Lao động di cư Việt Nam ở nước ngoài gặp nhiều trở ngại trong chăm sóc sức khỏe

Thứ năm, 25/11/2021 18:44
(ĐCSVN)- Di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, di cư cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Người di cư là một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương, nhất là trong đại dịch COVID-19 hiện nay.

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Phái đoàn Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo Triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư và xây dựng chương trình sức khỏe người di cư Việt Nam.

Hội thảo nhằm giới thiệu Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) của Bộ Y tế, lấy ý kiến đóng góp vào việc xây dựng Chương trình sức khỏe người di cư tại Việt Nam, thúc đẩy sự hợp tác tiềm năng giữa các bên có liên quan trong việc nâng cao sức khỏe người di cư nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế nhấn mạnh: “Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người di cư. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 đã nhấn mạnh bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ y tế-dân số”.

Ông Nguyễn Doãn Tú , Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh:  ĐT) 

Nhằm tăng cường hợp tác, thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện, đa ngành, tối ưu hóa lợi ích của di cư, đồng thời giảm thiểu những rủi ro của quá trình này, Liên hợp quốc đã thông qua Thỏa thuận Toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự. Ngày 20/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc. Ngày 31/12/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5608/QĐ-BYT để triển khai Thỏa thuận này trong lĩnh vực y tế.

Tháng 5/2021, Bộ Y tế đã thành lập Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư Việt Nam với sự tham gia của các Bộ, ngành, các cơ quan của Liên hợp quốc. Mục tiêu chính của Nhóm là hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật, chia sẻ, kết nối giữa các bên có liên quan trong việc xây dựng các chính sách, chương trình, dự án liên quan đến sức khỏe người di cư trong lĩnh vực y tế-dân số.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, di cư là một hiện tượng mang tính toàn cầu. Trên thế giới hiện có khoảng 272 triệu người di cư trong tổng dân số hơn 7 tỷ người. Hai phần ba trong tổng số người di cư là lao động di cư.

Tại Việt Nam, với khoảng 98 triệu người, Việt Nam là quốc gia có quy mô dân số đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 65,4 triệu người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), chiếm 68,0% tổng dân số. Số lượng dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng cũng tác động đến các dòng di cư tại Việt Nam.

Người di cư khỏe mạnh là lực lượng lao động quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa. Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người di cư là sự tổng hòa các mối quan hệ, hợp tác giữa các bên có liên quan.

Tại Hội thảo, bà Mihyung Park, Trưởng Phái đoàn Di cư quốc tế tại Việt Nam cho biết: “Thỏa thuận Toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự lấy sức khỏe người di cư làm ưu tiên xuyên suốt với việc đề cập đến vấn đề sức khỏe và tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe trong một số mục tiêu của Thỏa thuận. Cùng với Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Nghị quyết của Hội đồng Y tế thế giới, việc thực hiện Thỏa thuận toàn cầu mang đến cơ hội to lớn trong việc nâng cao sức khỏe người di cư và thúc đẩy các quan hệ đối tác cũng như chính sách đa ngành có liên quan”.

Theo bà Mihyung Park, việc nghiên cứu sức khỏe của người di cư Việt Nam đã được nhiều nước triển khai như tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 những thách thức trong chăm sóc sức khỏe người di cư và việc đáp ứng những dịch vụ y tế thiết yếu còn nhiều hạn chế. Qua khảo sát được tiến hành của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Hàn Quốc và Nhật Bản cho thấy nhiều người Việt Nam tại 2 nước nói trên cho biết họ gặp nhiều trở ngại trong vấn đề chăm sóc sức khỏe do khó khăn về ngôn ngữ, văn hoá, bởi vậy đa phần nhận thông tin về chăm sóc sức khoẻ qua người khác.

“Đa phần các nghiên cứu cho thấy, nhiều người di cư ở Việt Nam tại nước ngoài thiếu các thông tin và chưa được chăm sóc sức khoẻ đầy đủ do những trở ngại về văn hoá, ngôn ngữ. Vì vậy, đây cũng là một mối lo lớn đối với người di cư cũng như nơi họ đến, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu như hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho người di cư trong đại dịch là cần thiết và cấp bách,” bà Mihyung Park chỉ rõ.

 Hội thảo Triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư và xây dựng chương trình sức khỏe người di cư Việt Nam tổ chức ngày 25/11 tại Hà Nội. (Ảnh: ĐT)

Tại Hội thảo, phân tích về vấn đề di cư, GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện dân số gia đình và trẻ em dẫn chứng hiện nay có di cư rất lớn trong nội địa và người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Di cư trong nội địa mỗi năm có hàng triệu người. Theo Tổng điều tra dân số tiến hành mới nhất (năm 2019) với dân số toàn quốc là 96 triệu người, có 6,4 triệu người di cư nội địa. Đa số người di cư là ở vùng khó khăn hướng tới thành thị - nơi có mật độ dân số cao hơn nhiều so với vùng nông thôn.

Người Việt di cư đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm hàng chục vạn lao động và có xu hướng tăng qua các năm. Chẳng hạn như năm 2016: hơn 126.000 người, năm năm 2017: hơn 134.000 người, năm 2018: hơn 142.000 người, năm 2019: hơn 147.000 người.

Ông Cử dẫn chứng những thống kê gần đây cho thấy hiện có 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2008-2010 đã có gần 300.000 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Theo thống kê của Cục hợp tác Quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng 190.000 học sinh Việt Nam ở nước ngoài.

"Khó khăn, rào cản đối với người di cư trong chăm sóc sức khỏe, đó là họ thiếu hụt thông tin, kiến thức về nơi đến như môi trường tự nhiên, môi trường xã hội… Theo điều tra mới nhất công bố, mới chỉ có khoảng 2/3 người di cư có bảo hiểm y tế, nhiều người di cư không có hộ khẩu. Do đó, có khả năng gặp khó khăn về chăm sóc sức khỏe," ông Nguyễn Đình Cử chỉ rõ.

Số liệu điều tra cho thấy, người di cư có xu hướng tới các cơ sở y tế điều trị (56%) ít hơn người không di cư (68%). Ngược lại, tỷ trọng người di cử sử dụng cách điều trị tự uống thuốc/tự điều trị (37%) cao hơn so với người không di cư (28%). Chính vì vậy, theo ông Cử sức khỏe người di cư chịu nhiều rủi ro hơn người không di cư, do họ sống ở nơi có mật độ cao dễ lan truyền dịch bệnh. Người di cư khó khăn về kinh tế khi gặp những thách thức bệnh tật, tử vong. Khi họ có vấn đề về sức khoẻ thường tìm sự trợ giúp của người thân hơn là liên hệ với các cơ quan chức năng.

Ông Cử kiến nghị Nhà nước sớm có chương trình bảo vệ chăm sóc sức khỏe người di cư để tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, xóa đói, giảm nghèo...

Tại hội thảo, ý kiến của các đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, người di cư, người sử dụng lao động, người làm công tác y tế-dân số thống nhất cho rằng người di cư khỏe mạnh là lực lượng lao động quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa. Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người di cư là sự tổng hòa các mối quan hệ, hợp tác giữa các bên có liên quan. Di cư không phải là bài toán của riêng một ngành nào mà là sự phối kết hợp chung tay của tất cả các cấp, ngành, trung ương và địa phương, trong đó có y tế-dân số, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, vì những hành trình di cư an toàn, khỏe mạnh…/.

 

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực