Lào Cai tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động ảnh hưởng dịch

Thứ tư, 27/10/2021 17:05
(ĐCSVN) – Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã tác động đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở Lào Cai, nhất là ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên các hoạt động đã dần ổn định trở lại theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.

Ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người lao động

leftcenterrightdel

Trung tâm dịch vụ việc làm Lào Cai bàn giao lao động đi học nghề tại tỉnh Quảng Ninh đợt tháng 7/2021. 

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh hiện nay có khoảng 3.500 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động sử dụng trên 60 nghìn lao động thuộc các lĩnh vực ngành nghề khác nhau.  Trong đó, có 305 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động với trên 20 nghìn lao động bị ảnh hưởng (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020), 42 doanh nghiệp đã giải thể; ngoài ra còn có 14 doanh nghiệp phải thu hẹp, dừng sản xuất một bộ phận với 364 lao động bị ảnh hưởng.

Đối với các trường hợp tạm dừng hoạt động, đa số doanh nghiệp đều hỗ trợ người lao động với mức lương tối thiểu vùng trong 14 ngày đầu nghỉ dịch bệnh, thời gian còn lại sẽ do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận.

Ngoài ra, trên địa bàn  tỉnh có 430 hợp tác xã; trong đó, có 309 hợp tác xã đang hoạt động, 121 hợp tác xã ngừng hoạt động chờ giải thể. Tổng số lao động thường xuyên là của các hợp tác xã còn hoạt động trên 6 nghìn người.

Do ảnh hưởng của dịch COVID -19 nên kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã đều giảm; đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ - du lịch, giao thông vận tải. Nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng nên hoạt động cầm chừng, lao động giảm giờ làm hoặc làm việc luân phiên khiến doanh thu sụt giảm; nhiều hợp tác xã đều thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động.

Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH); đến nay nhiều doanh nghiệp nợ BHXH của người lao động với tổng số tiền nợ đọng trên 85 tỷ đồng; trong đó, nợ BHXH là 69,8 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp là 3,3 tỷ đồng.

Theo kết quả rà soát ban đầu, hiện có khoảng trên 2 nghìn lao động tự do (có hộ khẩu ở Lào Cai) bị mất việc làm, thiếu việc làm thường xuyên dẫn đến mất, giảm thu nhập. Những lao động này đều không được hưởng các chế độ BHXH, thu nhập bấp bênh và các chế độ chăm sóc y tế. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là lao động giúp việc gia đình và lao động tự do, hộ sản xuất kinh doanh, buôn bán nhỏ, lao động làm thuê tại các bến bãi,.…. Theo thống kê chưa đầy đủ,  Lào Cai có trên 28,3 nghìn lao động đang làm việc tại các địa phương trên toàn quốc. Kể từ khi bùng phát dịch trong năm 2021 đến nay, đã có hơn 15 nghìn lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh trở về Lào Cai từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Những giải pháp hỗ trợ kịp thời

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai Đinh Văn Thơ, kể từ  khi dịch bùng phát từ đầu năm 2021 đến nay, để hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, theo chức năng nhiệm vụ được giao, Sở LĐ - TB&XH tỉnh đã hướng dẫn các công ty có vốn nhà nước rà soát quỹ tiền lương kế hoạch 2021 của người lao động và người quản lý trong công ty; tăng cường quản lý nhà nước về lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp…

Đặc biệt, thực hiện Nghị Quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành các quyết định hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Tính đến ngày 25/10, đã có 11/12 nhóm đối tượng phát sinh hồ sơ (chưa phát sinh hồ sơ đối với nhóm Hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động), với tổng số 4.429 đối tượng với kinh phí hỗ trợ trên 13,8 tỷ đồng. Riêng đối với nhóm hỗ trợ tiền mặt, các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện chi trả cho 3.043 đối tượng, tổng kinh phí đã chi trả là trên 4,7 tỷ đồng; trong đó, toàn tỉnh đã có 1.461 lao động không có giao kết hợp đồng lao động được hỗ trợ với tổng kinh phí hỗ trợ 2,179 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Trong những ngày đầu triển khai Nghị quyết 116/NQ-CP đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn. Gói hỗ trợ này được đánh giá cao, mang đầy tính nhân văn, chia sẻ. Kết quả, tính đến ngày 25/10, toàn tỉnh giải quyết chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 9.899 người lao động với tổng số tiền trên 25,2 tỷ đồng. Dự kiến có khoảng 1.358 đơn vị sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (từ 1/10/2021 - 30/9/2022) với tổng số tiền khoảng 17,4 tỷ đồng.

Theo thống kê, trong 10 tháng năm 2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho  trên 10,3 nghìn lao động, đạt 76,5% kế hoạch năm; trong đó có 1.897 lao động được vay vốn Quỹ quốc gia việc làm; có 66 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Tổ chức được 10 phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh và lưu động tại các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bắc Hà với 11 doanh nghiệp và trên 900 lao động tham gia.

leftcenterrightdel
Đoàn công tác tỉnh Lào Cai đón lao động từ Bắc Giang về tỉnh đợt tháng 6/2021.

Đặc biệt, để hỗ trợ người dân Lào Cai đi làm việc ngoài tỉnh quay trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch bệnh COVD-19, Sở LĐ - TB&XH tỉnh đã tích cực chủ động phối hợp, nắm bắt tình hình lao động của tỉnh đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; theo dõi tình hình lao động đi làm việc ngoài tỉnh trở về địa phương phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và giải quyết việc làm. Trong đó, có khoảng hơn 8 nghìn lao động bị mất việc làm trở về địa phương; trong số lao động này có một số bộ phận đã chuyển đổi sang làm nông nghiệp, một số đã tìm được việc làm và còn khoảng gần 2 nghìn người hiện đang không có việc làm.

Theo Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai Phạm Ngọc Lương, cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, các đơn vị, địa phương trong tỉnh cần  tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng phương án tái sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh dần ổn định và được kiếm soát tốt; có chính sách hỗ trợ đầu ra, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, nhất là những ngành hàng xuất khẩu sau thời gian giãn cách xã hội. Những biện pháp này không chỉ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã thoát khỏi nguy cơ phá sản, mất việc và giảm thu nhập, mà còn tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển trong thời gian tới.

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, hiện nay về cơ bản các loại hình kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được hoạt động trở lại, người lao động khu vực phi chính thức đang dần quay trở lại thị trường lao động với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”. Bởi vậy, một trong những giải pháp thiết thực hiện nay là Sở LĐ-TB&XH tỉnh đang tích cực phối hợp với các địa phương trong tỉnh đào tạo nghề theo các đơn đặt hàng của doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động; liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm hỗ trợ lao động của địa phương (trong đó có lao động đi làm ngoài tỉnh trở về địa phương) đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm tìm kiếm được việc làm phù hợp với trình độ và nguyện vọng; đồng thời tiếp tục tham mưu ban hành các cơ chế chính sách giúp cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh trong và sau khi dịch bệnh tạo một thị trường lao động phát triển thu hút người lao động có việc làm; các chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ngoài tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng./.

Bài, ảnh: Hồng Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực