(ĐCSVN) – Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956) sau 3 năm (từ 2010 - 2012) triển khai trên địa bàn huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã đạt được những kết quả khả quan, tạo được chuyển biến cơ bản, quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.
Hiện trên địa bàn huyện Yên Thế có 2 cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, là Trường Trung cấp nghề miền núi và Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Dạy nghề. Ngoài ra một số đơn vị khác cũng tham gia đào tạo nghề như Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh đoàn... Căn cứ kế hoạch tuyển sinh đào tạo hàng năm, các trường, trung tâm đã làm tốt công tác tuyên truyền tư vấn tuyển sinh học nghề phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học nghề. Các cơ sở dạy nghề đã chủ động liên hệ với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện triển khai mở các lớp đào tạo nghề về chăn nuôi thú y, chăn nuôi thuỷ sản, may công nghiệp...
|
Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" của Thủ tướng Chính phủ đến nay đã đạt được những kết quả khả quan (Ảnh: K.D) |
Qua 3 năm triển khai thực hiện, đến nay đối với đào tạo trung cấp nghề, huyện đã tổ chức được 13 lớp với 1.591 học viên; đối với sơ cấp nghề, huyện đã tổ chức 39 lớp may công nghiệp, chăn nuôi thú y tại các cơ sở dạy nghề và 42 lớp tại 2 nhà máy may công nghiệp với tổng số 2.569 học viên; đối với các lớp dạy nghề dưới 3 tháng, dạy nghề thường xuyên huyện đã mở được 5 lớp với 161 học viên tham dự...Ngoài ra, Yên Thế còn triển khai tổ chức thực hiện một số mô hình dạy nghề và các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn về mô hình sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật trên vải; mô hình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học; mô hình kỹ thuật sản xuất vải theo tiểu chuẩn VietGAP với tổng số 775 lớp và 2.269 học viên tham dự.
Học viên tham gia học nghề hầu hết là lao động nông thôn, nhiều học viên là lao động chính của gia đình, vì vậy đa số các cơ sở dạy nghề lựa chọn hình thức vừa học, vừa làm để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề... Người học nghề có sẵn các điều kiện về tư liệu sản xuất tại gia đình, là địa điểm thực hành trực tiếp trong quá trình học nên đa số học viên sau khi học đã tự tạo được việc làm, áp dụng kiến thức được học vào trong công việc sản xuất, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng sản lượng, chất lượng góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Nhìn chung các lớp dạy nghề đều cơ bản bám sát được mục tiêu của Đề án, gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với mục tiêu chuyển đối cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thông qua đó xác định được những hình thức đào tạo phù hợp với người dân lao động trên địa bàn huyện. Vì vậy, hiệu quả trong đào tạo nghề được nâng lên rõ rệt. Ở một số nơi, nhất là ở các xã thí điểm, các mô hình dạy nghề đã góp phần hình thành mô hình sản xuất mới, với những nông dân đã qua đào tạo nghề là lực lượng nòng cốt. Có không ít lao động nông thôn sau học nghề đã trở thành chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ... Những kết quả đạt được của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Yên Thế cho thấy huyện đã đi đúng hướng. Chất lượng lao động được nâng lên rõ rệt, nhiều lao động nông thôn được giải quyết việc làm, chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Yên Thế cũng như tỉnh Bắc Giang.
Đặc biệt, thông qua Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", địa phương đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của dạy nghề đối với phát triển nguồn nhân lực nông thôn trong sản xuất nông nghiệp hiện đại; góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, huyện Yên Thế sẽ tiếp tục đổi mới phương thức dạy và học, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện có nhu cầu tuyển dụng lao động; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Quyết định 1956/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quan tâm chỉ đạo đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở để từng bước nâng cao trình độ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự tham gia tích cực của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong thực hiện chương trình./.