Ngư dân Đà Nẵng đồng loạt đưa phương tiện lên bờ tránh bão

Chủ nhật, 25/09/2022 18:19
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Theo dự báo, bão số Noru sau khi vào Biển Đông sẽ là cơn bão số 4 đổ bộ vào bờ biển nước ta. Theo đó, trọng tâm bão số 4 đổ bộ là các tỉnh miền Trung và Đà Nẵng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Trước dự báo trên, đến nay các cấp chính quyền và Nhân dân TP Đà Nẵng, đặc biệt là bà con ngư dân địa phương đang chủ động, tập trung triển khai công tác phòng chống, sẵn sàng ứng phó với cơn bão này.

Miền Trung sẵn sàng ứng phó với bão Noru

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4

leftcenterrightdel
Ngư dân Đà Nẵng đưa phương tiện lên bờ tránh bão.

Theo chân đoàn công tác của quận Sơn Trà, chúng tôi có mặt tại bãi biển Mân Thái- một trong những địa bàn có số lượng tàu thuyền và các phương tiện đánh bắt đông nhất, nhì của quận Sơn Trà.

Tại hiện trường, trực tiếp chứng kiến bà con ngư dân chủ động hỗ trợ và sử dụng các phương tiện để trục vớt, đưa phương tiện đánh bắt lên bờ nhằm tránh thiệt hại do bão số 4 đổ bộ gây nên.

Ngư dân Nguyễn Văn Thảo (60 tuổi), trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà cho biết, từ chiều hôm qua (24/9), nhiều tổ công tác của Quận, Phường chia nhau trực tiếp đến từng hộ dân để tuyên truyền, thông báo về cơn bão Noru (bão số 4), giúp các hộ dân, nhất là những hộ có các phương tiện đánh bắt đang neo đậu dưới biển hay có tàu xa bờ biết được sự nguy hiểm, phức tạp của cơn bão này. Từ đó chủ động liên lạc với các phương tiện gia đình còn ở ngoài khơi (nếu có) khẩn trương vào bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão. Đồng thời, với các hộ đã đưa phương tiện vào nêu đậu gần bờ, nhanh chóng đưa phương tiện lên bờ để đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại do bão số 4 gây ra.

“Bản thân tôi cũng là thành viên Hội nghề cá và tham gia Chi hội Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ở địa phương, tôi càng ý thức mình phải gương mẫu để các hộ khác làm theo. Vì thế, ngay từ sáng hôm nay tôi đã chủ động đưa thuyền thúng và các phương tiện đánh bắt có liên quan của mình lên bờ. Ngoài ra, tôi cũng vận động, kêu gọi nhiều hộ khác cũng đưa thuyền thúng và các phương tiện đánh bắt lên bờ để tránh thiệt hại do bão gây ra. Ban đầu, một số hộ đánh bắt gần bờ còn chủ quan cho rằng bão vẫn đang ở xa, phải 2 ngày nữa mới vào bờ nên muốn ra khơi thêm đêm nay nữa rồi ngày mai đã đưa thuyền lên bờ. Thế nhưng, trước sự tuyên truyền, phân tích của các đoàn công tác; bản thân nhiều ngư dân ý thức được trách nhiệm đã tiếp tục vận động những hộ khác để cùng đưa thuyền lên bờ tránh bão trước chiều tối nay. Nhờ đó, đến 16h chiều 25/9, đã có trên 100 hộ dân toàn phường có thuyền thúng và các phương tiện đánh bắt gần bờ đã đưa thuyền và phương tiện lên bờ an toàn”- ngư dân Nguyễn Văn Thảo cho hay.

leftcenterrightdel
 Ngư dân quận Sơn Trà dùng cần cẩu đưa thuyền thúng lên bờ để tránh bão.

Trong khi đó, tại phường Thọ Quang, theo nhiều ngư dân, đến 16h chiều nay (25/9), hầu hết bà con ngư dân trên địa bàn phường đã đưa thyền thúng và các phương tiện nhỏ đánh bắt gần bờ lên bờ an toàn. Trong khi đó, các phương tiện đánh bắt xa bờ đều đã vào tránh trú bão tại âu thuyền Thọ Quang.

Ngư dân Nguyễn Văn Bốn (62 tuổi), trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng cho biết, đến chiều nay toàn bộ hơn 100 hộ có thuyền thúng đánh bắt gần bờ như ông đều đã đưa thuyền lên bờ để tránh bão. “Từ trưa hôm qua đến nay, chúng tôi liên tục được các lực lượng chức năng của Quận và Phường đến tuyên truyền, yêu cầu đưa phương tiện lên bờ để tránh thiệt hại do bão gây ra. Hơn nữa, hơn ai hết, mỗi ngư dân chúng tôi là những người đã từng chứng kiến sự tàn phá của nhiều cơn bão. Do đó, tài sản của mình thì mình giữ lấy, nếu chủ quan neo đậu dưới biển, bão mạnh như bão số 4 lần này chắc chắn sẽ đánh chìm, gây hư hỏng. Chính quyền đã đến tuyên truyền mà vẫn cố tình, nếu phương tiện đánh bắt bị hư hỏng sẽ không được hỗ trợ, đền bù. Đây là nguyên tắc mà mọi ngư dân như chúng tôi đều rõ nên càng phải chủ động, tự giác giữ gìn tài sản của mình”- ngư dân Nguyễn Văn Bốn chia sẻ.

leftcenterrightdel
Tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng vào tránh bão tại âu thuyền Thọ Quang. 

Cho biết về tình hình tàu thuyền của ngư dân trên địa bàn, đồng chí Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà thông tin: Toàn quận có 488 tàu xa bờ và 260 phương tiện đánh bắt gần bờ. Đến 16h chiều nay (25/9), 100% tàu xa bờ đã vào bờ và hiện đang neo đậu an toàn tại âu thuyền Thọ Quang. Trong khi đó, với 260 phương tiện đánh bắt xa bờ, đến nay qua tuyên truyền, vận động chỉ còn 12 phương tiện vẫn còn neo đậu ngoài biển, chưa được đưa lên bờ. Hiện các đoàn công tác của Quận và các phường tiếp tục tuyên truyền, vận động để các hộ này trong chiều nay (25/9) sẽ đưa các phương tiện này lên bờ.

“Từ trưa hôm qua (24/9), Quận Sơn Trà đã chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương thành lập các đoàn công tác, kết hợp với lực lượng biên phòng đến từng tổ dân phố và từng hộ dân để tuyên truyền, thông tin về cơn bão Noru (bão số 4). Ngoài động viên, các lực lượng chức năng của Quận và các phường cũng đồng hành, giúp ngư dân đưa các phương tiện lên bờ. Đối với các tàu lớn không thể đưa lên bờ đều được đưa vào âu thuyền Thọ Quang để neo đậu an toàn. Về cơ bản, đến cuối giờ chiều nay (25/9), tất cả các phương tiện đánh bắt của ngư dân trên địa bàn quận Sơn Trà đều được neo đậu an toàn hoặc được đưa lên bờ để tránh thiệt hại do bão gây ra”- Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Huỳnh Văn Hùng cho biết thêm./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực