Tăng cường công tác phòng, chống cháy, nổ trong khu dân cư

Thứ năm, 02/12/2021 16:13
(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ xảy ra tại các khu dân cư; nhất là tại các nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh,... có nhiều diễn biến phức tạp; không ít vụ cháy đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thực trạng này đòi hỏi cần tăng cường công tác phòng, chống cháy, nổ trong khu dân cư để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.
 Lực lượng chức năng diễn tập phương án chữa cháy tại thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa Vũng tàu. (Ảnh: HG).

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Bộ Công an, trong 10 tháng đầu năm 2021, cả nước đã xảy ra hơn 2.000 vụ cháy, làm chết 74 người, bị thương 109 người, gây thiệt hại tài sản hơn 343 tỷ đồng. Trong đó vụ cháy xảy ra ngày 7/5 tại quận 11, TP. Hồ Chí Minh làm 8 người tử vong là vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nặng nề nhất về người kể từ đầu năm 2021 đến nay. Số vụ cháy trong khu dân cư chiếm khoảng 40% tổng số vụ cháy. Phần lớn trong số này là các vụ cháy xảy ra ở các khu vực là nhà ở của hộ gia đình kết hợp với sản xuất kinh doanh. Điều này đang trở thành một thách thức đối với công tác PCCC và CNCH, nhất là trong những tháng sắp tới khi hoạt động sản xuất thời điểm cuối năm trở nên sôi động hơn.

Trên cơ sở phân tích các vụ cháy gây hậu quả lớn trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, các trường hợp hỏa hoạn trong khu dân cư thường có đặc điểm chung là xảy ra đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh. Vị trí cháy thường là dạng nhà ống, tích trữ nhiều hàng hóa và chỉ có một lối thoát nạn. Ngoài ra, đặc thù các vụ cháy nhà dân thường xảy ra vào ban đêm, rất khó phát hiện hoặc phát hiện muộn; người dân đang ngủ sẽ hít phải khói độc dẫn tới lịm dần, những vụ hỏa hoạn dạng này thường gây thương vong rất lớn. Đồng thời, do các khu dân cư thường có nhiều tuyến phố nhỏ, ngõ sâu, xe chữa cháy không vào được, mật độ dân cư đông đúc, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.

Thực tế cũng cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy trong khu dân cư là do tâm lý chủ quan của người dân, nhiều người chưa quan tâm đến công tác an toàn phòng, chống cháy, nổ đối với chính ngôi nhà mình đang sinh sống. Đa phần loại nhà ống chỉ có một lối thoát duy nhất là cửa chính; lối thoát ra ban công, lô gia, sân thượng, lên mái, sang nhà bên cạnh... phần lớn các gia đình làm lồng sắt, lưới sắt để phòng, chống trộm cho nên không có lối thoát dự phòng dẫn đến khi có cháy xảy ra khói độc và lửa bịt kín lối đi, làm cho người ở trong không thể tự thoát ra ngoài được. Nhiều gia đình không trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ nên khi xảy ra cháy không có phương tiện dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh dẫn đến cháy lan, cháy lớn...

Do đó, để phòng, chống cháy nổ trong khu dân cư, từng người dân cần nâng cao ý thức trong chấp hành các quy định về PCCC và CNCH. Các gia đình không nên để đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nơi đun nấu; hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường trần, vách ngăn; ô tô, xe máy, các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Các hộ gia đình, nhất là các hộ kinh doanh cần lắp đặt thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh, từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn; không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra; trang bị các bình chữa cháy, dụng cụ trữ nước, xô, thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy; mọi người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy được trang bị...

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an nhận định, vấn đề quan trọng trong phòng, chống cháy, nổ tại các khu dân cư đó là cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn PCCC cho người dân ở các khu dân cư nói riêng và trong cộng đồng xã hội nói chung; coi trọng trang bị, hướng dẫn người dân các kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra sự cố cháy, nổ của người dân. Đồng thời, cần kiên quyết xử lý và yêu cầu khắc phục những thiếu tồn tại, thiếu sót về PCCC tại các nhà ở riêng lẻ, các khu dân cư...

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được khống chế; thực hiện chủ trương của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh đã được đẩy mạnh tại nhiều địa phương. Mặt khác, thời tiết cũng đã chuyển dần sang mùa hanh khô, vì vậy nguy cơ xảy ra cháy nổ nhất là cháy nổ tại các khu dân cư, các vị trí nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh cũng trở lên cao hơn. Thiết nghĩ, để công tác phòng, chống cháy nổ tại khu dân cư được thực hiện có hiệu quả, bên cạnh vai trò của cơ quan chức năng, lực lượng cảnh sát PCCC trong tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, xử lý vi phạm,... vấn đề căn bản là mỗi người dân cần nêu cao hơn nữa ý thức trong công tác PCCC nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của bản thân và những người xung quanh./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực