Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang). Ảnh: Bảo Yến
Theo đại biểu Kim Bé, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng nông nghiệp trù phú của đất nước, với trọng trách rất quan trọng là bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước, nhưng hiện đang đứng trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Hiện đang có 11/13 tỉnh thuộc ĐBSCL bị xâm nhập mặn, 9/13 tỉnh đã công bố thiên tai.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chỉ ra, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại tại ĐBSCL trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, về trồng trọt, thiệt hại về cây trồng khoảng 210 ngàn ha, có khoảng 1 đến 3 triệu người bị thiếu nước ngọt trong sinh hoạt hàng ngày. Rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ đang ở mức độ cảnh báo cháy ở cấp 4, 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Nắng nhiều, thiếu nước ngọt bổ sung, nhiều cánh đồng nuôi tôm của ĐBSCL khó phát triển và sinh trưởng.
Có thể nhận thấy, nhiều cánh đồng sản xuất lúa đang chết cháy vì nước mặn xâm nhập. Xâm nhập mặn không chỉ gây thiệt hại cho trồng trọt mà còn tác động đến sinh hoạt hàng ngày của bà con nhân dân. "Nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời thì ĐBSCL từ vùng trù phú sẽ nằm trong tình trạng đói và khát”, đại biểu nói.
Cũng theo đại biểu Kim Bé, chưa bao giờ ĐBSCL lại đứng trước khó khăn như hiện nay. Tác động của biến đổi khí hậu buộc nơi đây phải quy hoạch lại các vùng sản xuất. Đại biểu Quốc hội và bà con vùng ĐBSCL có thông tin sắp có nước ngọt trở lại vùng này. Đây là tin vui, nhưng về căn cơ chúng ta cũng không thể trông chờ vào sự chia sẻ nước ngọt từ các nước ở thượng nguồn sông Mê Kông.
“Tôi thiết nghĩ biến đổi khí hậu tác động đến ĐBSCL đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước cảnh báo nhiều năm rồi. Nghĩa là ta đã biết khá lâu, nhưng việc chuẩn bị ứng phó với thiên tai cho vùng này các ngành chức năng quan tâm chưa kịp thời”, đại biểu nói.
Đại biểu Kim Bé lấy dẫn chứng về tình trạng của tỉnh Kiên Giang. Theo đó, việc xây dựng cống ngăn mặn, Đề án đã được Bộ NN&PTNT xây dựng từ lâu, trong đó Kiên Giang cũng đã được đầu tư vài chục cống nhưng hiện nay mới xây được 6 cống. Theo đại biểu, Kiên Giang là một tỉnh có nhiều kênh rạch, nếu như đầu tư khép kín đê bao, cống ngăn mặn sẽ chặn được tác động xấu của xâm nhập mặn đối với các tỉnh nằm trong khu vực.
“Tác động của biến đổi khí hậu đối với ĐBSCL cũng như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ nhanh, mạnh hơn dự báo. Nhân dân các vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rất cần sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước. Trước mắt cần hỗ trợ kịp thời cho các vùng công bố thiên tai để ổn định đời sống nhân dân. Về lâu dài, cử tri kiến nghị Chính phủ, các ngành chức năng cần ưu tiên cấp bách đầu tư khép kín cho đê bao của ĐBSCL để bảo đảm giữ nước ngọt. Đồng thời, cần quy hoạch lại cho ĐBSCL về đất sản xuất nông nghiệp để ĐBSCL thực hiện tốt nhiệm vụ cả nước giao cho là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia”, đại biểu đề xuất./.