Đó là chia sẻ của linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam về những nét đẹp trong đời sống đồng bào Công giáo và phương châm "Hiệp nhất - Đồng hành - Chia sẻ" nhân dịp Hội nghị thi đua toàn quốc “Biểu dương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo” lần thứ V (giai đoạn 2015- 2020) sắp diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.
PV: Đồng bào Công giáo đang ngày càng gắn bó và khẳng định mình trong quá trình xây dựng đất nước. Vậy linh mục có thể chia sẻ cảm nhận của mình về đời sống nơi các xứ đạo những năm gần đây?
Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh: Trong xu hướng phát triển của cả nước, với những thành tựu về kinh tế vĩ mô ổn định, người dân nhìn chung ngày càng có của ăn của để, đời sống tinh thần phong phú với những hội nhập và đa dạng về văn hóa, lễ hội, tôn giáo.
Ở các xứ đạo, thực tế dễ nhận thấy là rất nhiều ngôi thánh đường khang trang, quy mô lớn, nhất là ở các tỉnh, thành phố như Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình… Nhà cửa, đường xá khởi sắc hơn hẳn với những ngôi nhà mới hiện đại, tiện nghi; đường đi lối lại được bê tông hóa, tạo cảnh quan sạch đẹp… Đây là những thay đổi rõ nhất từ khi đất nước đổi mới, nông thôn được quan tâm nhiều hơn, chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện nhất quán.
|
Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. |
Tôi có dịp đến huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, một địa bàn có tỷ lệ đồng bào Công giáo chiếm hơn 40% dân số, tôi thấy đời sống đạo có nhiều thay đổi, giáo dân cũng nhiều người giàu có. Tại xứ đạo Phạm Pháo, một số gia đình còn xây được lâu đài, biệt thự rất đẹp; giáo xứ có đội kèn Tây nổi tiếng cả nước với 700 nhạc công. Bên cạnh đời sống đức tin, giáo dân có chí làm ăn, nhất là phát triển dịch vụ, buôn bán. Mọi người tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới, tham gia bảo vệ môi trường...
PV: Theo linh mục, các hoạt động thi đua yêu nước nơi đồng bào Công giáo có nét đặc trưng?
Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh: Các tôn giáo hoạt động hợp pháp ở nước ta đều khuyên tín đồ hành thiện. Đạo Công giáo có Tám Mối Phúc Thật, trong đó Mối Phúc Thật thứ năm: “Ai thương xót người, ấy là phúc thật”. Vậy nên, từ thiện bác ái chính là điểm nhấn và là việc làm thường xuyên trong các hoạt động mà người Công giáo nhiệt thành tham gia.
Đến thăm trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi của Dòng Ảnh Phép Lạ (ở KonTum), nơi các nữ tu chăm sóc hàng trăm cháu mồ côi, chúng ta sẽ thấy, làm việc bác ái là một tình cảm tự nhiên của người Công giáo. Các nữ tu hàng ngày lao động, làm nương, chăn nuôi gia cầm để nuôi các cháu mồ côi. Các chị âm thầm hành thiện với ý nghĩa nhân văn, nhân ái vô cùng lớn lao.
Tại TP Hồ Chí Minh, hoạt động bảo trợ xã hội, công tác chăm lo giáo dục, sức khỏe và hỗ trợ người nghèo là những lĩnh vực mà các tổ chức Công giáo, giáo dân rất tích cực tham gia. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã đánh giá cao và biểu dương những đóng góp này của đồng bào Công giáo.
Một số giáo dân tôi gặp, họ rất bình dị nhưng qua tìm hiểu tôi mới hay, đó là những con người giỏi làm ăn nhưng luôn song hành với làm từ thiện. Làm từ tâm chứ không phô trương, nên khiêm tốn và giản dị. Các em thiếu nhi cũng thế. Các em thành lập các nhóm ve chai, hàng tuần đến các gia đình quanh giáo xứ gom chai nhựa, đồ sắt vụn rồi bán giành tiền thăm hỏi các bạn tật nguyền, các cụ già neo đơn...
Người Công giáo có câu: Yêu người như chính mình vậy; làm phúc tay phải không cho tay trái biết, nên tôi tin rằng, những việc làm thiện lành trong đồng bào Công giáo luôn có rất nhiều, nhưng chúng ta ít thấy.
|
Các cá nhân và tổ chức Công giáo tại TP Hồ Chí Minh có nhiều đóng góp trong công tác bảo trợ xã hội, giáo dục, y tế, chăm lo người nghèo được biểu dương. Ảnh: AL.
|
PV: Như vậy, nét đẹp trong đồng bào Công giáo chính là yêu thương, chia sẻ trong cuộc sống. Vậy, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã phát huy nét đẹp này thế nào?
Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh: Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chỉ rõ: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên, mà còn là đòi hỏi của Phúc Âm.
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cũng xác định phương châm hoạt động: Hiệp nhất - Đồng hành - Chia sẻ. Phương châm này phù hợp với yêu cầu của Hội đồng Giám mục Việt Nam mà tôi vừa nói, đồng thời cũng phát huy tình bác ái, tinh thần dân tộc để chia sẻ với người khó khăn và đồng hành cùng đồng bào ta trong các giai đoạn phát triển của đất nước.
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”. Đây là nội dung thi đua có tính phổ quát và lâu dài. Tùy từng hoàn cảnh thực tế mà tổ chức Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tại các tỉnh, thành phố đã cụ thể hóa nội dung khác nhau để đáp ứng được yêu cầu tại địa phương mình.
Đặc biệt, để lan tỏa những điển hình tiên tiến “người tốt, việc tốt” và nét đẹp trong lối sống đạo của người Công giáo, góp phần tích cực vào đời sống xã hội và phục vụ hạnh phúc của đồng bào, Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã duy trì 5 năm một lần việc tổ chức Hội nghị toàn quốc “biểu dương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo”. Lần này là lần thứ 5 chúng tôi tổ chức hội nghị này.
Với ý nghĩa là một bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, người Ki tô hữu “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, tôi tin rằng, đồng bào Công giáo Việt Nam đang ngày càng gắn bó với Tổ quốc mình, chung tay cùng nhân dân cả nước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đồng lòng phòng chống dịch bệnh, làm phong phú thêm lòng yêu nước của con dân đất Việt.
PV: Xin trân trọng cảm ơn linh mục!