Tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng: Lỗi do ai?

Thứ ba, 23/03/2010 20:23

(ĐCSVN)Cùng với việc phát triển nhanh, nhiều và với quy mô ngày càng lớn của các công trình xây dựng thì kéo theo nó nguy cơ rủi ro cũng rất cao. Hàng loạt vụ tai nạn lao động chết người xảy ra tại các công trình xây dựng cao tầng với xu hướng tăng nhanh cho thấy công tác đảm bảo an toàn lao động tại các công trình này vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng.

Tai nạn lao động trong xây dựng tăng đột biến

Theo số liệu thống kê trong Hồ sơ Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, trong năm 2009 đã xảy ra hơn 500 vụ tai nạn lao động chết người (TNLĐ), trong đó nhiều nhất trong lĩnh vực xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và công trình giao thông.

Đặc biệt, số vụ tai nạn trong lĩnh vực này có xu hướng ngày càng tăng cao. Cụ thể, năm 2006 và 2007 chiếm 27,86%, năm 2008 là 29,54%, đến năm 2009 tăng đột biến lên 51,11%.

 
Công trình xây dựng Keangnam nơi xảy ra
nhiều vụ TNLĐ chết người. Ảnh: Nguồn Internet
Đơn cử tại công trình xây dựng Keangnam, chỉ trong vòng 8 tháng đã có 6 vụ tai nạn nghiêm trọng gây chết người. Ở nhiều công trình khác, các vụ tai nạn chết người cũng liên tiếp xảy ra như: Cao ốc trên phố trần Quang Khải (Q.Hoàn Kiếm), tòa nhà 173 Xuân Thuỷ (Q.Cầu Giấy)...

Bộ Xây dựng cho biết, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ do chủ quan của người lao động, làm việc không sử dụng thiết bị an toàn hoặc sử dụng thiết bị an toàn không đảm bảo chất lượng. Theo đó, các thiết bị an toàn lao động có trang bị song vẫn theo hình thức, không được nghiệm thu; nhiều giàn giáo tại các công trình lớn chỉ làm theo tính toán và công tác nghiệm thu, thử tải theo quy định hầu như không có.

Người sử dụng lao động cũng chưa triệt để tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo hộ và an toàn vệ sinh lao động, chưa xây dựng đầy đủ quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo an toàn cho người lao động, tổ chức huấn luyện an toàn lao động và trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động không đầy đủ theo quy định. Như ở tòa nhà Landmark Tower do tập đoàn Keangnam làm chủ đầu tư, những tấm lưới chắn phủ chỉ có lác đác một số tầng trong khi theo quy định, khu vực xây dựng phải bao phủ bằng lưới để chống ô nhiễm môi trường, bảo vệ thiết bị rơi xuống, đặc biệt, sẽ giảm thương vong khi tai nạn lao động xảy ra, nhưng thực tế rất nhiều công trình lớn cũng chỉ lắp vài tấm lưới cho “phải phép”.

Mặt khác, trên các công trường xây dựng có nhiều nhà thầu tham gia, việc phối hợp tổ chức mặt bằng thi công xây dựng giữa các nhà thầu chưa tốt, chưa thực sự tổ chức được bộ phận quản lý an toàn lao động thống nhất của công trường, đặc biệt khi có sức ép về tiến độ thi công, cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động.

Tình trạng “bán thầu” khá phổ biến, thậm chí có nhiều công trình được “bán”, giao nhiều lần và người thực hiện cuối cùng có khi không cần tiền, bằng cấp, tư cách pháp nhân, chỉ cần trong tay có vài thợ cũng dễ dàng trở thành ông chủ xây dựng.Trong khi đó, họ thuê lao động theo thời vụ, không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bản thân người sử dụng lao động và người lao động cũng không được trang bị kiến thức về vệ sinh, ATLĐ, hoạt động xây dựng không tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn xây dựng, không tổ chức huấn luyện đầy đủ công tác an toàn lao động … dẫn đến sự cố công trình gây tai nạn lao động là điều dễ hiểu.

Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động

Tại phiên chất vấn tại Phiên họp thứ 29 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về trách nhiệm của Bộ Xây dựng về việc để xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động và việc bảo đảm an toàn tại các chung cư cao tầng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân khẳng định, Bộ Xây dựng đã ban hành tương đối đầy đủ các tiêu chuẩn, quy trình vận hành đối với các chung cư cao tầng, nhưng công tác hậu kiểm các công trình xây dựng và trong việc kiểm tra các nhà thầu có thuê công nhân thời vụ còn chưa chặt chẽ.

Đối với vụ cháy chung cư 18 tầng SJC – Khuất Duy Tiến (Hà Nội), Ông Nguyễn Hồng Quân cho biết, trách nhiệm của Bộ là đề ra quy chuẩn không phải trong thi công mà còn vận hành. Trong vận hành để xảy ra cháy là do cháy ống khói bằng vật liệu nhựa không đúng, nhưng được nghiệm thu, đây là kẽ hở, cần phải xem xét.

Thực tế, tại các khu N2 Trung Hòa – Nhân Chính, CT8 Định Công, khu A Đền Lừ…tình trạng một số hộ dân ngang nhiên biến lối thoát hiểm thành phòng ở, biến hành lang thành nhà kho, cơi nới, chiếm dụng không gian công cộng thành nơi kinh doanh.. đang diễn ra ngày càng phổ biến trước sự bất lực và thiếu trách nhiệm của Ban quản lý tòa nhà và chính quyền.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh, để thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước về công tác an toàn trong xây dựng trong năm 2010, Bộ Xây dựng cần phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng; cập nhật các tiễn bộ kỹ thuật và công nghệ xây dựng mới.

Đồng thời, đổi mới chương trình đào tạo nhằm từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ cán bộ kỹ thuật và công nhân xây dựng, các tổ chức và cá nhân hoạt động xây dựng có tính chuyên nghiệp cao; ban hành các văn bản quy định chế tài cụ thể trách nhiệm đối với công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động

Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, kiểm tra việc tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, trong đó có công tác an toàn xây dựng./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực