Kết quả giảm nghèo: Đạt chỉ tiêu Quốc hội giao nhưng còn nhiều thách thức

Chủ nhật, 22/11/2020 11:51
(ĐCSVN) - Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Song chuẩn nghèo thu nhập tới nay chỉ còn bằng khoảng 45% mức sống tối thiểu là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, đặt ra yêu cầu cần tiếp tục kiên trì “cuộc chiến” giảm nghèo.

Đạt chỉ tiêu, thách thức còn nhiều

 Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, bình quân trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo nước ta giảm 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước chỉ còn khoảng 2,75%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 27,85%, bình quân trong 4 năm (2016 - 2029) giảm 5,65%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm bình quân 4%/năm; ước cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các huyện nghèo còn khoảng 24%.

Cán bộ hỗ trợ vốn theo chính sách tới đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Đã có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dự kiến đến cuối năm 2020, khoảng 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra. 95/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt tỷ lệ 32,5% (vượt 2,5%). 1.298/3.973 thôn đặc biệt khó khăn (chiếm tỷ lệ 32,67%), 125/2.193 xã đặc biệt khó khăn (chiếm tỷ lệ 5,69%) hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

 Có được kết quả trên, theo đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là do Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2019 với khoảng 93.608 tỷ đồng, bằng 146,2% so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, nguồn vốn Trung ương (chiếm 45,33%), vốn huy động xã hội hóa hỗ trợ an sinh xã hội và giảm nghèo của các địa phương (chiếm 23,62%), vốn ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các hoạt động an sinh xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) các cấp (chiếm 19,86%). Nguồn lực để chi cho các chính sách thuờng xuyên hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, hộ cận nghèo như: hỗ trợ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, trợ giúp pháp lý, tiền điện… khoảng 25.000 tỷ/năm.

 Với địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, Chính phủ đã ưu tiên bố trí kinh phí trên 37 nghìn tỷ đồng, chiếm 88,62% tổng nguồn lực ngân sách Trung ương và bằng 100% tổng số vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển của Chương trình, theo đúng tinh thần Nghị quyết 76 của Quốc hội.

 Bình luận về kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chính sách giảm nghèo đã phát huy mạnh mẽ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, thu hút sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người nghèo, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo thông qua sự xuất hiện của một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo.

 Thách thức lớn nhất là kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ thoát nghèo chủ yếu chuyển sang hộ cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm không đồng đều giữa các vùng. Tình trạng nghèo sâu, nghèo kinh niên tập trung vào đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn. Đây là nhóm dân cư có tốc độ giảm nghèo chậm, luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo, trong đó “lõi nghèo” tập trung ở khu vực Tây Nguyên và miền núi Tây Bắc.

 Phân tích của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm rất chậm, từ năm 2015 đến 2019, giảm được 0,95%, trung bình 0,19%/năm; 20/63 tỉnh có tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2019 cao hơn so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số chỉ tăng được 1,2 lần, từ 15,81 triệu đồng năm 2015 lên 19 triệu đồng năm 2019 (mục tiêu Chương trình 135 tăng lên gấp 2 lần). Tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn thoát khoải tình trạng khó khăn chỉ đạt 5,66% (mục tiêu đạt 20-30%).

 Đáng lưu ý là mức chuẩn nghèo về thu nhập chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm mức sống tối thiểu như Nghị quyết 76 đặt ra và không thay đổi trong cả giai đoạn. Chuẩn nghèo thu nhập chỉ bằng 70% mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015 và tới nay, chỉ còn bằng khoảng 45% mức sống tối thiểu. Chuẩn nghèo chưa sát với thực tế nghèo là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững. Đa số hộ thoát nghèo mới chỉ là thoát nghèo theo chuẩn chứ chưa thoát khỏi tình trạng nghèo.

 Vì vậy, tỷ lệ tái nghèo trong 4 năm (2016-2019) bình quân vẫn còn 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước, tỷ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm); tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, trung bình giai đoạn 2016-2019 bằng 21,8% so với tổng số hộ thoát nghèo.

 Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo dàn trải, khó bố trí do có quá nhiều chính sách, có chính sách khi bố trí được nguồn lực đầu tư đã vào năm cuối của giai đoạn. Ngân sách chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn từ Trung ương. Việc huy động các nguồn lực khác (từ doanh nghiệp, người dân) còn hạn chế. Các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, hỗ trợ thị trường phù hợp đặc điểm vùng miền nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh tại địa bàn khó khăn, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

 Hiện nay, về cơ bản, việc thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện mới chỉ dừng ở chính sách tín dụng. Công tác xác nhận, quản lý đối tượng hộ nghèo, cận nghèo còn hạn chế; còn có tình trạng đưa đối tượng không đủ điều kiện vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để trục lợi chính sách…

 Cần tiếp tục kiên trì

 Giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin… là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Đa số hộ thoát nghèo mới chỉ là thoát nghèo theo chuẩn chứ chưa thoát khỏi tình trạng nghèo; phần lớn vẫn phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình "tự phát", chưa gắn kết.

Để giảm nghèo hiệu quả, bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội cần tiếp tục quan tâm tăng nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung, dài hạn; bổ sung  nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội có điều kiện phát huy tốt hơn hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

 Chính phủ sớm trình các tài liệu có liên quan đến đề xuất Quốc hội xem xét, ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững giai đoạn 2021-2030.

 Trong thiết kế Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn tới, đồng chí Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần bảo đảm kế thừa tinh thần của Nghị quyết 76 là áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều; thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện; bổ sung chính sách khuyến khích vượt nghèo đối với cá nhân và đối với cộng đồng. Xây dựng tiêu chí để phân bổ ngân sách nhà nước về giảm nghèo hợp lý, đặc biệt trong việc tạo cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, giải quyết một số chiều thiếu hụt còn lớn như nhà ở, y tế, nước sạch, vệ sinh…/.

Bài, ảnh: Hoàng Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực