Nhiều cách làm hay về dạy nghề lao động nông thôn

Thứ năm, 04/02/2010 16:24

  
Dạy nghề cho nông dân trên đồng ruộng mang lại hiệu quả tốt 
Dạy nghề cho lao động bị thu hồi đất canh tác; đào tạo nghề kết hợp với học văn hóa, dạy nghề trực tiếp trên đồng ruộng… là các giải pháp được các bộ, ngành, địa phương triển khai.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đàm Hữu Đắc, để thực hiện Đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2010 với mục tiêu trung bình hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn (LĐNT), trong đó bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã, các bộ, ngành, địa phương cần sự phối hợp đồng bộ, gắn kết với các doanh nghiệp, lựa chọn đơn vị tham gia triển khai mô hình thí điểm.

Nhiều mô hình mới

Hiện, Bộ LĐTBXH thí điểm một số mô hình dạy nghề cho LĐNT như phối hợp với Tổng công ty Thuốc lá, Tổng công ty Chè tổ chức 8 lớp vùng chuyên canh chè, thuốc lá (Lạng Sơn, Ninh Thuận, Thái Nguyên). Phối hợp với Hiệp hội làng nghề, Hội làm vườn tổ chức 10 lớp dạy nghề cho lao động làng nghề truyền thống, 22 lớp dạy nghề nuôi trồng thuỷ sản, gia cầm, trồng rau an toàn ở quy mô nông hộ.

Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam cũng vào cuộc với Bộ để triển khai mô hình đặt hàng dạy nghề cho lao động bị thu hồi đất canh tác tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Ngoài ra, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) giúp đỡ xây dựng chương trình và tổ chức một số lớp bồi dưỡng giáo viên làm hạt nhân tham gia dạy nghề cho LĐNT.

Đặc biệt, Tổng cục Dạy nghề đã phối hợp với Tổng công ty Thuốc lá thí điểm dạy nghề trồng thuốc lá cho nông dân theo phương pháp “huấn luyện, trao đổi và thực hành ngay trên đồng ruộng”. Mỗi lớp sẽ có khoảng 25 – 30 người, học viên được chia theo nhóm để trình bày quan điểm, kinh nghiệm giải quyết các vấn đề trong thực tiễn sản xuất.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam Quách Kim Anh cho biết. hiện, 3 lớp dạy nghề cho nông dân trồng thuốc lá tại Lạng Sơn đã hoàn thành; 9 lớp dạy nghề cho nông dân tại Cao Bằng, Tây Ninh, Gia Lai, Ninh Thuận đang triển khai. Sau khóa học, các học viên đã có đầy đủ những kiến thức cơ bản về kỹ thuật, chủ động canh tác cây thuốc lá khoa học. Năng suất được tăng cao từ 1,7 tấn/ha lên 2 tấn/ha (khu vực dự án ở Lạng Sơn).

Nhiều cách làm sáng tạo

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020, nhiều địa phương đã tìm ra nhiều giải pháp sáng tạo, giúp LĐNT có điều kiện thuận lợi tiếp cận với nghề.

Huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên là địa phương có số lượng nông dân bị thu hồi đất khá lớn. Tại 5 xã trọng điểm trong vùng quy hoạch, có hơn 5.000 lao động sản xuất nông nghiệp có nhu cầu chuyển đổi nghề mới.

Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Khoa, huyện đã phối hợp với Tổng cục dạy nghề và Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên, đào tạo theo cơ chế đặt hàng cho 400 lao động thuộc các vùng bị thu hồi đất. Hợp tác đào tạo giữa 5 bên là Tổng cục dạy nghề, các Sở liên quan, UBND huyện cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp đã được thực hiện.

Một địa phương khác là tỉnh Nam Định cũng đã chủ động tìm ra giải pháp để đào tạo nghề cho LĐNT hiệu quả. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đức Long, ngoài chương trình đào tạo nghề ngắn hạn, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm hướng nghiệp kết hợp hình thức vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề cho học viên. Cách làm này tạo điều kiện cho LĐNT có nghề khi còn đang đi học, rút ngắn được thời gian đào tạo.

Ông Long cũng cho rằng, muốn dạy nghề cho LĐNT hiệu quả cần xây dựng chương trình bám sát nhu cầu của người học; dựa trên các danh mục, chương trình đạo tạo chung, các địa phương cần chủ động áp dụng phù hợp với thực tiễn, điều kiện của địa phương mình.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực