Phú Yên sớm khắc phục sự cố mất nước sinh hoạt trên diện rộng

Thứ năm, 22/07/2021 21:23
(ĐCSVN) – Chậm nhất trong ngày 23/7, Công ty Cổ phần cấp thoát nước Phú Yên phối hợp với các đơn vị liên quan bằng mọi cách phải khắc phục tình trạng mất nước, đồng thời ưu tiên cấp nước cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, khu cách ly tập trung.

Phú Yên thiếu nước tại các cơ sở Y tế chữa trị bệnh nhân COVID-19

Mực nước khu vực Nhà máy nước Phú Yên và Nhà máy nước Tuy Hoà đang ở mức thấp

Như đã thông tin, trong bối cảnh cả tỉnh Phú Yên đang tập trung cho công tác phòng, chống COVID-19 thì từ chiều 19/7, sau khi nguồn nước trên sông Ba bất ngờ bị cạn sâu khiến Nhà máy nước Tuy Hoà phải tạm dừng hoạt động, dẫn đến sự cố mất nước.

Cũng trong thời điểm này, do triều cường và mực nước thượng nguồn từ sông Ba khô cạn nên tình trạng mặn xâm nhập tại một số khu vực cuối nguồn, trong đó có Nhà máy nước Phú Yên tại xã Hòa An (huyện Phú Hòa) ở mức cao. Cụ thể, kết quả đô độ mặn tại đây lên đến 16.000mg/lít (tiêu chuẩn tối đa là 250mg/lít) nên Nhà máy đã phải tạm dừng sản xuất nước.

Tuy nhiên,  theo nhận định của ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, việc xâm nhập mặn trên sông Ba đã có cảnh báo từ trước đây và nếu triều cường cao, kết hợp với hạn hán mặn có thể xâm nhập lên đến xã Hòa Thắng (cách xã Hòa An khoảng 3km). Bên cạnh đó, lòng sông Ba là cát, dòng chảy biến đổi liên tục nên dễ thiếu nước vào mùa khô.

“Mặc dù đã có cảnh báo trước nhưng Nhà máy nước Tuy Hòa đã thiếu chủ động trong việc dẫn nguồn nước mặt”- ông Mai Kim Lộc khẳng định và thông tin thêm, trước tình trạng xâm nhập mặn, việc các hồ thủy điện ở thượng nguồn chưa thực hiện xả nước do chưa đủ lưu lượng và thời gian đã ảnh hưởng đến việc cấp nước ngọt ở hạ lưu. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nước máy tại Phú Yên hiện nay.

Thông tin thêm về nguyên nhân dẫn đến việc thiếu nước sinh hoạt lần này, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Yên cho biết: Theo quy định vận hành liên hồ chứa trên khu vực sông Ba, các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh phải đảm bảo đưa nước về hạ du từ 30-40m3/s. Về cơ bản các đơn vị này đã thực hiện đúng nhưng trong các ngày từ 17-19/7 vừa qua là chưa đủ; thời gian xả nước phát điện chưa thống nhất cùng một lúc. Điều này khiến cho nguồn nước ngọt có phần bị thiếu hụt.

Từ những nguyên nhân kể trên đã dẫn đến sự cố không đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt trên diện rộng, nhất là tại TP Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa từ mấy ngày qua. Tuy nhiên, điều đáng nói là Công ty Cổ phần cấp thoát nước Phú Yên thiếu chủ động, đã chậm thông báo cho khách hàng nên ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân, nhất là trong bối cảnh TP Tuy Hòa đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 cũng như đáp ứng yêu cầu chăm sóc, chữa trị bệnh nhân COVID-19 tại một số bệnh viện, khu cách ly trên địa bàn.

Nói về hệ quả của việc mất nước hiện nay, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên- Lê Tấn Hổ, tình trạng thiếu nước trong mùa khô và xâm nhập mặn tuy đã có dự báo nhưng Công ty Cổ phần cấp thoát nước Phú Yên chưa chủ động các phương án. Sự cố mất nước xảy ra hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, một số nơi đang giãn cách xã hội nên người dân rất hoảng loạn bởi việc thông báo mất nước cho người dân rất chậm. Nếu sự cố này kéo dài thì rất đáng lo ngại. Hiện nay phải có giải pháp tạm thời đế khắc phục ngay và lâu dài phải có hướng xử lý triệt để. “Cùng với việc cấp nước trở lại vẫn phải đảm bảo chất lượng nước theo tiêu chuẩn”- ông Hổ nhấn mạnh.

Mực nước thấp ở cửa thu Nhà máy nước Tuy Hoà không đảm bảo cho Nhà máy nước này hoạt động. 

Trước thực tế mất nước diễn ra trên diện rộng, nhất là tại TP Tuy Hoà và thị xã Đông Hoà, để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho các khách hang hiện nay, Công ty Cổ phần cấp thoát nước Phú Yên đang tập trung xử lý nguồn nước nhiễm mặn và kích hoạt Trạm bơm Hòa Thắng đảm bảo công suất 500m3/giờ nhằm bổ sung nguồn nước thô cho sản xuất. Hệ thống thủy nông Đồng Cam (hệ thống thủy lợi lớn nhất của tỉnh Phú Yên) cam kết chia sẻ nguồn nước để phục vụ cho nhà máy nước Tuy Hòa.

Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty thủy nông Đồng Cam cho biết: Hiện nay các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn vẫn cần duy trì việc xả nước phát điện với lưu lượng 30-40m3/s. Ngoài đảm bảo điều tiết nước cho sản xuất vụ Hè thu, hệ thống kênh chính Nam tại xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) có thể chia sẻ điều tiết lượng nước xuống khu vực giếng thu nước của nhà máy Tuy Hòa khoảng 0,43m3/s tương đương khoảng 30.000m3/ngày đêm.

Theo phản ánh của nhiều người dân, từ sáng ngày 21/7, nguồn nước từ Nhà máy nước Tuy Hòa đã được cấp về các đường ống phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên áp lực nước vẫn còn rất yếu, nhất là các khu vực xa Nhà máy.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu Công ty Cổ phần cấp thoát nước Phú Yên khẩn trương khắc phục các sự cố và cấp nước theo thứ tự ưu tiên. Ngoài ra, cung cấp kịp thời thông tin về lịch cấp nước cho nhân dân chủ động trong sinh hoạt.

Nhấn mạnh về yêu cầu đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân hiện nay, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, nguồn nước là rất cần thiết cho mọi sinh hoạt của nhân dân. Trong khi việc cung cấp chưa được khôi phục hoàn toàn thì phải ưu tiên theo thứ tự ưu tiên. Trước hết là các bệnh viện đang điều trị các bệnh nhân COVID-19, các khu cách ly; nước cho sinh hoạt và nước cho sản xuất.

“UBND tỉnh đã yêu cầu các nhà máy thủy điện phối hợp tăng lưu lượng nước xả nước về hạ du. Riêng đối với Nhà máy nước Tuy Hòa phải khơi thông dòng chảy, tăng cường bơm dã chiến để thu nước thô về xử lý. Chậm nhất đến ngày 23/7, bằng mọi biện pháp phải khôi phục hoàn toàn việc cấp nước trở lại cho người dân”- ông Trần Hữu Thế yêu cầu./

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực