Nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật phải thiết thực với người lao động và ngưởi sử dụng lao động

Thứ năm, 04/02/2010 08:10

 

 Người lao động cần được tuyên truyền PBPL.
Ảnh: Nguồn Internet

(ĐCSVN)Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ -TB &XH), mặc dù mới được triển khai từ tháng 5/2009, song việc thực hiện Đề án Tuyên truyền phổ biến pháp luật (PBPL) cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2009-2012 bước đầu đã thu được những kết quả tích cực. Song, để Đề án phát huy hiệu quả trong thực tế thì nội dung tuyên truyền PBPL phải thiết thực với người lao động và ngưởi sử dụng lao động.

Chuyển biến về nhận thức ở cấp địa phương về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền PBPL

Theo Bộ LĐ -TB &XH, mặc dù kinh phí triển khai hạn hẹp và thời gian không nhiều, song các Tiểu Đề án (tổng cộng có 5 tiểu Đề án) đã có sự phối hợp, chủ động trong việc thực hiện và đã đạt được những kết quả ban đầu.

Cụ thể, các các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm điều hành từng Tiểu Đề án đã chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành xây dựng kế hoạch, nội dung và dự toán chi tiết để thực hiện cho năm 2009 và cả giai đoạn. Đặc biệt, đã chú ý kết hợp, lồng ghép công việc với công tác chuyên môn và chú trọng nhu cầu của đối tượng.Theo đó, nhận thức của các cơ quan, tổ chức, người lao động và người sử dụng lao động về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và sự cần thiết của Đề án đã có bước chuyển, nhất là cấp địa phương.

Cuộc khảo sát công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật do Tiểu đề án 1 thực hiện tại 80 doanh nghiệp thuộc mọi loại hình tại 16 tỉnh, thành phố trên 3 miền đất nước đã cho thấy khoảng 80% đơn vị đã triển khai công tác này.

Tuy nhiên, Bộ LĐ - TB &XH cho biết việc tuyên truyền chưa được thực hiện tốt và có sự chênh lệch giữa các loại hình doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp dân doanh, đặc biệt là hợp tác xã là những đơn vị thực hiện kém nhất.

Trong khi đó, độ bao phủ của hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động có những hạn chế về quy mô và số lượng, chủ yếu tập trung ở cấp trung ương và cấp tỉnh, thành phố, chưa lan toả đến cấp doanh nghiệp. Hoạt động của các tiều đề án cũng không đồng đều. Cụ thể, tiểu đề án 2 vẫn chưa triển khai việc soạn thảo và ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp. Tiểu đề án 4 mới khởi động ở cấp trung ương và vẫn còn lúng túng.

Hơn thế, nội dung tuyên truyền ở tất cả các loại hình doanh nghiệp còn có sự chênh lệch và chỉ mới tập trung vào một số nội dung có lợi cho người sử dụng lao động như hợp đồng lao động (trên 82% doanh nghiệp thực hiện việc này), an toàn vệ sinh lao động (80,7%), tiền lương (80%) mà ít quan tâm đến các vấn đề liên quan đến quyền lợi thiết thân của người lao động như thoả ước lao động tập thể, BHXH, BHTN, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, đình công và giải quyết tranh chấp lao động.

Tập trung triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả của Đề án

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trưởng ban Điều hành Đề án Phạm Minh Huân, nhiệm vụ đặt ra cho Đề án trong năm 2010 là rất lớn bởi đây là năm thứ 2 thực hiện Đề án để làm cơ sở sơ kết, đánh giá giữa kỳ tạo tiền đề cho việc hoàn thành mục tiêu đặt ra vào năm 2012 và cũng là năm Quốc hội sẽ thông qua 2 dự án luật liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ người lao động và người sử dụng lao động, đó là Bộ luật Lao động sửa đổi và Luật Công đoàn sửa đổi.

Do đó, Thứ trưởng đề nghị các thành viên Ban điều hành cần tăng cường hơn nữa tính chủ động trong việc đôn đốc, giám sát và phối hợp các hoạt động của các tiểu đề án, đặc biệt là ở cấp địa phương.

Đồng thời, Bộ Tư pháp quan tâm hướng dẫn công tác lập kế hoạch và triển khai thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật, cung cấp kịp thời các đề cương tuyên truyền và đào tạo đội ngũ làm công tác này. Theo đó, triển khai ngay từ tháng đầu, quý đầu năm 2010 trên diện rộng và xuống sâu tới các doanh nghiệp theo nguyên tắc nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật phải thiết thực với người lao động và ngưởi sử dụng lao động, hình thức đa dạng và phù hợp với từng đối tượng và các hoạt động phải được tổng hợp, phân tích, báo cáo làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu của Đề án.

Mặt khác, Bộ Tài chính cần khẩn trương xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp tự tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật và sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 63/2005/TT-BTC nhằm tạo điều kiện đảm bảo kinh phí tốt hơn cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, cho hoạt động của Đề án nói riêng./.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực