Nỗ lực giảm thiểu tai nạn giao thông

Thứ ba, 18/05/2021 13:32
(ĐCSVN) - Hưởng ứng Nghị quyết của Ðại hội đồng Liên hợp quốc về Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu, kể từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã đạt được những kỳ tích trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông với hiệu quả cụ thể, thiết thực...góp phần đem lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho nhân dân.
leftcenterrightdel
 Cảnh sát giao thông phạt lái xe chạy quá tốc độ. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Những kỳ tích ấn tượng

Trong sự phát triển vượt bậc về mọi mặt kinh tế - xã hội trong những năm qua, giao thông vận tải (GTVT) cũng có những bước chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, với lượng phương tiện ngày càng gia tăng nhanh chóng, điều trái ngược là TNGT lại giảm mạnh, giảm sâu với những kỷ lục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Minh chứng rõ nét cho hiệu quả về giảm thiểu TNGT, trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết 88/2011 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo TTATGT với những giải pháp đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GTVT; tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác của người tham gia giao thông; xây dựng văn hóa giao thông. Tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) có nhiều chuyển biến tích cực, số người chết vì TNGT năm 2012 giảm mạnh xuống dưới 10.000 người.

Giai đoạn 2016 – 2020, với điều kiện dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới gia tăng so với giai đoạn 2011 - 2015 (cụ thể: ô tô tăng 58,69% và mô tô tăng 50,88%) nhưng TNGT cơ bản đã được kiềm chế và giảm sâu cả 03 tiêu chí so với giai đoạn trước đây, cụ thể: số vụ giảm (- 42,71%), số người chết giảm (-19,01%) và số người bị thương giảm (-53,91%).

Chia sẻ về kết quả này, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay của toàn xã hội, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT, GTVT. Đặc biệt là công tác giáo dục pháp luật về ATGT được triển khai từ mầm non đến đại học đã từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật; công tác tuyên truyền về ATGT sôi nổi trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, tạo sự tiếp cận dễ dàng cho mọi người dân.

Những thành tựu giảm thiểu TNGT với mục tiêu mang tới cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho người dân của Việt Nam cũng nhận được sự hưởng ứng và hoan nghênh rất lớn của quốc tế. Tiến sỹ Kidong Park – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam bày tỏ, WHO đánh giá mô hình của Ủy ban ATGT Quốc gia Việt Nam là một cách tiếp cận đa ngành thành công về vấn đề ATGT. Sự chỉ đạo mạnh mẽ từ các cấp Chính phủ, đại diện 12 Bộ, ngành và các cơ quan cấp quốc gia, đại diện 63 tỉnh, thành là yếu tố tạo nên thành công.

Ông Greig Craft – Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á nhìn nhận, Việt Nam đã đạt thành quả to lớn trong thập kỷ hành động vì ATGT. Rất nhiều nước tỏ ra ấn tượng với những gì mà Việt Nam đã đạt được.

Chặng đường gian nan

leftcenterrightdel
Đo nồng độ cồn lái xe (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)/ 

Một trong những bước đột phá mạnh mẽ nhất về kéo giảm TNGT gần đây chính là sự “mạnh tay” một cách toàn diện đối với vi phạm nồng độ cồn thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia “cấm tiệt” nồng độ cồn trong máu khi điều khiển phương tiện giao thông. Cùng với đó là Nghị định 100/2019 đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của toàn thể xã hội nhằm tiêu diệt tài xế “ma men”.

Theo đánh giá của ông Khuất Việt Hùng, trong hơn một năm qua, hiệu quả kéo giảm TNGT sau khi thắt chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn đã cho thấy, rượu, bia chính là “gốc rễ” của một phần không nhỏ số vụ TNGT. Tuy nhiên, đến nay, dù Nghị định 100/2019 vẫn được thực thi mạnh mẽ nhưng tổng thể bầu không khí nói chung đã không còn như là “cô dâu mới ngày về nhà chồng”. Không còn sợ như giai đoạn đầu, đâu đó, vẫn có người dân bất chấp, vẫn lái xe sau khi uống rượu, bia.

Chính vì vậy, việc phải "hâm nóng" Nghị định 100/2019 là điều hết sức cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, xử lý vi phạm nồng độ cồn là một chặng đường không dễ dàng, phải thực hiện quyết liệt liên tục, không ngừng nghỉ. Không thể triển khai rầm rộ một thời gian rồi lại nguôi ngoai, lơ là. Điển hình như đợt ra quân cao điểm xử  lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng CSGT toàn quốc kể từ tháng 3 tới nay đã ngay lập tức thiết lập lại mức giảm TNGT như những tháng của năm 2020.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 4 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 4.220 vụ TNGT, làm chết 2.165 người, bị thương 3.113 người. So với 4 tháng đầu năm 2020, số vụ TNGT giảm 290 vụ (-6,43%), số người chết tăng 27 người (1,26%), số người bị thương giảm 192 người (-5,81%). Trong đó, riêng lĩnh vực đường bộ, TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên xảy ra 2.680 vụ, làm chết 2.129 người, bị thương 1.455 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 219 vụ (8,9%), tăng 44 người chết (2,11%), tăng 202 người bị thương(16,12%). 

 

Bài, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực