Nhọc nhằn đời “cửu vạn”

Thứ ba, 23/03/2010 15:04

  
  Người lao động ngoại tỉnh chờ việc trên phố. Ảnh: Bá Hoạt 
Ăn Tết xong, họ - những người lao động tự do lại lên Hà Nội kiếm việc làm. "Cửu vạn" là một nghề được nhiều người có sức khỏe lựa chọn. Dẫu biết xa quê, đời "cửu vạn" nhọc nhằn, nhưng họ chẳng dám bỏ nghề…

Gánh nặng cơm, áo

Gần trưa, nắng mỗi lúc một gắt, hơn chục lao động trên đường Bưởi, già có, trẻ có vội tản ra, tìm bóng mát dưới hàng cây. Hầu hết họ là dân tứ xứ, đến từ các vùng quê như Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Giang... Họ không từ chối bất cứ công việc nào, từ dọn nhà, lau kính, khuân vác, đến chuyển đồ, xây dựng... miễn là chủ trả công tương xứng.

Anh N.V.T, 32 tuổi, kể cho chúng tôi nghe thâm niên 6 năm "đứng đường" của mình. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê Phù Cừ, Hưng Yên, anh theo mấy người bạn bỏ quê lên đất Hà thành kiếm việc làm thuê. Ngày đầu anh được một ông chủ thuê bốc hàng ở chợ Long Biên, dẫu đang còn sức khỏe nhưng chưa quen việc nên sau mấy hôm làm đêm, đôi vai đau nhức, rồi anh sốt li bì mất cả tuần. Trận ốm đó đúng là "một tiền gà, ba tiền thóc".

Anh Trần Văn Hải quê ở Phố Nối, Hưng Yên, gắn bó với nghề này đã được gần 3 năm. Anh kể, trước đây ở quê, anh làm ruộng nhưng rồi ruộng bị lấy làm khu công nghiệp, nhận tiền đền bù nhưng không công ăn việc làm nên chẳng mấy chốc đã trắng tay. Hết tiền, hết ruộng, anh lên Hà Nội tìm đường kiếm sống. "Chẳng ai làm “cửu vạn” mà khá bao giờ, nhưng nông dân như tôi không làm nghề này thì cũng chẳng biết làm nghề gì", anh Hải ngậm ngùi.

Còn tại chợ Long Biên - nơi tập trung khá đông "cửu vạn". Đầu giờ chiều, nắng vẫn còn gắt, thế nhưng vẫn có hơn chục con người đang quần quật lao động, khuân vác hàng hóa. Ai nấy mặt đen nhẻm, chai sạn, lầm lũi khuân vác. "Đó là chuyện bình thường, vác nặng thì lấy đâu ra sức mà chuyện trò", chị Mai Liên cho hay. Chị Liên gia nhập đội quân "cửu vạn" ở đây hơn chục năm nay nên quá thấu hiểu sự nhọc nhằn của công việc. "Ban đêm, khi mọi người còn đang say giấc thì chúng tôi ngồi trực ở gầm cầu hoặc cổng chợ, chờ xe hàng đến, đợi chủ thuê", chị Liên tâm sự.

Về đâu những mảnh đời?

Trong số những người làm nghề "cửu vạn" có nhiều người tóc đã điểm bạc nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, vẫn gắng sức để kiếm sống. Mỗi tháng trung bình mỗi người kiếm được tầm 2 triệu đồng, ăn uống tiết kiệm cũng dành dụm được vài trăm nghìn gửi về quê nuôi bố, mẹ, con cái.

Anh T. bảo, những hôm đứng cả ngày ở lề đường mà chẳng có ai đến thuê làm, nghĩ cũng tủi thân lắm. "Nghề "cửu vạn" tuy vất vả, bấp bênh nhưng vẫn hơn ở quê mà thất nghiệp. Trong khi đó làm bốc vác, trừ tiền ăn tiêu, thuê trọ, mỗi tháng cũng tiết kiệm được chút ít".

Hầu hết, những người làm nghề "cửu vạn" đều có gia cảnh đặc biệt, họ là những nông dân ở những vùng quê nghèo, không công ăn việc làm, không đồng vốn lên thành phố kiếm sống. Biết là vất vả, mệt nhọc nhưng cũng chẳng ai dám bỏ nghề bởi nói như chị Liên "làm "cửu vạn" không phải bỏ vốn, chỉ phải bỏ sức mà kiếm được đồng tiền, bát gạo cho gia đình nên chúng tôi không bao giờ từ bỏ". Với một người nông dân như anh Hải quanh năm chỉ biết cày bừa, đồng ruộng thế nhưng ruộng ở quê ngày càng ít thì còn biết làm gì. "Rảnh rỗi, không việc làm, ở nhà mãi dễ sinh hư. Thôi thì đành lên phố bán sức lao động vậy", anh Hải tâm sự.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực