Nghệ nhân khuyết tật giúp người đồng cảnh thoát nghèo...

Chủ nhật, 09/08/2020 18:48
(ĐCSVN) – “Người khuyết tật như chúng tôi vẫn có thể tạo ra những giá trị cuộc sống tốt đẹp...” - Đó là lời tâm sự của nghệ nhân khuyết tật Hoàng Thị Khương - người vẫn ngày đêm miệt mài đào tạo nghề cho hàng trăm người đồng cảnh ngộ thoát nghèo bằng nghề thêu tay truyền thống của quê hương Quất Động (Thường Tín, Hà Nội)...

Hành trình vượt lên số phận

Thêu có ở nhiều nơi, nhưng để đạt đến độ tinh xảo và điêu luyện thì có lẽ phải kể tới làng nghề thêu Quất Động. Nằm ven đường quốc lộ 1A, làng Quất Động thuộc xã Quất Động, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội được mệnh danh là quê hương “đất tổ” của nghề thêu tay truyền thống Việt Nam. Nơi đây, có những con người luôn đam mê và nhiệt huyết với nghề. Điển hình trong đó là Nghệ nhân Hoàng Thị Khương – một người khuyết tật với nghị lực sống kiên cường đã luôn quyết tâm giữ và phát triển nghề thêu tay cổ truyền.

Buổi sáng chớm thu, chúng tôi tìm đến nhà của người nghệ nhân 54 tuổi, Hoàng Thị Khương ở  xóm 1, đội 5, xã Quất Động, huyện Thường Tín. Bước chân khập khiễng, chiếc lưng còng, cô Khương dẫn tôi vào căn nhà cấp 4 đơn sơ. Trò chuyện mới thấy, cô là người lạc quan nhưng cũng có nhiều tâm tư. Sinh ra vốn khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác. Thế nhưng, khi được ba tháng tuổi, chỉ sau một trận ốm rất nặng, một bên chân của cô bị liệt vĩnh viễn. Bàn chân teo tóp khiến những bước đi tập tễnh, mọi chuyện sinh hoạt cũng trở nên khó khăn hơn. Không để trở thành gánh nặng cho gia đình, ngay từ khi còn nhỏ, cô Khương đã ý thức được rằng bản thân phải tự mình vươn lên.

Ông trời lấy đi của cô đôi chân lành lặn nhưng bù lại cho cô trí thông minh và đôi bàn tay khéo léo. Cô được sinh ra trong một gia đình có truyền thống thêu tranh thủ công. Trong khi các bạn đồng trang lứa vui chơi, chạy nhảy, cô chỉ biết ngồi một chỗ, thời gian ở nhà nhiều hơn. Chính vì thế, cô Khương được tiếp xúc và yêu nghề ngay từ khi còn nhỏ tuổi. Lên 8 tuổi, cô Khương được mẹ dạy cầm kim và thêu những mũi chỉ đầu tiên. Mọi sự ban đầu đều rất khó khăn, đặc biệt đối với một người khuyết tật như cô. Bắt đầu từ những hình thù đơn giản như: đồng xu, bông hoa, con vật... dần dần cô tập thêu những họa tiết đòi hỏi kĩ thuật khó hơn..

“Những ngày đầu, bị kim đâm vào tay, chảy máu rất đau. Mỗi lần như thế tôi lại tự nhắc mình phải cẩn thận hơn. Lúc nào đi học về, để chiếc cặp xuống là tôi cắm cúi vào thêu, không còn nghĩ gì nữa”, cô Khương vui vẻ kể. Ban đầu, xuất phát từ suy nghĩ bản thân sức yếu thì cố gắng giữ lấy nghề thêu làm bạn tri kỉ nhưng lâu dần trở nên “say nghề”. Từ đó đến nay, nghề thêu tay như đã “ngấm” vào trong máu, trở thành một phần không thể thiếu đối với cô.

 Nghệ nhân khuyết tật Hoàng Thị Khương miệt mài sáng tạo bên khung tranh thêu. (Ảnh: NM).
  
Bằng nghị lực sống kiên cường, niềm say mê sáng tạo không ngừng, cô Khương đã cho ra đời những bức tranh thêu tay đoạt giải cao, vươn tầm thế giới. Thưởng thức những tác phẩm của cô, không ai có thể ngờ rằng đó là sản phẩm thêu tay của một người khuyết tật. Không được đi đó đây, tham quan du lịch như bao người, nhiều tác phẩm của cô được hình thành bằng trí tưởng tượng phong phú. Chính vì thế, mỗi bức tranh đều mang một hơi thở và sức sống mãnh liệt khiến người xem không thể rời mắt.

Gần đây nhất, tác phẩm tranh thêu “Hồn quê” của cô đạt giải Nhì tại cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2019. Những tác phẩm của cô đã có cơ hội vươn ra thế giới qua hội thảo quốc tế về nghệ thuật hòa nhập có tên Sambhav 2019 dành cho người khuyết tật tổ chức tại Thủ đô Niu Đê-li (Ấn độ)... Có bức tranh được trả giá gần nửa tỷ đồng nhưng cô quyết không bán. Khi được hỏi về lí do, cô chia sẻ: “Nhiều người bảo tôi gàn dở vì khách trả giá cao mà không bán. Sở dĩ, đó là những bức tranh tôi đã dành tất cả tâm huyết, công sức và toàn bộ thời gian, thậm chí mất hàng chục năm mới hoàn thành nên không muốn bán đi. Với tôi, đó thự sự là đứa con tinh thần quý báu...”. Những bức tranh được cô giữ lại với một ước muốn ấp ủ từ lâu là mở một phòng tranh triển lãm để lưu giữ các tác phẩm thủ công truyền thống của quê hương.

Ghi nhận sự cố gắng vượt lên chính mình và niềm say mê theo đuổi nghề thêu tay, lưu giữ giá trị truyền thống của cha ông, năm 2015, cô Khương – người khuyết duy nhất trong xã Quất Động đã vinh dự được Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu Nghệ nhân. 

Giúp người đồng khổ vượt lên chính mình

Cùng với sự vận động của dòng chảy cuộc sống, cũng giống như không ít nghề truyền thống khác, nghề thêu tay ở xã Quất Động đang dần bị mai một. Những năm trở lại đây, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất tranh thêu chiếm ưu thế, làm số người thêu tay truyền thống còn rất ít.

Vốn là người có ý thức vươn lên, để thuận tiện cho sản xuất cũng như gìn giữ nghề truyền thống, nghệ nhân khuyết tật Hoàng Thị Khương đã quyết định mở xưởng dạy thêu tay miễn phí tại nhà với ý định giúp các chị em khuyết tật có thêm công ăn việc làm. Cô Khương tâm sự: “Sinh ra không được lành lặn đã khổ, bị cái nghèo bủa vây lại càng bất hạnh. Bản thân tôi là người khuyết tật nên tôi hiểu rõ cảm giác của những người đồng cảnh ngộ. Không thể làm việc nặng nên nghề thêu truyền thống phần nào sẽ giúp những người như chúng tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Không phân biệt tuổi tác, bất kì ai muốn học nghề hoặc có nhu cầu nâng cao tay nghề đều được cô chỉ dạy. Học trò được cô uốn nắn tỉ mẩn từng đường kim, mũi chỉ. Cô hướng dẫn cách cầm kim, phối màu và tưởng tượng cảnh vật như thế nào... Cô dạy cho người học tất cả kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp... Tính đến nay, cô đã dạy nghề cho gần 500 người trong thôn và trẻ em, người khuyết tật ở các nơi như Hà Nội, Hà Giang, Quảng Ninh, Hà Tĩnh…

 Cô Hoàng Thị Sinh, đến lớp học của cô Khương để nâng cao tay nghề. (Ảnh: NM)

Cô Hoàng Thị Sinh xúc động chia sẻ: “Mỗi người đến đây đều có hoàn cảnh rất đặc biệt, không ai giống ai, ban đầu mọi thứ đối với các bạn đều khó khăn. Cô Khương luôn dặn các học trò, điều quan trọng ở một người thêu tranh thủ công đó là sự kiên trì”. Chính thế mới thấy, để tạo ra những sản phẩm tranh thêu đạt đến độ tinh xảo thì không phải là điều đơn giản. Bức tranh có hồn, có chiều sâu còn phụ thuộc rất nhiều vào người thêu. Đối với người khuyết tật lại càng không phải chuyện dễ. Sự tỉ mỉ và tính kiên trì là yếu tố rất cần thiết. Nhưng có lẽ, quan trọng hơn cả là vai trò của một người thầy truyền cảm hứng. Và cô Khương  đã làm được điều đó. Cô không chỉ thắp lên ngọn lửa về nghị lực sống mà còn giúp người khuyết tật có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định.

Không ngừng cống hiến cho xã hội, năm 2016, cô Khương được bầu làm Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Thường Tín (Hà Nội). Làm tốt vai trò của mình, cô cùng các thành viên trong hội đã tổ chức nhiều chiến dịch quyên góp, tặng quà hỗ trợ đến các gia đình có người khuyết tật để động viên, chia sẻ.

Đến nay, sau hơn 40 năm gắn bó với nghề, Nghệ nhân khuyết tật Hoàng Thị Khương đã có nhiều đóng góp trong gìn giữ, quảng bá và phát triển nghề thuê tay truyền thống của quê hương. Mong ước của cô là có thể giúp những người đồng cảnh ngộ nhiều hơn nữa để không ai bị bỏ lại phía sau. Cô chính là tấm gương “Người tốt việc tốt” đáng quý, xứng đáng để mọi người noi theo./.

Ngọc Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực