Kịp thời hướng dẫn tàu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm

Thứ năm, 23/09/2021 16:40
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp đặc biệt lưu ý đến vấn đề tàu thuyền trên biển; đề nghị tàu thuyền trong vùng ảnh hưởng phải được kiểm đếm. Đồng thời, ngoài việc liên hệ được, cần nắm chắc vị trí các tàu thuyền đang hoạt động hiện nay để kịp thời hướng dẫn thoát khỏi ra khỏi vùng nguy hiểm.
 Quang cảnh cuộc họp (Ảnh: NH)

Ngày 23/9, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan và một số địa phương nhằm bàn các giải pháp để ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang có khả năng mạnh lên thành bão.

Tại cuộc họp, đại diện của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, di chuyển nhanh, hướng Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h. Từ chiều nay (23/9), vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm Cồn Cỏ, Lý Sơn và Cù Lao Chàm) gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10.

Từ tối và đêm nay (23/9), trên đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió giật mạnh từ cấp 6-8, vùng sát biển có gió cấp 6-7, có nơi cấp 8, giật cấp 10.

Đáng chú ý, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ 23-24/9, khu vực Hà Tĩnh đến Bình Định có tổng lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, cục bộ trên 300mm. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai mưa từ 100-200mm, cục bộ trên 250mm,…

Với kịch bản mưa từ 150-250mm, lũ thượng lưu các sông ở Hà Tĩnh, các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Định lên mức báo động 1 và trên báo động 1, hạ lưu các sông ở Hà Tĩnh còn dưới báo động 1. Các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Gia Lai lên mức báo động 1 – báo động 2, có nơi trên báo động 2; các sông ở Kon Tum lên mức báo động 2- báo động 3, có sông trên báo động 3.

Với kịch bản mưa lũ trên sẽ có khoảng 32 huyện và khu đô thị có nguy cơ ngập lụt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum. Đồng thời, sẽ có 29 huyện có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Báo cáo của Bộ đội biên phòng cho biết, tính đến 6h00 ngày 23/9/2021, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 44.810 phương tiện/245.233 lao động biết diễn biến của áp thấp nhiệt đới.  Tuy nhiên, hiện nay trong khu vực nguy hiểm còn 236 tàu (Nghệ An 1 tàu, Hà Tĩnh 8 tàu, Quảng Bình 3 tàu; Thừa Thiên Huế 2, Đà Nẵng 6; Quảng Nam 13; Quảng Ngãi 65; Bình Định 112 tàu; Phú Yên 18; Khánh Hòa 4; Ninh Thuận 3; Tiền Giang 1).

Ngoài ra, theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tại các tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng, diện tích nuôi trồng thủy sản trên biển và ven biển có khoảng 11.719ha. Các tỉnh có diện tích lớn gồm: Thừa Thiên Huế 3.089 ha; Quảng Nam 3.070ha, Bình Định 2.359ha; số lồng bè khoảng 4.912.

Bên cạnh đó, về diện tích lúa Hè Thu chưa thu hoạch: khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa tới Quảng Bình còn 97.476 ha; khu vực từ Thừa Thiên Huế - Bình Định còn 10.487ha; khu vực Tây Nguyên còn 143.346ha.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, với dự báo hiện nay, khả năng áp thấp nhiệt đới sẽ ở cấp độ mạnh của cuối áp thấp nhiệt đới và tiệm cận đầu bão. Đồng thời, từ 19h tối nay (23/9), gió bắt đầu ảnh hưởng từ vùng biển lên đất liền. Trên biển, gió có thể đến cấp 8 giật cấp 10; trên đất liền tối nay gió sẽ thấp hơn 1-2 cấp so với trên biển, giạt đến cấp 8. Dự báo trọng điểm khu vực áp thấp nhiệt đới đổ bộ từ Quảng Ngãi đến Bình Định, và khu vực ảnh hưởng cao gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, lượng mưa dự báo không quá lớn nhưng tập trung trong thời gian ngắn. Do vậy, với khoảng 200-250mm vẫn là nguy cơ cao cho khu vực miền núi. Với thời gian đổ bộ của áp thấp nhiệt đới vào đêm nay và rạng sáng mai, mưa sẽ ảnh hưởng nhiều nhất từ Quảng Ngãi đến Bình Định, sau đó, mưa sẽ dịch chuyển ra vùng Thanh Hóa, Nghệ An vào ngày 24 và 25/9.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn áp thấp nhiệt đới về cấp độ gió, đường đi và vùng ảnh hưởng, dự báo chính xác nhất có thể. Bởi điều này liên quan trực tiếp đến các tàu thuyền trên biển, để có hưởng di chuyển chạy ra khỏi được vùng nguy hiểm. Đồng thời, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét do lượng mưa không quá lớn nhưng tập trung nên đây là vấn đề đáng lo ngại.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đặc biệt lưu ý đến vấn đề tàu thuyền trên biển. Thứ trưởng đề nghị tàu thuyền trong vùng ảnh hưởng phải được kiểm đếm bởi có những tàu thuyền không bật định vị, không kết nối được. Do vậy, ngoài việc liên hệ được, cần nắm chắc vị trí các tàu thuyền đang hoạt động hiện nay để kịp thời hướng dẫn thoát khỏi ra khỏi vùng nguy hiểm. Về vấn đề này, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Thủy sản phối hợp với lực lượng biên phòng quyết liệt hướng dẫn các tàu cá di chuyển nhanh ra khỏi khu vực ảnh hưởng. Cố gắng dứt khoát 100% các tàu thuyền ở vùng an toàn. Đồng thời, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phối hợp với các địa phương có sự chuẩn bị và khẩn trương cứu hộ cứu nạn nếu có sự cố xảy ra với các tàu cá.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu cần di dời bà con khu vực nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè vào bờ. Đồng thời, có phương án khi di dời người dân để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Thứ trưởng cũng lưu ý đến các hồ thủy điện ở khu vực Tây Nguyên, hiện đã tích nước ở mức khá. Nếu với lượng mưa trên phải tiến hành xả lũ, Thứ trưởng đề nghị phải có sự tính toán, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối và thực hiện đúng quy trình xả lũ ở các hồ lớn. Với các hồ thủy lợi, Thứ trưởng yêu cầu cần kiểm tra lại các hồ có cửa van điều tiết, cần kiểm tra lại toàn bộ hoạt động của các cửa van, bởi nếu trong trường hợp mưa lớn ở thượng nguồn nếu cần xả, van kẹt là nguy.

Về vấn đề sạt lở, lo ngại ở khu vực Tây Nghệ An, Tây Thanh Hóa, Tây Trung trung bộ, nhất là mưa trong những ngày tới, rất dễ xảy ra. Do vậy, Thứ trưởng đề nghị các địa phương trên cần lưu ý ở khu vực miền núi.

Ngoài ra, từ các sự cố tại các khu vực ngầm tràn, hầu như đều xảy ra sau áp thấp, bão, do vậy, Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần có chỉ đạo quyết liệt, trực tại các ngầm tràn như trực phòng chống COVID-19, bảo vệ các khu vực nguy hiểm này như bảo vệ vùng xanh an toàn của người dân bởi liên quan trực tiếp đến tính mạng của người dân./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực