“Mẹ đỡ đầu”, mô hình giàu tính nhân văn

Thứ ba, 06/12/2022 11:00
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Kế thừa truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, mô hình “Mẹ đỡ đầu” do cán bộ, hội viên phụ nữ các cơ quan, đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thực hiện trong thời gian qua đã trở thành chỗ dựa cho nhiều trẻ em không may ở vào hoàn cảnh mồ côi. Mô hình không chỉ hỗ trợ về vật chất mà còn giúp các em có thêm niềm tin vào cuộc sống để phấn đấu vươn lên…

Hội Phụ nữ BĐBP Đà Nẵng phối hợp với Hội Phụ nữ chợ Đống Đa trao quà cho con nuôi Huỳnh Thị Thanh Hiếu. Ảnh: Trúc Hà.

Thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Trải qua các đợt bùng phát, không ít trẻ em ở đây rơi vào cảnh mồ côi cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ. Thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng phát động, Hội Phụ nữ BĐBP Đà Nẵng đã phối hợp với đơn vị kết nghĩa là Hội Phụ nữ chợ Đống Đa (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) nhận đỡ đầu, hỗ trợ cháu Huỳnh Thị Thanh Hiếu có bố bị mất vì dịch COVID-19, mẹ đang bán hàng tại chợ Đống Đa. Theo đó, ngoài số tiền đóng góp từ hội viên, Hội Phụ nữ BĐBP Đà Nẵng cũng vận động các nhà hảo tâm ủng hộ để có thêm điều kiện chăm sóc cháu Huỳnh Thị Thanh Hiếu.

Trong dịp đầu năm học mới vừa qua, Hội Phụ nữ BĐBP Đà Nẵng đến trao hỗ trợ 1 triệu đồng cùng đồ dùng học tập cho cháu Huỳnh Thị Thanh Hiếu. Chị Phạm Thị Linh, mẹ cháu Hiếu xúc động cho biết: “Sau khi chồng qua đời vì COVID-19, một mình tôi phải lo cho các con nên gặp rất nhiều khó khăn. Giờ đây, tôi đã yên tâm phần nào vì việc nuôi dạy con gái đã có sự đồng hành của các chị trong Hội Phụ nữ BĐBP Đà Nẵng. Gia đình tôi rất biết ơn các chị đã quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ”.

Được biết, hưởng ứng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, thời gian qua, cán bộ, hội viên phụ nữ tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP đã tích cực triển khai có hiệu quả mô hình “Mẹ đỡ đầu”. Cùng với BĐBP TP Đà Nẵng, mô hình đã được lực lượng BĐBP ở hầu hết các tỉnh, thành triển khai thực hiện như: Lạng Sơn, Sơn La, Thanh Hóa, Kon Tum, Bình Định, Long An,… Mô hình được cán bộ, hội viên phụ nữ BĐBP thực hiện với mong muốn cùng chung tay hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch COVID-19, mong các em được phát triển một cách toàn diện trong môi trường sống an toàn, lành mạnh của gia đình và cộng đồng, được đảm bảo các quyền trẻ em theo quy định của pháp luật.

Theo đó, tổ chức Hội Phụ nữ đã phối hợp cùng đơn vị kết nghĩa, cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc lựa chọn các em để nhận đỡ đầu. Chú trọng các em mồ côi do tác động của dịch COVID-19 như mồ côi cả cha và mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ, không nơi nương tựa hoặc có người nuôi dưỡng nhưng thuộc diện hộ nghèo, gia đình khó khăn,... Bên cạnh hỗ trợ vật chất từ nguồn kinh phí do cán bộ, hội viên phụ nữ tiết kiệm và vận động các đơn vị hảo tâm, tổ chức Hội Phụ nữ các cơ quan, đơn vị BĐBP còn thường xuyên gần gũi, động viên các em được nhận đỡ đầu; phối hợp cùng các nhà trường để tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tập, rèn luyện.

Đại diện lãnh đạo BĐBP Bình Định, Hội Phụ nữ BĐBP Bình Định và các đơn vị tặng quà cho cháu bé được nhận đỡ đầu. Ảnh: Thanh Bình.

Thực tế cho thấy, trước tác động của đại dịch COVID-19, tại nhiều địa phương trong cả nước, không ít trẻ em đã rơi vào hoàn cảnh mồ côi, mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, người thân. Đây là mất mát, thiệt thòi lớn đối với các em, nhất là với những em tuổi đời còn quá nhỏ. Hơn lúc nào hết các em rất cần sự hỗ trợ, đùm bọc từ cộng đồng, giảm bớt khó khăn, giúp các em sớm tìm được một điểm tựa trong cuộc sống; các em rất cần nhận được sự quan tâm đặc biệt và giải pháp toàn diện để hỗ trợ chăm sóc trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Đến nay, với sự chung tay của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tại các cơ quan, đơn vị BĐBP, đã có hàng trăm lượt trẻ em mồ côi được hỗ trợ, giúp đỡ từ mô hình “Mẹ đỡ đầu”. Sự lan tỏa của mô hình “Mẹ đỡ đầu” do cán bộ, hội viên phụ nữ BĐBP thực hiện chứa đựng một ý nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam, tô đẹp thêm hình ảnh những nữ quân nhân mang quân hàm xanh trong lòng nhân dân khu vực đơn vị đóng quân.

Để mô hình “Mẹ đỡ đầu” tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới tổ chức Hội Phụ nữ tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm động viên, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, các đơn vị hảo tâm cùng tham gia thực hiện mô hình. Đồng thời, đa dạng các hình thức hỗ trợ, giúp đỡ các em được nhận đỡ đầu để các em có thêm nghị lực vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trở thành con ngoan, trò giỏi.

Tuy thời gian triển khai chưa lâu, song có thể thấy “Mẹ đỡ đầu” thực sự là một mô hình giàu tính nhân văn. Tinh thần trách nhiệm, tình cảm thương yêu của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ BĐBP và sự chung sức, đồng hành của các tổ chức, cá nhân hảo tâm sẽ là cơ sở để mô hình “Mẹ đỡ đầu” tiếp tục được nhân rộng, qua đó vừa lan tỏa những giá trị tốt đẹp, vừa giúp đỡ các trường hợp trẻ em mồ côi do tác động của dịch COVID-19./.

Nguyễn Thị Phượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực