Long An lao động nông thôn có việc làm do được đào tạo nghề

Thứ hai, 15/11/2021 14:56
(ĐCSVN) – Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, những năm qua, đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Long An đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

Đa dạng các loại hình đào tạo nghề cho người lao động ở Long An.

(Ảnh: Đức Hạnh)

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp góp phần giảm nghèo bền vững, tỉnh Long An đã quan tâm khảo sát tình hình thực tế ở các địa phương gắn với giải quyết việc làm. Ví dụ như tại huyện Tân Thạnh đã thành lập nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã đan ghế nhựa, đan giỏ, may gia công,... góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Những năm trở lại đây, huyện Cần Đước là địa phương có nhiều dịch vụ nấu ăn phát triển. Thời gian qua, huyện mở nhiều lớp dạy nấu ăn cho lao động nông thôn, trong đó, thị trấn Cần Đước có hàng trăm người làm trong lĩnh vực này.

Tại huyện Tân Trụ, thanh long là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xác định được vấn đề này, huyện đã mở nhiều lớp kỹ thuật trồng thanh long theo hướng VietGAP. Qua đó, giúp nông dân trang bị các kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long như khâu chọn đất, đắp mô, làm hệ thống tưới, sử dụng phân bón,... Nhờ vậy, nông dân chuyển từ canh tác theo tập quán sang áp dụng khoa học - kỹ thuật nên chi phí giảm, năng suất tăng.

Từ năm 2010 đến nay, thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Long An đã đào tạo nghề cho khoảng 230 nghìn lao động, trong đó, có hơn 60 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của đề án, với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, giảm hộ nghèo, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.

Thông qua các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người lao động được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để tự tạo việc làm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng đạt năng suất, chất lượng cao hơn; được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc hoặc giao hàng gia công tại hộ gia đình; tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất…

Tăng cường đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn ở Long An.

(Ảnh: Minh Hưng)

Để hoạt động này ngày càng phát huy hiệu quả, tỉnh Long An sẽ hỗ trợ đầu tư thêm cho các cơ sở giáo dục công lập trong đào tạo các nghề trọng điểm trên địa bàn tỉnh như du lịch, nhà hàng, khách sạn, ẩm thực, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thành lập thêm các trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia với nhiều ngành nghề khác nhau; phân bổ kinh phí cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh mua sắm thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Long An còn khó khăn, hạn chế. Việc vận động lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo học nghề rất khó khăn vì họ phải lo kiếm sống hàng ngày; chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai thực hiện đã lâu nên nhu cầu học nghề không còn nhiều; đầu ra các sản phẩm phi nông nghiệp không ổn định, chủ yếu theo thời vụ; một số mô hình dạy nghề chỉ tự tạo việc làm dẫn đến mức sống của người lao động đôi lúc còn bấp bênh, lệ thuộc vào thời vụ...

Để giải quyết các khó khăn trên, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Long An cho biết, thời gian tới, ngành tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vị trí, vai trò của dạy nghề cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người lao động; tập trung triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn bảo đảm chất lượng, hiệu quả gắn với giải quyết việc làm, trên cơ sở bảo đảm phương châm chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề…

Khi công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng nâng chất sẽ góp phần xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là đạt kế hoạch, chỉ tiêu về đào tạo nghề đã đề ra của tỉnh Long An từ nay đến 2025./..

B.Châu (TH)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực