Người dân ở miền núi chưa thể sống ổn định được với nghề rừng

Thứ sáu, 01/04/2016 18:11
(ĐCSVN) - Đánh giá về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2015, đại biểu Hoàng Việt Phương (tỉnh Tuyên Quang) cho biết, trong 5 năm qua, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện kế hoạch quy hoạch sử dụng đất còn nhiều tồn tại cần giải quyết.

 

(Đại biểu Hoàng Việt Phương. Ảnh: Lê Thơm)

 Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 1/4, đại biểu Hoàng Việt Phương bày tỏ: Quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ với quy hoạch của các ngành, chưa đảm bảo tính liên vùng và chưa đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Việc thực hiện quy hoạch chưa nghiêm, tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ những nội dung quy hoạch không còn phù hợp với thực tế chưa được coi trọng, việc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị, khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ với một diện tích lớn dẫn đến tình trạng đất đai bị khoanh bao, đầu tư hạ tầng tốn kém, dàn trải nhưng khả năng thu hút đầu tư thấp.

Về việc quản lý đất đai theo quy hoạch, đại biểu cho biết, nhiều nơi lợi dụng việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để làm lợi cho cá nhân hay một nhóm người. Một số nơi do nôn nóng trong phát triển công nghiệp muốn tranh thủ các nhà đầu tư nên đã cho phép thu hồi san lấp mặt bằng, một lượng lớn đất nông nghiệp để lập khu công nghiệp, sau đó do thiếu vốn nên các dự án thực hiện cầm chừng, đất đai bị bỏ hoang trở thành dự án treo. Người bị tịch thu đất mất việc làm dẫn đến lãng phí nguồn lao động và tài nguyên đất đai. Việc chuyển đổi một số lượng lớn đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp trong một thời gian ngắn, nhất là tại các vùng trồng lúa có điều kiện canh tác tốt, thiếu cân nhắc đến hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, môi trường lâu dài đã tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của một bộ phận nông dân. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu kiện đông người diễn ra trong một thời gian dài gây nên tình trạng mất ổn định về an ninh, chính trị, trật tự và an toàn xã hội.

Theo đại hiểu Phương, việc dồn điền, đổi thửa đã thực hiện từ lâu, nhưng đến nay, ở nhiều nơi vẫn còn bị phân bố, manh mún, gây trở ngại lớn cho việc ứng dụng khoa học, cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Về đất lâm nghiệp, diện tích rừng tuy có tăng nhưng rừng tự nhiên vẫn tiếp tục bị tàn phá, suy giảm cả về chất lượng và số lượng. Việc quản lý rừng còn nhiều bất cập, tác động của sản xuất lâm nghiệp đối với quá trình xóa đói, giảm nghèo còn nhiều hạn chế. Đa số người dân ở miền núi chưa thể sống ổn định được với nghề rừng. Do đó, công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng còn rất nhiều khó khăn. Việc bố trí các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và đặc biệt là các khu dân cư, bám sát các trục đường chính đã ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mất cảnh quan đô thị, gây lãng phí trong đầu tư và hạn chế khả năng nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông…

Nói về nguyên nhân, quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chưa đồng bộ, đại biểu Phương cho biết: “Trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, căn cứ để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn dựa trên nhiều loại quy hoạch khác nhau. Xong các quy hoạch này chưa kết nối với nhau, quy hoạch của các ngành thường vượt ra ngoài khung của quy hoạch sử dụng đất, từ đó dẫn đến tình trạng quy hoạch đất bị phá vỡ, bị vô hiệu hóa, thiếu những chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm. Năng lực cán bộ làm công tác quy hoạch còn hạn chế, còn mang tính cục bộ, tính lợi ích. Việc đầu tư cho việc lập quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc thực thi pháp luật chưa được nghiêm minh, v.v... “.

Từ những thực trạng nêu trên, đại biểu đề nghị: Cần có giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt coi trọng dự báo chính xác về nhu cầu quỹ đất cho phát triển các ngành, các lĩnh vực, tính toán khoa học sát với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và phải cần cân nhắc giữa hiệu quả kinh tế - xã hội với môi trường nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong sử dụng đất, phát huy cao nhất tiềm năng đất đai. Cần có sự phối hợp chặt chẽ với giữa các bộ, ngành và địa phương trong công tác lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

“Quy hoạch sử dụng đất cần phải đảm bảo tính đồng bộ, tính liên vùng và phát huy được thế mạnh của từng vùng nhưng phải đảm bảo phát triển hài hòa của khu vực. Ưu tiên bố trí đủ quỹ đất cho lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng xã hội như văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, v.v... một cách phù hợp để nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, phù hợp với tiêu chí của một nước phát triển. Tăng cường khả năng khai thác không gian bên trên, bên dưới mặt đất, không bố trí các khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu công nghiệp, bám sát các trục đường cao tốc quốc lộ”, đại biểu nhấn mạnh.

Về đất nông nghiệp, nhất trí với chuyển đổi đất lúa, đất rừng phòng hộ như tờ trình của Chính phủ, đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, cần nâng cao hệ số và hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; tập trung đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học trong sản xuất nông, lâm nghiệp như giống cây, giống con, điều kiện kỹ thuật canh tác chế biến v.v... nhằm nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.

“Khi chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, thấy rằng mình hô hào người dân đi trồng lúa, rồi trồng rừng. Người dân bảo trồng thì chúng tôi phải đạt hiệu quả kinh tế, giảm nghèo, làm giàu được. Bây giờ không có cơ chế chính sách đủ mạnh để hỗ trợ thì không thể giữ đảm bảo 3,8 triệu hecta đất trồng lúa. Đặc biệt là giữ được rừng, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng trồng”, đại biểu cho biết.

Trước thực trạng trên, đại biểu đề xuất, trong thời gian tới, cần tăng cường chính sách phát triển về nông, lâm, ngư nghiệp. Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho miền núi, biên giới, hải đảo, vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam, tạo điều kiện thu hút nguồn lực để khai thác hiệu quả quỹ đất. Giảm áp lực cho việc chuyển mục đích đất canh tác tại các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng ven biển./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực