Tăng cường phòng chống dịch COVID-19 tại các tỉnh biên giới phía Nam

Chủ nhật, 10/01/2021 08:44
(ĐCSVN) - Từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, nhu cầu đi lại của người dân tăng rất cao, đặc biệt người Việt ở nước ngoài muốn về quê ăn Tết. Nguy cơ lây nhiễm dịch là rất cao, nếu không kiểm soát chặt tuyến biên giới, ngăn chặn được người nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, kênh rạch qua lại biên giới . Do vậy, các tỉnh biên giới phía Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch lây lan.

Ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài biên giới

Thực hiện tốt công tác chống dịch COVID- 19, Công an các tỉnh tuyến biên giới phía Nam đã phối hợp tiến hành báo cáo phân tích quá trình điều tra, truy xét, truy vết đối với những trường hợp dương tính với COVID-19, kết quả xử lý, công tác tuần tra, kiểm soát tại các tuyến biên giới để ngăn chặn người nhập cảnh trái phép dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Nổi bật, đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch, đảm bảo nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, các trường hợp liên quan bệnh nhân 1440 (nhập cảnh trái phép) vừa qua, Công an tỉnh Vĩnh Long đã kịp thời khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 Bộ luật Hình sự; Công an tỉnh An Giang cũng đã khởi tố vụ án “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” theo Điều 348 Bộ luật Hình sự. Qua đó, đã có tác động tích cực đối với xã hội, răn đe tội phạm, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong tuân thủ pháp luật và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Công an các địa phương đã tích cực phối hợp với các ngành, các lực lượng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp”, truy vết để khoanh vùng, xác minh những trường hợp cùng nhập cảnh trái phép với bệnh nhân 1440.

Trước và sau Tết âm lịch, tuyến biên giới khu vực phía Nam còn hiện hữu rất lớn các vấn đề tác động của dịch COVID-19 đến an ninh, trật tự mà lực lượng Công an nhân dân các tỉnh biên giới cần nhận diện để chủ động các giải pháp đấu tranh. Trong đó, đặc biệt là vấn đề kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh do số lượng kiều bào hiện đang sinh sống, lao động, học tập tại nước ngoài có nhu cầu về nước rất lớn; tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, phát triển các loại tội phạm như: tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép, nhập cảnh qua đường mòn, lối mở; tội phạm mua bán người... Nếu không được dự báo, ngăn chặn tốt sẽ tác động tiêu cực đến chính sách đối ngoại, chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến công tác chống dịch.

Về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, tại địa bàn giáp biên giới, Công an các xã phải làm tốt chức năng, nhiệm vụ trong bám sát địa bàn và chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động các gia đình ở từng khu dân cư, thôn, bản, buôn, khóm, ấp để xác định có bao nhiêu người thân ở nước ngoài, khi về nước cần phải đi theo đường chính ngạch, thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly. Vận động người dân không tiếp tay cho hành vi nhập cảnh trái phép, trốn cách ly.

Đồng thời, quán triệt đến từng cán bộ, chiến sỹ không được lơ là phòng, chống dịch; chủ động phòng ngừa, xác lập chuyên án đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, đường dây tổ chức xuất nhập cảnh trái phép. Tại các cơ sở tạm giam, tạm giữ của Công an các địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; tuyệt đối tuân thủ các quy định, hướng dẫn chuyên môn; không để dịch bệnh lây lan vào cơ sở giam giữ; siết chặt việc thăm gặp, tiếp xúc giữa thân nhân và phạm nhân. Các trường hợp vi phạm pháp luật có liên quan hoạt động xuất nhập cảnh trái phép phải được giám sát hoàn thành cách ly tập trung, xét nghiệm khẳng định âm tính để đảm bảo tuyệt đối an toàn cơ sở giam giữ của lực lượng Công an...

GS, TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế chia sẻ, ngay từ giai đoạn đầu tiên, ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 đã xác định việc ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài biên giới vào nước ta, đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Những đóng góp của lực lượng biên phòng cả nước nói chung, lực lượng biên phòng tỉnh biên giới phía Nam nói riêng đã đóng góp rất lớn cho thành quả chống dịch của nước ta.

Bộ trưởng Y tế cho rằng, trong thời gian tới, nhất là trong dịp Tết nguyên đán nhu cầu di chuyển qua lại cửa khẩu của người dân là rất lớn, nguy cơ nhập cảnh trái phép thông qua đường biên giới trên bộ là rất lớn trong thời gian này sẽ có thể gia tăng, do đó cần tăng cường và đặt công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh tại các khu vực cửa khẩu, biên giới lên một mức cao hơn, nhằm phòng ngừa và ngăn chặn nhập cảnh trái phép để bảo đảm an toàn cho người dân. Đồng thời, khuyến nghị tiếp tục phát huy các mô hình phòng chống dịch hiệu quả nhất là mô hình dựa vào nhân dân, để tạo nên nhiều lớp “hàng rào” bảo vệ biện giới, để không bỏ lọt bất cứ trường hợp nhập cảnh trái phép nào; Tăng cường năng lực y tế, năng lực xét nghiệm, điều trị… để luôn chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ tình huống nào dù là xấu nhất; song song đó cũng cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo từ Chính phủ, ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế…

Lập chốt chống dịch

leftcenterrightdel

Lực lượng chức năng An Giang đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát siết chặt biên

giới phòng chống COVID-19. (Ảnh:  Bửu Đấu) 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương có tuyến biên giới đường bộ, tuyến đường biển cũng phải tăng cường trách nhiệm lên cao hơn nữa, tuyên truyền đến mọi gia đình có những người thân ở nước ngoài, nếu có nhu cầu về nước phải theo con đường chính thống, hợp pháp, thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, không thể vì ngại cách ly mà gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Mặt khác, để ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, trước tiên là phải tăng cường lực lượng chốt chặn ở các tuyến biên giới. Từ đầu năm 2020, Bộ đội Biên phòng đã triển khai 1.600 tổ chốt ở các tuyến biên giới, vào trong nội địa có lực lượng Công an kiểm soát. Vì vậy, từ nay đến Tết Nguyên đán, các lực lượng này cần tiếp tục duy trì và bố trí thêm lực lượng tuần tra kiểm soát ở tuyến biên giới, đặc biệt là đường mòn, lối mở của biên giới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép, hoặc các đường dây, ổ nhóm đưa người xuất nhập cảnh trái phép.

Là địa phương đi đầu trong công tác lập chốt chống dịch, là nơi công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài, người nước ngoài nhập cảnh vào Campuchia, tìm cách trốn về Việt Nam rất lớn, tỉnh An Giang đã lên kế hoạch bố trí tổng cộng 177 tổ chốt trên địa bàn năm huyện, thị xã, thành phố biên giới, gồm thị xã Tân Châu, TP Châu Đốc, huyện An Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn với 1.460 cán bộ chiến sĩ, dân quân, đoàn thanh niên, phụ nữ và công nhân viên chức thuộc lực lượng Công an tỉnh, Bộ bội Biên Phòng tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Tỉnh đoàn An Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Nhiệm vụ của các tổ chốt này là nắm tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện hoặc có hành vi tiếp tay, đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép. Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân trên khu vực biên giới nắm chắc chủ trương của Đảng, nhà nước về công tác phòng, chống dịch COVID-19 để nhân dân yên tâm phát triển kinh tế - xã hội địa phương, không lơ là trước những diễn biến phức tạp của dịch, bệnh; vận động nhân dân cùng tích cực hỗ trợ lực lượng chức năng phát hiện kịp thời các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới.

Đại tá Đinh Văn Nơi Giám đốc Công an An Giang cho biết, An Giang có đường biên giới dài gần 100km, tiếp giáp với hai tỉnh Kandal, Takeo (Vương quốc Campuchia), có hai cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu chính và một cửa khẩu phụ.  Ngoài ra, còn có nhiều đường mòn, lối mở tự phát để phục vụ nhu cầu thăm thân, giao thương, qua lại biên giới của người dân Việt Nam và Campuchia, có nhiều kênh rạch và sông chạy qua biên giới. Do đó, thời gian qua, các đối tượng đã lợi dụng tuyến biên giới có địa hình phức tạp để tổ chức hoạt động phạm tội, nhất là số đối tượng buôn lậu, vận chuyển ma túy từ Campuchia về Việt Nam qua tuyến giới An Giang. Đặc biệt, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam.

Để chủ động ngăn chặn, hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm từ nước ngoài vào và nhằm bảo vệ tốt sức khỏe, an toàn cho nhân dân vui Xuân đón Tết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Công an tỉnh tăng cường nắm tình hình, phối hợp với lực lượng vũ trang, Công an Campuchia nhanh chóng xác minh làm rõ đường dây đưa người qua biên giới trái phép (kể cả những người có hành vi chứa chấp, dung túng, bao che cho các trường hợp nhập cảnh trái phép) để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo cơ quan công an địa phương, UBND xã, phường, thị trấn, các tổ, khóm, ấp tăng cường kiểm tra, quản lý chặt công tác tạm trú, tạm vắng và cư trú tại địa phương. Tỉnh An Giang còn ban hành quy chế khen thưởng đột xuất cho người dân phát hiện và báo tin cho cơ quan chức năng về những trường hợp qua lại biên giới trái phép./.

Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực