“Phụ nữ trong thế giới đang số hóa - nhìn từ thực tiễn của Việt Nam và Hàn Quốc”

Thứ tư, 21/07/2021 23:56
(ĐCSVN) - Mục tiêu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là hướng dẫn phụ nữ ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh, vận động phụ nữ tăng cường sử dụng hạ tầng thanh toán trực tuyến, hạn chế sử dụng tiền mặt, sử dụng internet an toàn trong các giao dịch thương mại, sử dụng hiệu quả mạng internet trong tra cứu thông tin, nâng cao kiến thức.

Ngày 21/7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam – Hàn Quốc lần thứ 8 với chủ đề “Phụ nữ trong thế giới đang số hóa - nhìn từ thực tiễn của Việt Nam và Hàn Quốc”. 

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc đã có nhiều hoạt động hợp tác, đóng góp tích cực cho quan hệ hợp tác chiến lược hiệu quả và thực chất giữa hai nước. Chủ đề lần này liên quan đến vấn đề rất thời sự, nói lên những vướng mắc, khó khăn mà phụ nữ đang gặp phải, từ đó tìm ra những giải pháp thiết thực. Những thông tin từ diễn đàn sẽ là gợi ý quý báu đối với định hướng hoạt động ưu tiên của Hội thời gian tới khi Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII diễn ra vào tháng 3/2022 sẽ mở đầu cho một nhiệm kỳ mới của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. 

leftcenterrightdel

 Quang cảnh Diễn đàn “Phụ nữ trong thế giới đang số hóa -

nhìn từ thực tiễn của Việt Nam và Hàn Quốc”

Đề cập đến Nghị quyết hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030 của Hội Phụ nữ Việt Nam có nội dung: hội nhập quốc tế là nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội và phụ nữ cần nhận thức sâu sắc về cơ hội, thách thức để hội nhập chủ động và hiệu quả. Để nâng cao năng lực và nhận thức của cán bộ, hội viên, Phó Chủ tịch Trần Thị Hương cho rằng cần tuyên truyền sâu rộng cho các cấp hội về chủ trương, chính sách hội nhập quốc tế trong tình hình mới, chỉ ra những lợi ích cũng như các tác động trái chiều. 

Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động đầu tư cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế theo chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, đa dạng hóa lĩnh vực, hình thức hợp tác trong triển khai các hoạt động đối ngoại và hỗ trợ hội nhập quốc tế theo hướng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với thế mạnh của Hội; ký kết, nâng cao hiệu quả thực thi các thỏa thuận quốc tế; thúc đẩy đưa vấn đề bình đẳng giới thành nội hàm trong hợp tác quốc tế. Đặc biệt, tích cực chia sẻ thông tin, kết nối, thu hút hợp tác, hỗ trợ của phụ nữ kiều bào; tích cực phối hợp bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam trong các quan hệ ngoại giao có yếu tố nước ngoài. 

Theo lãnh đạo Trung ương Hội, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột gồm: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Nhiệm vụ của các cấp Hội là cần tuyên truyền về những lợi ích khi tham gia kinh tế số như tạo cơ hội cho người tiêu dùng mua sắm toàn cầu, giảm chi phí kinh doanh, quảng bá sản phẩm... mục tiêu là tiếp tục đào tạo kỹ năng số, hướng dẫn phụ nữ ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh, vận động phụ nữ tăng cường sử dụng hạ tầng thanh toán trực tuyến, hạn chế sử dụng tiền mặt, sử dụng internet an toàn trong các giao dịch thương mại, chuyển đổi số từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh và sử dụng hiệu quả mạng internet trong tra cứu thông tin, nâng cao kiến thức.

leftcenterrightdel
Đại biểu trao đổi ý kiến tại Diễn đàn.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Chủ tịch Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc Mun Yu Ki-ong cho hay, Hàn Quốc đang tích cực tiếp cận với chuyển đổi số trong lao động việc làm. Hiện số lượng lao động nữ làm việc trên nền tảng số đang ngày càng tăng cho thấy phương thức tiến hành công việc đã dần thay đổi.

Theo bà Mun Yu Ki-ong, phụ nữ Hà Quốc muốn cân bằng giữa công việc và gia đình ngày càng nhiều do có thể chủ động thời gian và địa điểm làm việc. Bên cạnh đó, dựa trên dữ liệu kỹ thuật số, phụ nữ có thể tìm được công việc theo thời gian mình mong muốn mà không phải chịu những quy định bắt buộc của người sử dụng lao động. 

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đem lại, làm việc trên nền tảng số cũng tạo ra những bất cập cho phụ nữ như chi phí cao, việc xác định người tự kinh doanh với người làm công ăn lương không rõ ràng; tạo nên mối lo ngại về sự phân cực việc làm và "điểm mù" về phát triển trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Chỉ ra ưu điểm khi dựa trên sử dụng dữ liệu kỹ thuật số, phụ nữ có thể linh hoạt, chủ động thời gian, địa điểm làm việc, lựa chọn cách làm chính thức hay làm thêm... nhưng tỷ lệ người lao động làm việc ở loại hình này nhận được bảo hiểm, bảo trợ xã hội thấp cũng như những lo ngại về việc phá giá dịch vụ... ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn bày tỏ, để làm việc trên nền tảng số đạt hiệu quả cao, các nhà quản lý ở mỗi quốc gia cần định kỳ khảo sát thực tế, có những phương án nhằm hỗ trợ pháp lý, giảm thiểu điểm mù trong hệ thống bảo trợ xã hội; chuẩn bị phương án hỗ trợ có hệ thống theo từng đối tượng lao động trên nền tảng số; phương án giải quyết sự khác biệt tính cách của nền tảng lao động kỹ thuật số đối với phụ nữ./..

Tin, ảnh: Bảo Quyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực