Lào Cai: Tiếp tục khắc phục hậu quả do mưa lũ

Thứ hai, 15/08/2016 20:18
(ĐCSVN) - Mặc dù bão số 1 và hoàn lưu bão số 2 đã đi qua nhưng những hậu quả mà hai cơn bão để lại trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn còn khá nặng nề. Vì vậy, công tác triển khai khắc phục hậu quả mưa lũ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đang được địa phương quan tâm thực hiện.

Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng hoàn lưu bão đang được tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện (Ảnh: baolaocai.vn)

Ảnh hưởng của bão số 1 và hoàn lưu bão số 2 trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã làm 23 người chết, mất tích, bị thương; 1.181 nhà và 10.150ha lúa, hoa màu bị thiệt hại. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường khác bị sạt lở như: tuyến đường Văn Bàn – Nậm Tha, khu vực xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn sụt lở tại Km15+900. Các vị trí qua ngầm, tràn trên các tuyến đường tỉnh 151, 152, 156, 158,... đều ách tắc giao thông do nước suối dâng cao.

Bên cạnh đó, mưa lũ đã làm 33 cầu treo, ngầm tràn bị cuốn trôi; 8 điểm trường học bị ảnh hưởng, hư hỏng; 3 thủy điện bị hư hỏng gồm Ngòi San, Vạn Hồ, Sùng Vui, thiệt hại hơn 100 tỷ đồng; hệ thống viễn thông bị gãy, đổ và hư hỏng nặng nề. Ước tổng thiệt hại do cơn bão số 2 là hơn 500 tỷ đồng.

Ngay trong và sau khi ảnh hưởng của hoàn lưu bão, về phía địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Công điện chỉ đạo công tác phòng, tránh, ứng phó với thiên tai; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Ban Chỉ huy phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã trực tiếp đến hiện trường, chỉ đạo các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn và tìm kiếm người mất tích; huy động các phương tiện và trên 1.450 người tham gia sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn; tổ chức cứu hộ, cứu nạn và tìm kiếm người mất tích.

UBND huyện Bát Xát đã chỉ đạo lực lượng nối dây cáp và làm cầu tạm qua suối để chuyển nhu yếu phẩm cho người dân thôn Sủng Hoảng, xã Phìn Ngan. UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục sạt lở trên tuyến đường Quốc lộ 4D, đến nay đã được thông xe. Các tuyến đường giao thông khác đã cơ bản được khắc phục bước 1 để đảm bảo giao thông đi lại. Cùng với đó, các hộ dân có nhà bị sập đổ, cuốn trôi đã được bố trí ở về nơi an toàn; các hộ bị ảnh hưởng (ngập úng, sạt lở đất, tốc mái) được giúp đỡ dọn dẹp vệ sinh và gia cố lại nhà cửa. Đến nay, các hộ bị ảnh hưởng đã cơ bản được khắc phục.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh, trong vòng 1 tháng tới, tỉnh sẽ tập trung khắc phục sửa chữa xong các nhà bị tốc mái, hư hỏng; trong vòng 7-10 ngày sẽ sữa chữa đường giao thông quốc lộ, liên thôn; các trường học sẽ khắc phục nhanh nhất. Đồng thời, tích cực chuyển đổi cây trồng phù hợp, đảm bảo người dân sản xuất lại bình thường, ít nhất trong vụ các tháng cuối năm sẽ bù lại được sản lượng của các tháng bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão.

Nhiều đơn vị, tổ chức tiếp tục hỗ trợ tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả mưa lũ (Ảnh: BT)

Tuy nhiên, với khối lượng thiệt hại lớn do ảnh hưởng của bão số 1 và hoàn lưu bão số 2, UBND tỉnh Lào Cai kiến nghị Trung ương bố trí kinh phí xây dựng 2 điểm dân cư mới; trong đó 1 điểm cho 34 hộ dân tại xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát với kinh phí 30 tỷ đồng; 1 điểm cho 24 hộ dân thôn Xì Ngài, xã Trung Trải, huyện Sa Pa, kinh phí 19,2 tỷ đồng. Bố trí kinh phí hỗ trợ 88 hộ dân có nhà bị sập đổ, thiệt hại hoàn toàn, kinh phí bước đầu là 1,76 tỷ đồng (20 triệu/hộ).

Về hạ tầng, tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí sửa chữa các công trình thủy lợi gồm 14 công trình cấp nước, 5 đập thủy lợi và hệ thống kênh mương gẫy đổ. Đồng thời đề nghị hỗ trợ xây dựng lại và sửa chữa các cầu treo, ngầm tràn với kinh phí 44,2 tỷ đồng. Hỗ trợ để khắc phục đường giao thông với kinh phí khắc phục bước 1 cần khoảng 87 tỷ đồng, kinh phí khắc phục bước 2 trên 218 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Lào Cai, trong thời gian tới, để khắc phục những hậu quả do hoàn lưu bão để lại đồng thời nâng cao chất lượng công tác phòng tránh, ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh – nơi thường xuyên có khả xảy ra lũ quét, sạt lở đất, tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, tránh thiên tai cho người dân. Tổ chức rà soát, nắm chắc các hộ dân ở các vị trí có nguy cơ về sạt lở, lũ quét, tổ chức di chuyển đến nơi an toàn; xác định các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét để cắm biến cảnh báo.

Đồng thời thường xuyên bổ sung kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo cấp độ rủi ro sát với tình hình thực tế. Chỉ đạo các địa phương quản lý tốt, không để tình trạng làm nhà ven sông, suối, khu vực nguy hiểm, trong hành lang an toàn giao thông mất an toàn. Kiên quyết chỉ đạo di dời các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm, xây dựng các khu tái định cư để di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Cùng với đó, tăng cường lắp đặt thêm các trạm đo mưa, quan trắc khí tượng nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo của Đài khí tượng thủy văn; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cơ quan báo, đài địa phương tăng tần suất phát sóng, cảnh báo thiên tai để người dân chủ động ứng phó./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực