Năm 2010, Việt Nam trực tiếp chịu 6 - 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới

Thứ ba, 23/03/2010 16:27

  
Năm 2009, tính đến tháng 11 đã xuất hiện 3 đợt áp thấp nhiệt đới và 11 cơn bão trên biển Đông. Cơn bão số 9 và số 11 di chuyển nhanh với cường độ mạnh đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho nhân dân. 
Trong năm 2010, sẽ có từ 6 - 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam (trung bình nhiều năm là 5 – 6 cơn), tương đương với năm 2009. Tình hình thời tiết, thủy văn sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp.

Nhận định xu thế mùa mưa, bão, lũ năm 2010, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông năm nay có khả năng xấp xỉ trung bình nhiều năm, trong đó sẽ có từ 6 - 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.

Về nhiệt độ, trên phạm vi cả nước, nền nhiệt độ toàn mùa ở các khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Trong những tháng nửa đầu mùa hè, các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra các đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài hơn năm 2009.

Ngay từ đầu năm, nắng nóng khô hạn kéo dài không chỉ đe dọa nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của nhân dân, dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao ở một số địa phương.

Về lượng mưa, trên phạm vi cả nước, lượng mưa toàn mùa phổ biến ở mức thấp hơn không đáng kể so với trung bình nhiều năm. Đối với Bắc Bộ, mưa lớn sẽ tập trung vào các tháng từ tháng 6 – 8/2010. Ở Trung Bộ, mưa lớn tập trung vào các tháng cuối mùa tại các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ. Ở Nam Bộ và Tây Nguyên, có khả năng mùa mưa đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm, mưa tập trung nhiều vào nửa cuối mùa.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cũng cho biết, đỉnh lũ cao nhất năm 2010 trên các sông chính ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 7 và 8; trên các sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận vào tháng 8, 9; từ Nghệ An đến Quảng Bình và Tây Nguyên vào tháng 9, 10; các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận vào tháng 10, 11 và trên sông Tiền, sông Hậu vào cuối tháng 9, đầu tháng 10.

Kinh nghiệm nắm thông tin ứng phó với mưa bão của Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng

Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng, Đại tá Dương Đề Dũng cho rằng, thông tin về số lượng bà con ngư dân đang hoạt động trên biển khi có tin bão đổ bộ về cần được xác định đầy đủ, chính xác.

Để làm được điều này, trước hết phải có những quy ước liên lạc riêng của từng đồn biên phòng với các tàu đánh bắt cá cụ thể bởi bà con ngư dân khi đánh bắt trên biển thường muốn giấu ngư trường đối với các tàu khác.

Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng vừa kết hợp sử dụng lực lượng hành chính vừa kết hợp với lực lượng trinh sát để khi không nắm được tin trên biển thì nắm thông tin từ người nhà ngư dân, vì ngư dân thường thông tin về nhà cho người thân. Ngoài ra, trước và sau mỗi chuyến đi biển, bà con phải ký cam kết thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên với địa phương và bộ đội biên phòng, từ đó tạo thành thói quen đối với mỗi bà con ngư dân đi biển.

Trên cả nước, năm 2009, lực lượng bộ đội biên phòng đã điều động được trên 23.100 chiến sỹ với gần 1.860 lượt phương tiện để phòng chống có hiệu quả những đợt áp thấp nhiệt đới và bão trên.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực