Nhiều vấn đề rút ra trong xử lý các vụ cháy rừng gần đây

Thứ bảy, 06/07/2019 14:05
(ĐCSVN) - Những ngày qua, nhiều địa phương đã phải “căng mình” đối phó với các vụ cháy rừng. Qua quá trình xử lý những vụ cháy rừng này, chúng ta cũng rút ra nhiều vấn đề trong công tác phòng cháy, cảnh báo, chuẩn bị và tổ chức lực lượng, phương tiện chữa cháy…

Từ cuối tháng 6 đến nay, cùng với tình trạng nắng nóng kéo dài trên phạm vi cả nước, cháy rừng đã xảy ra ở nhiều nơi, nhất là tại khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ. Có thể kể đến loạt 4 vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong ngày 28/6 thiêu rụi 80 ha rừng thông và keo; vụ cháy rừng chiều ngày 30/6 tại huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) gây thiệt hại hơn 20 ha rừng keo; trước đó là 4 vụ cháy rừng vào thời điểm từ 25 - 27/6 tại các huyện: Tuy An, Tây Hòa và thị xã Sông Cầu thuộc tỉnh Phú Yên gây thiệt hại khoảng 160ha rừng trồng, rừng phòng hộ…

Đặc biệt, chỉ trong trong 3 ngày từ 28 - 30/6, trên địa bàn Hà Tĩnh đã liên tiếp xảy ra gần 40 vụ cháy rừng. Ngay sau khi xảy ra các vụ cháy rừng, nhìn chung cấp ủy, chính quyền các địa phương đã phát huy được vai trò của lực lượng tại chỗ trong công tác chữa cháy, khắc phục hậu quả. Trong khi chờ lực lượng, phương tiện các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn đến, các địa phương đã huy động cán bộ, chiến sĩ dân quân tại chỗ, bộ đội địa phương, công an, kiểm lâm và người dân chủ động chữa cháy, tạo đường băng cản lửa chống cháy lây lan. Người dân cả nước thực sự ấn tượng khi các phương tiện thông tin đại chúng truyền đi hình ảnh các đơn vị quân đội, công an và người dân ở một số tỉnh trên địa bàn Quân khu 4, Quân khu 5… không quản ngày đêm, hiểm nguy cùng sát cánh dập lửa, chữa cháy rừng.

Các lực lượng tích cực dập lửa tại vụ cháy rừng ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: LP)

Có thể thấy, trên cơ sở làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, nên sau khi có lệnh, các lực lượng đứng chân trên địa bàn như quân đội, công an, dân quân tự vệ… đã nhanh chóng cơ động lực lượng và phương tiện đến các nơi xảy ra cháy rừng, cùng phối hợp với các lực lượng tham gia dập lửa, di dời người và tài sản nhân dân kịp thời.

Theo thống kê, chỉ tính riêng trong hơn 1 tuần trở lại đây, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã điều động gần 11.000 lượt cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị của quân khu và hàng trăm phương tiện, phối hợp với các lực lượng của địa phương khống chế, dập tắt các đám cháy, bảo vệ tính mạng người dân. Mặc dù vị trí phát sinh đám cháy thường là những khu vực có nhiệt độ cao, khói bụi, rừng rậm, nhưng các lực lượng ở một số tỉnh như Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa... vẫn không quản khó khăn, hiểm nguy, tích cực dập lửa, di chuyển người, tài sản trong vùng nguy hiểm về nơi an toàn. Theo đồng chí Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), các lực lượng tại chỗ đã phát huy vai trò xung kích trong dập lửa chữa cháy, ngăn ngừa các đám cháy bùng phát trở lại; giúp giảm thiểu thiệt hại do các vụ cháy rừng gây ra.

Hàng chục vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn gắn với đợt nắng cao điểm vừa qua đã thực sự gióng lên những hồi chuông cảnh báo về nguy cơ cháy rừng tạo nhiều địa phương. Trong đó, nhiều vụ cháy rừng đã để lại những hậu quả nặng nề như vụ cháy tại rừng thông trên núi Hồng Lĩnh đã thiêu rụi hơn 65 ha rừng thông tại huyện Nghi Xuân. Phần lớn diện tích rừng thông bị cháy đều trên 40 năm tuổi. Trong đó, theo đánh giá bước đầu, chỉ 30% diện tích rừng cháy có khả năng phục hồi. Thời điểm này, một số vụ cháy rừng vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương. Tuy chưa thống kê hết về những hậu quả từ các vụ cháy rừng vừa qua, nhưng chắc chắn thiệt hại tại các vụ cháy rừng nói trên rất lớn; trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường, đời sống sinh hoạt và sinh kế của hàng nghìn người dân.

Hiện nay, nguyên nhân các vụ cháy rừng đang được điều tra làm rõ, song bước đầu các cơ quan chức năng xác định là do thời tiết nắng nóng kéo dài. Đây là nguyên nhân khách quan. Về mặt chủ quan cần phải kể đến việc chủ quan, bất cẩn của một bộ phận người dân. Tuy đã được các cơ quan chức năng cảnh báo về nguy cơ cháy rừng vào thời điểm nắng nóng cao điểm nhưng ý thức sử dụng lửa của một bộ phận người dân còn hạn chế, đặc biệt việc chủ quan khi đốt nương rẫy đã để lửa cháy lan sang các khu rừng lân cận. Điển hình là vụ cháy rừng thông ở Hồng Lĩnh, ngọn lửa làm phát sinh đám cháy là do một người dân đốt… rác trong vườn nhà. Còn vụ cháy rừng tại huyện Tây Hòa (Phú Yên) được cho là có nguyên nhân là do người dân địa phương đốt thực bì sau đó lửa lan ra diện tích rừng xung quanh.

Cận cảnh một góc rừng ở huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên bị thiêu rụi sau vụ cháy ngày 30/6 (Ảnh: LP)

Bên cạnh đó, việc canh trực phòng cháy của lực lượng chức năng còn có những hạn chế nhất định nên khi xảy ra cháy rừng việc chỉ đạo của chính quyền cơ sở tại một số địa phương còn bị động, lúng túng. Trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy của các lực lượng tại chỗ như dân quân, bộ đội còn thiếu và chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Cùng với đó, địa hình rừng núi hiểm trở, xa nguồn nước nên việc đưa lực lượng, phương tiện và lấy nước vào vị trí chữa cháy cũng bị hạn chế. Do vậy, hiệu quả công tác chữa cháy rừng chưa được như mong muốn. Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh thẳng thắn thừa nhận, "nhìn ra được nhiều bất cập từ các vụ cháy liên tiếp trên địa bàn cuối tuần qua và nhất là vụ cháy ở núi Hồng Lĩnh".

Quy luật thời tiết cho thấy, nắng nóng gay gắt và hanh khô tại nhiều địa phương có thể còn tiếp tục kéo dài hết tháng 7. Rất nhiều khu rừng đang ở cảnh báo cháy cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm) nên nguy cơ tiếp tục xảy ra cháy rừng là rất cao. Để chủ động đối phó với nguy cơ cháy rừng, thiết nghĩ các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng cần khẩn trương chỉ đạo, tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Song song với việc tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về công tác phòng, chống cháy rừng và bảo vệ rừng; cần tăng cường công tác canh trực phòng cháy của lực lượng chức năng ở cơ sở. Từng bước tiến hành trang bị phương tiện chuyên dụng cho lực lượng tại chỗ như dân quân, bộ đội vì đây là lực lượng nòng cốt trong công tác chữa cháy và khắc phục hậu quả mỗi khi cháy rừng xảy ra. Các địa phương cũng cần chủ động quy hoạch đường băng cản lửa từ trước, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao về cháy rừng. Đồng thời, có biện pháp xử lý kiên quyết đối với những cá nhân, tập thể thiếu ý thức trong bảo vệ rừng, để xảy ra cháy...

Chủ động phòng chống cháy rừng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Nghiêm túc nhìn lại những vụ cháy rừng trong thời gian gần đây để nhận rõ những tồn tại, hạn chế sẽ là cơ sở giúp các địa phương nâng cao hiệu quả công tác phòng chống cháy rừng; hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và cuộc sống của người dân./.

Lan Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực