Phòng, chống dịch tại các chợ hoa Xuân

Thứ bảy, 22/01/2022 10:31
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, hoạt động tham quan, mua bán diễn ra nhộn nhịp tại các chợ hoa Xuân trên địa bàn thành phố Hà Nội thu hút sự quan tâm của nhiều người. Song, công tác phòng, chống dịch COVID-19 phải được thực hiện nghiêm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cùng nhau đón Tết an lành.

Chợ hoa Xuân - nét đẹp văn hóa người Việt

Từ lâu, chợ hoa Xuân, hay còn được gọi là chợ hoa Tết đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với mỗi người dân vào những dịp cuối năm. Đúng như tên gọi, nơi đây hội tụ rất nhiều loại hoa, cây cảnh đặc trưng của ngày Tết ở khắp mọi miền đất nước. Là không gian để mọi người du xuân, mua sắm, cùng nhau cảm nhận không khí Tết vui tươi, ấm áp. Hình ảnh những chậu bưởi, cây quất sai trĩu quả, hay những bông hoa đang đua nhau khoe sắc, mang nhiều ý nghĩa, hy vọng cho một khởi đầu năm mới bình an.

Chợ hoa Xuân là điểm đến được nhiều người lựa chọn trong dịp cuối năm. (Ảnh: BH) 

Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến rất gần, như thường lệ, những ngày này, chợ hoa Xuân lại được tổ chức ở khắp các tuyến đường của Hà Nội như: đường Âu Cơ, Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), đường Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy)... Để đáp ứng nhu cầu của người dân, cửa hàng đã cung cấp ra thị trường đa dạng các loại hoa, cây cảnh như: hoa đào đỏ, mai vàng, hoa tulip Đà Lạt với nhiều màu sắc, hay những chậu bưởi, cam, cây quất trĩu quả… Ngoài ra, một số địa điểm còn bày bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề truyền thống, sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán đang được nhiều người lựa chọn.

Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng một tuần trở lại đây, hoạt động mua sắm, tham quan tại các chợ hoa Xuân đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dân. Thích thú ngắm nhìn những chậu hoa tulip bày bán tại Chợ hoa Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội), chị Bùi Thị Hằng, ở phường Trần Phú (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hoa là linh hồn, là món quà tươi đẹp mà thiên nhiên ban tặng, nếu thiếu hoa thì sẽ không trọn vẹn ý nghĩa của ngày Tết.

“Tết năm nào tôi cũng đến chợ hoa để tham quan, mua sắm. Năm nay, tôi chọn mua hai chậu hoa tulip màu vàng về làm đẹp trong không gian của phòng khách, một vài bông cúc vạn thọ, hoa lay ơn, cành đào đỏ để cắm vào bình, dâng lên ban thờ gia tiên, cầu mong một năm mới sung túc, bình an và may mắn”, chị Hằng chia sẻ.

Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ đào, quất hay mai vàng, năm nay, một số thượng khách dành nhiều sự quan tâm đến các loại cây, hoa cảnh như cam, đu đủ bonsai và hoa mai trắng. Theo một số tiểu thương, giá của các loại cây này dao động từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, tùy vào chủng loại, kích thước và kiểu dáng khác nhau.

Đảm bảo an toàn trước nguy cơ lây lan dịch bệnh

Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, tham quan, giải trí của nhân dân Thủ đô và khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức chợ hoa Xuân. Theo đó, có tổng cộng 78 chợ hoa được thành phố phê duyệt, hoạt động từ ngày 12/01/2022 đến ngày 31/01/2022. Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 ở Hà Nội còn nhiều diễn biến phức tạp, công tác phòng, chống dịch tại các chợ hoa Xuân cần phải được thực hiện nghiêm để bảo vệ an toàn sức khỏe cho cộng đồng.

Chợ hoa là địa điểm công cộng, số lượt khách đổ về rất đông nên tiềm ẩn nhiều khả năng lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh, nhất là vào những ngày cận Tết. Việc chủ quan sẽ rất dễ dẫn tới nguy cơ lây lan dịch bệnh. Quy định đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc an toàn rất dễ bị “lãng quên” nếu các biện pháp phòng dịch không được quán triệt thực hiện.

Người dân cần tự giác chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19 khi tham quan, mua sắm tại các chợ hoa. (Ảnh: MN) 

Theo các chuyên gia, để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, cả người bán và mua đều phải nghiêm túc tuân thủ quy định. Đối với các tiểu thương, cần tự giác xét nghiệm tầm soát COVID-19 đều đặn, 3 ngày/lần để theo dõi sức khỏe. Các chủ cửa hàng phải thực hiện việc khai báo lịch trình làm việc, di chuyển của nhân viên cho Ban quản lý chợ, để kịp thời phát hiện và xử lý nếu có trường hợp F0. Để tăng cường kiểm soát số lượng khách hàng ra vào chợ, tiểu thương chủ động bố trí bàn sát khuẩn; đăng ký và trang bị mã code QR để khách hàng thuận tiện khai báo y tế; hoặc áp dụng giấy khai báo y tế đối với người không sử dụng điện thoại.

Đặc biệt, khi tham gia các hoạt động vui chơi và mua sắm, mọi người dân cần tự giác thực hiện nghiêm túc biện pháp 5K phòng, chống dịch. Trong đó, tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khai báo y tế trung thực, giữ khoảng cách tiếp xúc an toàn, không tập trung đông đúc tại cửa hàng; giữ gìn vệ sinh chung, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Cùng với đó, Ban quản lý các chợ cần tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở; cơ quan chức năng tiếp tục xử phạt các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật để tạo sự răn đe, đạt hiệu quả thiết thực trong phòng, chống dịch./.

Nguyễn Thị Hoàn - Nguyễn Ngọc Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực