việt Nam có thể đạt mục tiêu chiến lược trong tương lai. “Tiêu chuẩn mới rất phức tạp và đòi hỏi cao để thống kê, từ 2015-2017 đã thí điểm ở Việt Nam và 2019-2020 bắt đầu tiến hành thu thập theo cả cách cũ và mới đồng thời liên tục có điều chỉnh theo hướng hiệu quả hợp lý để chính thức công bố trong ngày hôm nay. ILO chúng tôi đã không ngừng hỗ trợ Tổng cục Thống kê từ năm 2017 đến nay và có thể khẳng định chắc chắn, số liệu công bố ngày hôm nay thực sự được công nhận đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế mới. Tất nhiên, không có điều tra lao động việc làm nào là hoàn hảo nhưng đây cũng là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm theo đuổi chuẩn hóa dữ liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung. ILO cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Tổng cục, Chính phủ trong hành trình đó” – bà Valentina nói.

Đồng quan điểm trên, từ điểm cầu Băngkok, Thái Lan, ông Tite Habiyakare, chuyên gia thống kê lao động, Văn phòng ILO khu vực châu Á- Thái Bình Dương nhấn mạnh việc thay đổi tiêu chí thống kê do những thay đổi mạnh mẽ của kinh tế - xã hội thời kỳ mới, thay đổi định nghĩa về lao động việc làm cũng như hiểu thêm khía cạnh mới của việc làm trong tạo thu nhập, thước đo quan trọng trong điều tra số liệu thống kê ở chuẩn mới./.

Từ quý I/2021, Tổng cục Thống kê chính thức công bố các chỉ tiêu thống kê về lao động và việc làm dựa theo tiêu chuẩn ICLS 19. Hơn nữa, để đánh giá đầy đủ sự biến động của thị trường lao động qua thời gian, Tổng cục sẽ đồng thời tính toán và công bố lại các chỉ tiêu thống kê lao động, việc làm theo tiêu chuẩn ICLS 19 của các quý từ 2019 đến nay làm căn cứ so sánh. Các thông tin về người lao động làm các công việc tự sản tự tiêu trong khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản cũng được ghi nhận và công bố. 

 

 

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực