Tây Nguyên vượt qua vùng trũng

Thứ hai, 08/02/2010 17:25

  
Năm Kỷ Sửu khép lại, Tây Nguyên vẫn thu được những thành công trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội.

Nổi bật nhất trong năm qua đối với các tỉnh khu vực này là công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hai cơn bão số 9 và số 11 nối nhau dồn dập vào đầu tháng 10/2009 làm 77 người dân ở Tây Nguyên thiệt mạng, gần 110 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị nước cuốn trôi, 56.000 ha các loại cây trồng bị ngập úng. Thiệt hại về vật chất do bão lụt gây ra đối với các tỉnh Tây Nguyên ước tính lên đến 10.000 tỷ đồng. Những vườn cây công nghiệp bị bão quật ngã, những vùng ruộng nương bị cát đá vùi lấp, phải mất nhiều thời gian và sức lực nữa mới phục hồi lại được.

Với sự hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả của Trung ương, ý chí phấn đấu khắc phục khó khăn của Đảng bộ, chính quyền nhân dân các tỉnh, kinh tế- xã hội khu vực Tây Nguyên năm 2009 đã đạt được những kết quả khả quan. Thu ngân sách các tỉnh trong khu vực đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tốc độ tăng trường GDP bình quân toàn vùng là 13%, trong đó Lâm Đồng tăng 12,9%, Kon Tum 13%, Gia Lai 15,6%.

Nổi bật và ấn tượng nhất đối với các tỉnh Tây Nguyên trong năm qua là công tác xóa đói giảm nghèo. Chính nhờ sự lồng ghép các chương trình, dự án của Trung ương một cách linh hoạt, nên năm 2009 toàn vùng Tây Nguyên đã tạo điều kiện để 13.000 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn vùng từ 15,6% xuống còn 13,8%. Mỗi tỉnh ở Tây Nguyên triển khai công tác xóa đói giảm nghèo một cách cụ thể nên mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên đánh giá: “Đối với Nghị quyết 30a, các tỉnh Tây Nguyên xác định đây là một chủ trương, một quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước đối với việc thúc đẩy phát triển sản xuất và cải thiện đời sống của nhân dân. Cấp ủy chính quyền các cấp và người dân đều nhận thức đây là một cơ hội rất lớn để các huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% đẩy nhanh tốc độ phát triển của mình và có điều kiện rút ngắn khoảng cách với các địa phương khác. Các tỉnh Tây Nguyên đều có các chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương có chính sách làm hay như UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt dự án kinh phí hỗ trợ phát triển cây cao su đối với hộ nghèo trồng cao su trong vùng quy hoạch; Tỉnh ủy Đắk Lắk có Nghị quyết số 04 về phát triển kinh tế xã hội thôn buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Các chủ trương này đều được thực hiện khá tốt, đã tác động tích cực trong việc giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc từ năm 2006 đến nay luôn giảm nhanh hơn so với tỷ lệ nghèo chung của toàn vùng”.

Tỉnh Kon Tum có 97 xã thì 78 xã thuộc diện khó khăn. Hơn một nửa dân số của tỉnh Kon Tum là người dân tộc thiểu số. Cơ sở hạ tầng, trình độ sản xuất ở hầu hết vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Kon Tum còn hạn chế, nên số hộ đói nghèo ở đây còn chiếm tỷ lệ rất cao. 5 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum lên đến 54%. Trước thực tế này, Ban thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Nghị quyết số 01 về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp - nông thôn và nâng cao đời sống nông dân với tiêu điểm là đồng bào dân tộc thiểu số.

Sự ra đời của Nghị quyết 01 của Ban Thường vụ tỉnh Kon Tum là mấu chốt quyết định thành công việc giảm nghèo hiệu quả của địa phương này. Nghị quết 01 phân công trách nhiệm mỗi cơ quan đơn vị cấp tỉnh đỡ đầu một xã, đơn vị cấp huyện đỡ đầu một làng đồng bào dân tộc thiểu số về mọi mặt. Đơn vị được phân công đỡ đầu làng nào phải thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn bà con khai hoang ruộng nước, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi, lập dự án vay vốn sản xuất… Kon Tum đã nắm bắt, vận dụng linh hoạt những chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ về xóa đói giảm nghèo như lồng ghép các chương trình 134, 168 và gần đây là Nghị quyết 30a của của Chính phủ để huy động tối đa về vật chất, nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, làm nhà ở cho người nghèo, khai hoang đất cấp cho dân sản xuất. Nhờ đó mà 5 năm lại đây, mỗi năm tỉnh Kon Tum giảm được 5% số hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Y Vêng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum nói: “Công tác xóa đói giảm nghèo là một trong những vấn đề mà Đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong năm vừa qua, Chính phủ đã có rất nhiều chương trình, dự án để đầu tư cho vùng sâu vùng xa , vùng đặc biệt khó khăn. Gần đây Nghị quyết của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước thì trong đó tỉnh Kon Tum có 2 huyện là Kon PLong và huyện Tu MRông. Tỉnh Ủy, HĐND, UBND đã có nhiều chủ chương, Nghị quyết, đề án, chương trình để phát triển kinh tế , xóa đói giảm nghèo cho nhân dân”.

Tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chủ trương chính sách linh hoạt trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giao rừng, cho đồng bào vay vốn chăn nuôi. Lâm Đồng cũng đã xây dựng nhiều chương trình dự án lồng ghép với chương trình của Chính phủ để phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất đời sông vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc trợ giá trợ cước, cấp không thu tiền các mặt hàng chính sách, cung cấp giống vật nuôi cây trồng cho đồng bào nghèo được triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với phát huy nội lực của nhân dân, tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng, sự hỗ trợ của Nhà nước nên hiện nay tỉnh Lâm Đồng chỉ còn 8,5% hộ nghèo. Riêng năm 2009, số hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng giảm 6%.

Ông Trương Văn Thu, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng nói: “Trong phát triển kinh tế xã hội thì cái nghèo đói cũng được giảm mạnh, toàn tỉnh hiện nay còn khoảng 8,5 % hộ nghèo , trong đó đồng bào dân tộc còn khoảng 26% . Giảm nghèo bình quân chung của tỉnh là 5% một năm. Đặc biệt năm 2009 có chương trình 30a đầu tư vào huyện Đam Rông. Huyện Đam Rông từ 53% hộ nghèo đói thì đến giờ này còn 43%, tức giảm 10% một năm. Tỉnh cũng chọn 94 thôn của các huyện để đầu tư, thì đến nay các thôn, xã mà địa phương vận dụng Nghị quyết 30a để đầu tư thì hầu hết mức tăng trưởng kinh tế xã hội đều phát triển rõ rệt và hộ nghèo đói giảm nhanh. Đến năm 2010 này tỉnh phấn đấu đưa các hộ ở 94 thôn này thoát ra nghèo đói”.

So với các vùng miền khác trong cả nước thì kinh tế-xã hội các tỉnh Tây Nguyên vẫn được xếp vào diện nghèo. Cơ sở hạ tầng, hệ thông giao thông, mạng lưới y tế vẫn còn hạn chế; bình quân thu nhập của người dân ở khu vực Tây Nguyên vẫn ở vào mức thấp. Nhưng Tây Nguyên có đủ tiềm năng, nguồn lực để phát triển thoát ra khỏi vùng trũng về kinh tế- xã hội. Điển hình trong việc bứt phá vươn lên ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên là thành phố Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk. Ngày 10/3 tới đây, thành phố Buôn Ma Thuột kỷ niệm 35 năm ngày Chiến thắng mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử- Đại thắng mùa xuân năm 1975. Dịp này, Buôn Ma Thuột sẽ công bố quyết định đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Đắk Lắk. Những năm qua, Buôn Ma Thuột đã có những bước phát triển diệu kỳ, cơ sở hạ tầng, kinh tế- xã hội của thành phố này đều vượt các tiêu chí của một đô thị loại 1.

Ông Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk nói:“Mục tiêu của tỉnh năm 2010 là đảm bảo phấn đấu cho tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Định hướng đầu tư, tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn tạo các điều kiện để đảm bảo phát triển. Thứ hai là phải bảo đảm an sinh xã hội. Trên địa bàn đối tượng chính sách rất lớn, cho nên nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội rất nặng. Thứ ba là đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh”.

Tây Nguyên đang vươn lên, vượt qua vùng trũng về kinh tế- xã hội, góp phần cùng các vùng miền khác xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực