Nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình tập hợp nữ công nhân

Thứ sáu, 08/12/2017 19:55
(ĐCSVN) – Ngày 8/12, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp cùng Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình tập hợp nữ công nhân lao động (CNLĐ) tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-CX) hiện nay”.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Minh Châu

Hội thảo là hoạt động cụ thể hóa Chương trình phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 2017-2022 và là bước cụ thể hóa nhằm triển khai có hiệu quả Thông báo kết luận số 22/TB-TW ngày 11/4/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 80/KL-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết, một trong những nội dung quan trọng mà Thông báo kết luận số 22/TB-TW ngày 11/4/2017 đề cập là việc lồng ghép hoạt động của Hội Phụ nữ với hoạt động nữ công của công đoàn trong doanh nghiệp. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn và phù hợp thực tiễn mà Đảng tiếp tục khẳng định và lãnh đạo các cấp ủy đảng tiếp tục triển khai.

Trong những năm qua, hoạt động phối hợp giữa tổ chức Công đoàn Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam đã được triển khai từ cấp Trung ương đến địa phương. Mục tiêu của hai tổ chức đều hướng tới việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ. Tuy nhiên, hoạt động phối hợp nhiều lúc, nhiều nơi còn chồng chéo, hình thức, chưa hiệu quả. Cách thức xây dựng các mô hình tập hợp nữ công nhân lao động còn lúng túng, ở nhiều nơi chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nội dung hoạt động thiếu cụ thể, đơn điệu, chưa thực sự hấp dẫn đoàn viên, hội viên và người lao động.

Mặt khác, với tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ, từ nay đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Như vậy, dự báo số doanh nghiệp, số lao động sẽ tăng nhanh trong đó có bộ phận lao động nữ tham gia quan hệ lao động ngày càng tăng. Cùng với những đóng góp của chị em thì phụ nữ nói chung và lao động nữ nói riêng vẫn còn đứng trước những khó khăn, thách thức về điều kiện lao động, cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến cũng như áp lực về kinh tế và chất lượng cuộc sống. Đời sống của một bộ phận nữ CNLĐ tại các KCN vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nữ CNLĐ ngoại tỉnh. Vấn đề về nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, nhu cầu sinh hoạt và tiếp cận các dịch vụ, thụ hưởng văn hóa, vui chơi giải trí còn rất hạn chế; vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả các mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm tăng cao đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nữ CNLĐ. Tình trạng mất cân bằng giới trong lực lượng lao động ở một số ngành, lĩnh vực, ở một số KCN-CX rất đáng lo ngại, có doanh nghiệp do đặc thù tỷ lệ nữ chiếm 80 - 90%. Phương thức tập hợp lao động nữ ở khu nhà trọ hiện nay còn nhiều vấn đề đặt ra phải nghiên cứu, tình hình thế giới và trong nước sẽ tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tạo ra cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen tác động trực tiếp tới vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động, trong đó có lao động nữ, bà Hồng nói.

Tại Hội thảo, ý kiến của đại biểu các địa phương cho thấy, đã có một số mô hình, cách làm tập hợp được sự tham gia của lao động nữ; nhiều vấn đề mà lao động nữ quan tâm, bức xúc đã phần nào được giải quyết. Tuy nhiên, việc phối hợp đề xuất giải pháp hỗ trợ nữ CNLĐ giải quyết những vấn đề liên quan đến thu nhập, đời sống, nhà ở, mô hình tập hợp nữ CNLĐ ở khu nhà trọ vẫn chưa thực sự quyết liệt.

Ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo sẽ là cơ sở để Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn và Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đề ra các giải pháp tập hợp lao động nữ vào tổ chức Công đoàn và tham gia các hoạt động do Trung ương Hội triển khai góp phần chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho lao động nữ./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực