Quảng Nam: Tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4

Thứ hai, 26/09/2022 10:34
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Công điện số 2 yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó khẩn cấp với bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.

Quảng Nam và Quảng Ngãi dự kiến sơ tán 485 nghìn người trước bão số 4

Ngư dân Đà Nẵng đồng loạt đưa phương tiện lên bờ tránh bão

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4

Khẩn trương ứng phó với bão Noru

leftcenterrightdel
 Để phòng chống bão số 4, học sinh các bậc học: mầm non, tiểu học, THCS, THPT học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được nghỉ học trong ngày 27/9/2022.

Học sinh nghỉ học ngày 27/9

Để đảm bảo an toàn cho học sinh trong thời gian bão số 4 đổ bộ, sáng 26/9, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Nam đã có thông báo cho học sinh các bậc học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh được nghỉ học trong ngày 27/9/2022.

Đồng thời, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trường học, giáo dục tại địa phương triển khai thực hiện chằng chống trường lớp, nhà làm việc, nhà kho, hệ thống cây xanh và các công trình xây dựng khác để phòng tránh gió bão làm tốc mái, ngã đổ; di chuyển tài liệu, sách vở, thiết bị và các phương tiện kỹ thuật khác của đơn vị đến nơi an toàn để tránh ướt, hư hỏng; tắt hết các thiết bị điện khi phòng không có người làm việc nhằm đảm bảo an toàn trong mưa bão.

Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời có phương án phòng chống hiệu quả. Đặc biệt ở vùng trũng thấp, những nơi có thể chịu ảnh hưởng của lũ, Thủ trưởng các đơn vị cần chỉ đạo, quán triệt cho học sinh và phụ huynh đề phòng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất..., cần đảm bảo an toàn trong việc đi lại để tránh thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.

Sau khi bão lũ tan, các trường, đơn vị giáo dục khẩn trương dọn dẹp vệ sinh trường lớp học, nhanh chóng ổn định tình hình dạy học, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh khi đến trường trở lại; báo cáo tình hình thiệt hại do mưa bão về Sở GD&ĐT để tổng hợp, theo dõi và chỉ đạo.

Tập trung ứng phó khẩn cấp theo phương châm “bốn tại chỗ”

Liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống bão số 4, cũng trong sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Công điện số 2 yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó khẩn cấp với bão số 4 theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Bão số 4 là cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo từ ngày 26/9 bão gây gió mạnh, sóng lớn trên vùng biển giữa và Bắc biển Đông, chiều tối ngày 27/9 bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung bộ, trọng tâm là từ Quảng Trị đến Bình Thuận, gây mưa lớn tập trung ở Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ và Bắc Tây Nguyên.

leftcenterrightdel
Chủ động gia cố các công trình, nhà cửa, hạ tầng... nhằm đảm bảo an toàn khi bão đổ bổ.

Vì vậy, để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện nghiêm, khẩn trương các nhiệm vụ tại Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 24/9/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó bão Noru (bão số 4). Đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão lũ.

Tiếp tục kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Trong đó, đối với công tác sơ tán dân các địa phương ven biển phải đảm bảo đến các cơ sở có kết cấu tối thiểu nhà cấp 3, có sàn bê tông cốt thép chắc chắn. Công tác sơ tán dân phải hoàn thành trước 9h ngày 27/9, đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.

Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch... để đảm bảo an toàn cho Nhân dân và khách du lịch.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rà soát lực lượng, kế hoạch hiệp đồng, chủ động đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 5, các lực lượng của Trung ương đứng chân trên địa bàn tăng cường lực lượng về các địa bàn xung yếu trước khi bão đổ bộ.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 0h ngày 26/9 (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ) cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường; bằng mọi biện pháp thông tin, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển nằm trong khu vực dự kiến ảnh hưởng của bão di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Rà soát, kiểm tra công tác triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của Nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản. Hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Hoàn thành trước 12h00 ngày 27/9.

Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các trường chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học tùy tình hình thực tế diễn biến của bão và mưa lũ.

Sở Công thương, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh chủ động yêu cầu chủ doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho công nhân và người lao động nghỉ việc tùy tình hình thực tế diễn biến của bão và mưa lũ.

Sở Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở, Ban, ngành khác có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai kịp thời, có hiệu quả các biện pháp ứng phó bão số 4 và mưa lũ do bão, đặc biệt lưu ý công tác đảm bảo an toàn cho học sinh, khách du lịch khi xảy ra bão, mưa lũ.

Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam phối hợp với địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền vận tải hoạt động trên biển, vùng cửa sông, trên sông.

Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ngành có liên quan tiếp tục thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình biết thông tin về tình hình bão, mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình; trường hợp không đảm bảo an toàn phải tổ chức di dời công nhân, phương tiện thi công đến nơi an toàn; tổ chức kiểm tra, thực hiện đầy đủ biện pháp neo giằng, hạ tháp, đảm bảo an toàn đối với công trình có sử dụng cần trục tháp, vận thăng, thang máy. Hoàn thành trước 12h00 ngày 27/9.

Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động ứng phó phù hợp.

Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thực hiện tốt việc thông báo, thông tin đến vùng hạ du, vận hành điều tiết hồ đảm bảo theo đúng Quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó với thiên tai theo địa bàn đã được phân công theo các quyết định phân công nhiệm vụ của Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

leftcenterrightdel
 Tỉnh Quảng Nam nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 0h ngày 26/9 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.

 Triển khai kế hoạch sơ tán dân ứng phó với bão

Thông tin từ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sáng 26/9 cho hay, hiện trên địa bàn tỉnh có 73 hồ chứa thủy lợi. Đến thời điểm hiện tại, các hồ chứa thủy lợi đã tích nước đạt 40 – 50% dung tích hữu ích thiết kế. Mực nước hồ Phú Ninh hiện tại ở cao trình 22,14m/32m (MNDBT). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức kiểm tra an toàn hồ chứa trước mùa mưa bão và hướng dẫn các chủ đập, chủ đầu tư xây dựng đập xây dựng Phương án ứng phó thiên tai và Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Về hồ thủy điện, trên địa bàn tỉnh có 04 hồ chứa thủy điện ảnh hưởng đến vùng hạ du, gồm: Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4. Hiện dung tích tại các hồ chứa thủy điện còn thấp, tích đạt từ 20-30%. Sở Công thương đã tổ chức kiểm tra an toàn hồ chứa trước mùa mưa bão.

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong lúa vụ Hè Thu năm 2022. Nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh có 650 ha nuôi thủy sản nước mặn, lợ, chủ yếu nuôi trên cát lót bạt ven biển và lót bạt vùng cao triều, nuôi ven sông đã thu hoạch khoảng 85%, số còn lại vẫn đang tiếp tục thu để tránh bão.

Theo Báo cáo nhanh số của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam (cập nhật đến sáng ngày 26/9), toàn tỉnh còn 87 tàu/2.533 lao động đang hoạt động trên biển. Các tàu đã nhận được thông báo về bão Noru; trong đó khu vực Hoàng Sa 28 tàu/290 lao động (trong đó có 18 tàu/213 lao động nằm trong vùng nguy hiểm); khu vực Trường Sa 59 tàu/2.243 lao động (các tàu nằm trong vùng an toàn).

Để phòng chống bão số 4,  tỉnh Quảng Nam triển khai kế hoạch sơ tán dân ứng phó với bão mạnh và siêu bão, các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện sơ tán: Đối với bão mạnh sẽ sơ tán 182.280 người; đối với siêu bão sẽ sơ tán 401.901 người./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực