|
Nhiều người lao động mong muốn có thêm việc làm để khắc phục những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. (Ảnh: AK) |
Tìm hiểu được biết, điểm b, khoản 2, Điều 107 Bộ luật Lao động quy định: b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng. Đồng thời, khoản 3, Điều 107 Bộ luật Lao động cũng quy định rõ, bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm; một số ngành nghề sản xuất hàng hoá cụ thể thì làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm như: sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản...
Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, trên cả nước đã có hàng loạt doanh nghiệp phải ngừng sản xuất hoặc duy trì sản xuất cầm chừng theo phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến". Việc nhiều tỉnh thành thực hiện chỉ thị 16, tăng cường giãn cách xã hội để phòng, chống dịch cũng gây hàng loạt khó khăn cho việc sản xuất, lưu thông hàng hóa. Bên cạnh đó, do dịch bệnh lây lan nên một bộ phận người lao động đã rời khỏi các khu công nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, bị thu hẹp thị trường tiêu thụ do không cung cấp đủ đơn đặt hàng cho khách hàng.
Vì vậy, ngay khi dịch COVID-19 tại nhiều địa phương được kiểm soát, các doanh nghiệp dần hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, việc nghiên cứu, đề xuất tăng thời gian làm thêm được đánh giá là động thái tích cực, phù hợp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chủ trương này hiện đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là các doanh nghiệp và người lao động tại các khu công nghiệp. Bởi đề xuất cho phép điều chỉnh tăng thời gian làm thêm với một số ngành nghề, lĩnh vực ở thời điểm này sẽ góp phần đảm bảo bù đắp thiếu hụt lao động trầm trọng vì dịch COVID-19 gây ra; giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, chống đứt gãy chuỗi cung ứng.
Phải nghỉ làm liên tục nhiều tháng do dịch COVID-19 lan rộng, từ đầu tháng 9/2021 đến nay, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hường, công nhân tại Khu Công nghiệp Quế Võ I (Bắc Ninh) mới có việc làm trở lại. Để thực hiện các quy định phòng, chống dịch, chị Hường và chồng thay nhau thực hiện “3 tại chỗ” ở trong khu vực của công ty. Khi được hỏi về việc tăng thời gian làm thêm, chị Hường chia sẻ: “Thực tế, hiện nay trong từng kíp làm việc, do thực hiện “3 tại chỗ” nên chúng tôi đã ở cả ngày tại công ty. Nếu quy định về số giờ làm thêm được điều chỉnh theo hướng tăng lên thì công nhân sẽ có có thêm thu nhập, vừa khắc phục được những khó khăn do dịch bệnh gây ra, vừa nâng cao số lượng sản phẩm”.
Đồng tình với ý kiến nói trên, chị Trần Thị Hoa, công nhân tại Khu Công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) cho biết: Trước đây, để có thêm tiền lương, tôi vẫn thường làm tăng ca 20-30 giờ/tháng. Từ ngày dịch COVID-19 bùng phát, công việc thất thường nên đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của gia đình. Từ sau khi đi làm trở lại, mỗi khi công ty thông báo, rất nhiều người lao động muốn đăng ký làm thêm. “Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn tác động, nếu được, chúng tôi mong muốn được tăng giờ làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Đương nhiên, dù làm thêm với số giờ ra sao thì chúng tôi cũng cân đối để đảm bảo sức khoẻ của bản thân”, chị Hoa chia sẻ thêm.
|
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. (Ảnh: VD) |
Thực tế, việc tăng thời gian làm thêm sẽ đồng nghĩa với nguy cơ suy giảm sức khoẻ của người lao động nhiều hơn. Việc người lao động làm thêm quá mức cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí có thể là nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động. Vì vậy, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc tăng giờ làm thêm cần được nghiên cứu kỹ và nên có giới hạn nhất định về giờ làm thêm trong tháng để đảm bảo sức khoẻ của người lao động, tránh trường hợp, doanh nghiệp huy động người lao động làm việc liên tục trong thời gian dài để khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc mở rộng giới hạn giờ làm thêm trong tháng, trong năm là một giải pháp tạm thời, trong thời gian ngắn. Do đó, Công đoàn Việt Nam đề nghị chỉ nên quy định thời gian thực hiện trong 2 năm từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023.
Đồng chí Vũ Hồng Quang, Phó trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho rằng, trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, việc đề xuất tăng thời gian làm thêm là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên việc tăng giờ làm thêm phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, chế độ đãi ngộ làm thêm giờ và sức khoẻ của người lao động. Trong điều kiện hiện nay, việc tăng giờ làm thêm phải gắn với phòng tránh tai nạn lao động và phòng, chống dịch COVID-19.
Khách quan nhìn nhận, đề xuất mở rộng giới hạn số giờ làm thêm vào thời điểm hiện nay là tương đối phù hợp và kịp thời. Có thể coi đây là một giải pháp tình thế, cấp bách, tạm thời nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động tại nhiều doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, bảo đảm chuỗi sản xuất tiếp tục hoạt động có hiệu quả sau thời gian chịu tác động mạnh của dịch COVID-19. Đồng thời, mở rộng giới hạn số giờ làm thêm cũng sẽ giúp người lao động tăng thu nhập để giải quyết khó khăn hiện tại. Song, việc mở rộng giới hạn số giờ làm thêm cũng cần được nghiên cứu, triển khai thực hiện trên cơ sở đảm bảo sức khoẻ và điều kiện làm việc theo quy định của pháp luật về làm thêm giờ; giải quyết tốt mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động trên tinh thần tự nguyện đôi bên cùng có lợi./.