Quân dân An Giang đồng hành phòng chống dịch

Thứ tư, 28/04/2021 14:33
(ĐCSVN) - Trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 từ Campuchia, do dịch bệnh đã lan rộng, hoành hành ở hơn 22 tỉnh, thành phố của nước bạn, trong đó có các tỉnh biên giới giáp Việt Nam. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới tỉnh An Giang càng thể hiện rõ tình đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng chiến thắng đại dịch, quyết không để dịch bệnh xâm nhập qua biên giới.
leftcenterrightdel

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Nhơn Hưng tuần tra kiểm soát phòng chống xuất, nhập cảnh
và tội phạm.

Siết chặt quản lý biên giới

Biên giới An Giang bắt đầu bước vào mùa mưa, những cơn mưa đầu mùa đến bất chợt, kèm theo giông lốc, sấm sét, gây khó khăn cho việc sinh hoạt cũng như thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ các Tổ, chốt phòng, chống dịch. Biên giới An Giang với địa hình đồng bằng, nhiều đường mòn, hệ thống sông, kênh, rạch rất thuận lợi cho việc qua, lại hai bên biên giới, cư dân sinh sống sát biên giới. Điều kiện địa hình, phân bố dân cư vì thế cũng gây khó khăn cho công tác chốt chặn, kiểm soát biên giới, cửa khẩu, nhất là công tác phòng, chống các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã phát hiện, xử lý tổng cộng 721 vụ/1.645 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Tính đến ngày 27/4/2021, trên địa bàn tỉnh An Giang ghi nhận 03 ca mắc COVID-19 là công dân trở về từ Campuchia. Ngay sau khi nhập cảnh, các trường hợp đã được cách ly, hiện đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện An Phú, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Đã hơn một năm kể từ ngày triển khai lực lượng thành lập các chốt phòng, chống dịch COVID-19, cán bộ, chiến sĩ vẫn căng mình, khắc phục khó khăn, gian khổ, hi sinh niềm vui, hạnh phúc riêng tư để bảo vệ bình yên cho nhân dân.

Sắp tới khi kỳ nghỉ lễ 30/4 và 01/5 đến gần, cùng với cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nhu cầu đi lại cũng như đi du lịch của người dân sẽ tăng gấp nhiều lần cũng là lúc cán bộ. Đây là lúc các chiến sĩ BĐBP vất vả nhất, tập trung nhất, công tác sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Để thực hiện nghiêm công tác sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống dịch COVID-19 và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, BĐBP tỉnh An Giang liên tục tăng cường lực lượng, phương tiện, vật chất, nhất là việc thành lập các Chốt phòng, chống dịch COVID-19. Từ chỗ thành lập 136 chốt, đến nay, toàn đơn vị đã tăng cường lên thành 200 chốt với khoảng cách 500m/01 chốt để đảm bảo bịt kín, siết chặt công tác quản lý, bảo vệ biên giới, không để sót lọt bất kỳ đối tượng nào xuất, nhập cảnh trái phép và buôn lậu qua biên giới. Bộ chỉ huy BĐBP An Giang chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, đồng thời đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc; tích cực đấu tranh, tố giác những người có hành vi xuất, nhập cảnh trái phép và các loại tội phạm.

leftcenterrightdel

 Các Chốt phòng, chống dịch thường xuyên thay Quốc kỳ mới đảm bảo trang nghiêm,
thể hiện quyết tâm của CBCS phòng, chống dịch COVID-19.

Ấm tình quân dân

Tôi đến chốt phòng, chống dịch bệnh số 13 thuộc Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn trong tâm thế “chạy đua” với con nước ròng, khi một lát nữa thôi, mương Sáu Nhỏ sẽ cạn trơ đáy. Thời điểm ấy, chốt số 13 gần như bị “cô lập” giữa đồng, đường lưu thông về nội địa bị hạn chế rất nhiều.

Đêm xuống, không khí đã dịu bớt nhiều nhưng cảm giác oi nồng còn lại của cái nắng như thiêu như đốt ở Vĩnh Ngươn ai cũng có thể cảm nhận. Lúc này, cán bộ, chiến sĩ tranh thủ thay phiên nhau tắm giặt, quây quần ăn cơm dưới ánh sáng của đèn năng lượng mặt trời. Có hôm, mọi người vừa ăn, vừa “chạy muỗi”, miếng cơm vào trong miệng cũng nghe bứt rứt, mất ngon bởi tiếng “muỗi kêu như sáo thổi”. Giữa không gian ruộng rẫy lặng ngắt, càng nghe cồn cào nỗi nhớ tiếng ồn ã của cuộc sống bình thường.

Nhưng so với nhiều tổ, chốt khác, chốt 13 còn khá đông vui, vì… có mấy nông dân làm hàng xóm. Mùa nước cạn, chị Thu (43 tuổi) và chồng ra ruộng giữ lúa, ở trong một cái chòi tạm. Từ khi chốt chống dịch được dựng lên, từ cái máy bơm nước đến xuồng ghe, giúp được gì cho bộ đội, vợ chồng chị sẵn lòng.

leftcenterrightdel
 Ông Đỗ Văn Nhẫn cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang xây dựng chốt vượt lũ.

“Tôi thấy thương mấy chú bộ đội lắm, vất vả đủ thứ. Vợ chồng tôi đi làm ruộng, tối về cơm nước xong là ngủ ngon lành. Còn bộ đội phải chia nhau thức, đi tuần tra xung quanh, làm gì được ngủ nghỉ đầy đủ. Vì vậy, hễ có thông tin, động tĩnh ở biên giới, chúng tôi đều báo cho bộ đội, nhờ đó đã phát hiện, bắt giữ mấy trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép”-chị Thu kể.

Chúng tôi gặp lại ông Đỗ Văn Nhẫn, người dân ấp Tây Hưng, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên. Ông là “Kiến trúc sư” của Chốt phòng, chống dịch COVID-19 vượt lũ kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh An Giang. Sau đó, ông đã huy động người nhà, hàng xóm tiếp tục giúp Đồn Biên phòng Nhơn Hưng xây dựng tất cả các Chốt còn lại mà không lấy tiền công. Ông đang mang một rổ xoài do nhà trồng để tặng cán bộ, chiến sĩ chốt số 14, Đồn Biên phòng Nhơn Hưng. Đến nay, ông vẫn thường xuyên gặp gỡ, giúp đỡ, tiếp tế vật chất cho cán bộ, chiến sĩ các tổ, chốt trên biên giới.

Ông Nhẫn cho biết: “Một phần vì tôi thấy cán bộ, chiến sĩ BĐBP thực sự quá vất vả nên mong góp chút công sức để cùng nhau vượt qua đại dịch. Một phần vì sự gắn bó, tình yêu mảnh đất biên ải quê hương nơi tôi sinh ra, lớn lên”. Ông cũng là thành viên tích cực tham gia bảo vệ chủ quền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đã cung cấp hàng trăm tin tức có giá trị liên quan đến an ninh trật tự khu vực biên giới cho Đồn Biên phòng.

Các đồn biên phòng đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng Nhân dân không xuất nhập cảnh trái phép; không tham gia đưa đón, tiếp tay xuất nhập cảnh trái phép; đấu tranh tố giác các đường dây đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép. Đặc biệt chú ý cập nhật các vụ việc xét xử các đối tượng tổ chức đưa, đón người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới, nhấn mạnh hậu quả của các vụ việc trên để cảnh tỉnh quần chúng nhân dân trên địa bàn.

leftcenterrightdel
Với gần 100 km đường biên giới, nhiều đường mòn, lối mở, đường sông,… nhưng với “hàng triệu tai mắt”, “hàng triệu tay chân” là quần chúng nhân dân, tuyến biên giới tỉnh An Giang luôn giữ vững chủ quyền, an ninh trong mọi tình huống và không để dịch COVID-19 xâm nhập qua biên giới, lây lan ra cộng đồng. 

Cùng với đó, các đồn biên đã tổ chức vận động người dân ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép và các loại tội phạm. Qua đó đã vận động được hơn 33.000 hộ dân ký cam kết. Đồng thời, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các Phòng chuyên môn, các Đồn Biên phòng bóc gỡ, triệt phá các đường dây đưa, đón người xuất, nhập cảnh trái phép với các chế tài xử phạt nghiêm khắc nhất theo quy định của pháp luật. Vì vậy người dân khu vực biên giới đã nâng cao tinh thần cảnh giác, không tham gia, tiếp tay, bao che cho các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép với tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”.

Với gần 100 km đường biên giới, nhiều đường mòn, lối mở, đường sông,… nhưng với “hàng triệu tai mắt”, “hàng triệu tay chân” là quần chúng nhân dân, tuyến biên giới tỉnh An Giang luôn giữ vững chủ quyền, an ninh trong mọi tình huống và không để dịch COVID-19 xâm nhập qua biên giới, lây lan ra cộng đồng. “Họ xứng đáng là những “cột mốc sống”; những “Chiến sĩ không quân hàm” trong công cuộc bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự biên giới, trở thành cánh tay nối dài giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội với Nhân dân”-Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh An Giang nhấn mạnh./..

Bài, ảnh; Chiến Khu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực