Quảng Bình: Mưa lũ làm 2 người mất tích, nhiều thôn, bản bị chia cắt

Thứ hai, 18/10/2021 16:46
(ĐCSVN) - Trong những ngày qua, lượng mưa lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã gây nhiều thiệt hại cho địa phương. Trong đó, đã làm 2 người mất tích, nhiều thôn bản bị nước lũ chia cắt, hàng nghìn hộ bị ngập, đồng thời hư hỏng, sạt lở nhiều tuyến đường giao thông,…
 Cán bộ, nhân viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình tích cực tìm kiếm nạn nhân mất tích do ảnh hưởng của mưa lũ (Nguồn ảnh: baoquangbinh.vn)

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, từ 1h ngày 16/10 đến 14h ngày 18/10, tại nhiều điểm trên địa bàn tỉnh đã có lượng mưa rất lớn. Cụ thể, tại Đồng Tâm 327mm; Tân Mỹ 414mm; Mai Hóa 363mm; Minh Hóa 330mm; Phong Nha 439mm; Tân Lâm (Ngư Hóa) 328mm; Ba Đồn 302mm; Hương Hóa 225mm; Quảng Hợp 277mm; Trường Sơn 599mm.

Mực nước trên các sông, tại trạm Đồng Hới 1,28m trên báo động 1 0,28m; tại Lệ Thủy trên báo động 3 0,36m,…

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, mưa lớn đã ảnh hưởng tới nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, ảnh hưởng tới 17 điểm Quốc lộ. Với Quốc lộ 12A, tại vị trí Km73+230, sụt trượt taluy âm; nền, mặt đường tiếp tục lún, rạn nứt thêm. Tại Quốc lộ 15, tắc đường tại Ngầm Bùng Km562+200, nước dâng ngập mặt ngầm từ 2,5m.

Tại Quốc lộ 9C, Km31+400, Km32+200 sạt lở đất, đá xuống nền, mặt đường; K33+200 sạt trượt mái taluy dương, đất đá tràn xuống nền và mặt đường gây tắc đường, đơn vị quản lý đang khắc phục; tại Km34+340 có hiện tượng đá lở, đơn vị đang theo dõi diễn biến tiếp theo,…

Tại đường tỉnh, ảnh hưởng tại 10 điểm. Trong đó, đường tỉnh 559, đoạn từ Km13+200 - 14+600 nước ngập sâu 0,5m gây tắc đường. Tại đường tỉnh 559B, đoạn từ Km2+300-Km4+900 và đoạn Km6+00- Km6+500 (ngập từ 0,5-2,3m). Hai đoạn tuyến này hiện đang phân luồng lưu thông trên tuyến đường chống ngập đang thi công. Cầu Thanh Long Km46+909 nước ngập sâu 0,5m gây tắc đường,…

Với đường huyện, xã, mưa lũ ảnh hưởng tới 5 điểm tại Minh Hóa, 1 điểm tại huyện Tuyên Hóa; 34 điểm tại huyện Bố Trạch; 5 điểm tại huyện Lệ Thủy, 11 điểm tại thị xã Ba Đồn.

Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh, do ảnh hưởng của mưa lớn đã làm 6 thôn, bản/4 xã bị chia cắt. Tính đến 14h00 ngày 18/10, toàn tỉnh có 30 xã/2.232 hộ bị ngập. Trong đó, ngập nhiều nhất tại huyện Lệ Thủy với  20 xã/1683 hộ bị ngập từ 0,2m-0,5m. Tại huyện Bố Trạch có 4 xã/274 hộ bị ngập từ 0,3m-1,2m.

Ảnh hưởng của mưa lũ đã làm 2 người mất tích. Về nhà ở, tại huyện Lệ Thủy, có 5 nhà bị hư hỏng: 4 hộ nhà bị tốc mái, 1 nhà bị sập hoàn toàn.

Để ứng phó với tình hình lũ, tính đến 14h ngày 18/10, Quảng Bình đã di dời 138 hộ/487 khẩu. Trong đó, chủ yếu di dời tại huyện Bố Trạch với 137 hộ/486 khẩu.

Tại vùng có nguy cơ sạt lở cao, tỉnh đã di dời 136 hộ/544 khẩu và 25 công nhân tại công trường thủy điện La Trọng. Hiện, Quảng Bình có 43 điểm nguy cơ sạt lở cao tại 7 huyện, thị xã với tổng số 618 hộ/2.364khẩu.

Triển khai công tác ứng phó với mưa lũ, trong hai ngày 17 và 18/10, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, các thành viên Ban chỉ huy, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy và đại diện Lãnh đạo một số sở, ngành đã trực tiếp kiểm tra tình hình mưa, lũ tại các địa phương trong tỉnh.

Bên cạnh đó, Quảng Bình thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức trực ban 24/24h, tham mưu kịp thời khi có sự cố xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiến cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ vật chất, trang bị, phương tiện, nhiên liệu, vật tư y tế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được ngay khi có tình huống.

Thông báo cho người dân, các cơ quan, công sở, trường học, trạm y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh... ở những khu vực có nguy cơ ngập sâu chủ động kê cao, di dời tài sản, gia súc, gia cầm đến nơi an toàn. Đồng thời, triển khai lực lượng làm rào chắn, cắm biển báo nguy hiểm các địa điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở, hướng dẫn người dân không qua lại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết, không đánh bắt cá, vớt củi dọc khe suối.

Địa phương đã chỉ đạo các chủ hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện vận hành đảm bảo an toàn vùng hạ du, an toàn hồ đập, ưu tiên trên hết là an toàn tính mạng người dân. Triển khai lực lượng ứng trực bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập chứa nước, nhất là các tuyến đê, kè, hồ chứa nước đang thi công, xung yếu, hồ chứa nhỏ đã đầy nước.

Sẵn sàng các địa điểm, đảm bảo cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm thiết yếu, vệ sinh môi trường tại các điểm tránh trú đồng thời đảm các biện pháp an toàn phòng chống dịch COVID-19 để người dân từ các tỉnh phía Nam về quê lưu thông qua địa bàn tỉnh Quảng Bình tạm tránh trú trong thời gian mưa lũ gây chia cắt, gián đoạn giao thông./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực