Tết Tân Sửu sẽ không lạnh như đợt rét nửa đầu tháng 1/2021

Thứ sáu, 15/01/2021 19:32
(ĐCSVN) – Về thời tiết trong dịp Tết Tân Sửu, miền Bắc vẫn chịu ảnh hưởng của không khí lạnh. Tuy nhiên cường độ không mạnh như nửa đầu tháng 1/2021. Khoảng thời gian trước ngày 23 tháng Chạp vùng núi rét đậm, rét hại; khu vực đồng bằng xấp xỉ mức rét đậm.
 
 Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Người Lao động)

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia về đợt rét đậm, rét hại trong những ngày tới vào chiều ngày 15/1.

Phóng viên (PV): Từ giờ đến Tết Nguyên đán còn xảy ra đợt rét đậm nào có cường độ mạnh như đợt rét thứ 3 vừa qua hay không thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Theo nhận định của chúng tôi đợt gió mùa đông bắc (GMĐB) ảnh hưởng đến nước ta vào đêm 16/01, rạng ngày 17/01 là đợt GMĐB mạnh nhất trong khoảng thời gian từ nay đến hết tháng 01/2021.

Theo đánh giá của chúng tôi, khoảng thời gian sau đợt GMĐB này ít có khả năng xuất hiện các đợt không khí lạnh (KKL) nào mạnh như các đợt KKL gây rét trong những ngày cuối tháng 12/2020 và đầu tháng 01/2021 tới giờ.

PV: Theo dự báo xu thế thời tiết tháng, vẫn còn khả năng xuất hiện 1 xoáy thuận nhiệt đới trong khoảng thời gian từ giờ đến Tết Nguyên đán 2021. Liệu có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới hay bão không và tác động của nó thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Trong bản tin dự báo tháng phát hành ngày 10/01 chúng tôi dự báo có khả năng xuất hiện một xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ). Chúng ta cần hiểu XTNĐ bao gồm ANTĐ, bão và cả các vùng xoáy thấp.

Theo đánh giá của chúng tôi thì XTNĐ này khả năng cao là một vùng áp thấp, hình thành ở khu vực phía Nam của Bbiển Đông và nó chủ yếu gây mưa và gió xoáy trên biển, ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia. (Ảnh: BL) 

PV: Dự báo mới nhất về thời tiết Tết Nguyên đán 2021 như thế nào, thưa ông? Liệu có xảy ra hình thái rét đậm, rét hại vào dịp Tết?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Với thời tiết thường chúng ta chỉ dự báo được trước 10 ngày, còn sau 10 ngày thì độ chính xác không cao. Tuy nhiên theo nhận định của chúng tôi, thời tiết trong dịp Tết Tân Sửu có một số đặc điểm như sau: Giai đoạn này miền Bắc vẫn chịu ảnh hưởng của KKL. Tuy nhiên cường độ không mạnh như nửa đầu tháng 1/2021 nên khoảng thời gian trước ngày 23 tháng Chạp vùng núi rét đậm, rét hại; khu vực đồng bằng xấp xỉ mức rét đậm.

Những ngày trước và sau Tết (khoảng từ 10-14/2) KKL có cường độ trung bình, nền nhiệt ở Bắc Bộ ở ngưỡng trời rét, vùng núi rét đậm. Nhìn chung thời tiết ổn định trong dịp Tết trên phạm vi toàn quốc, ngoại trừ Trung Trung Bộ có thể có mưa nhỏ do tác động của gió Đông Bắc.

PVDự báo xa từ giờ cho đến hết mùa đông sẽ còn khoảng mấy đợt rét đậm rét hại nữa?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Trước tiên, xin được nói tới khoảng thời gian từ nay đến hết tháng 1/2021 chúng ta chuẩn bị đón một đợt GMĐB mạnh ảnh hưởng xuống nước ta vào ngày 17/01.

Theo đánh giá của chúng tôi đợt GMĐB này sẽ gây ra một đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở các tỉnh miền Bắc trong giai đoạn từ ngày 17-19/01.  Sau ngày 20/01 thì không khí lạnh suy yếu và khoảng thời gian từ nay đến hết tháng 1/2021 ít có khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại diện rộng. Sang tháng 2/2021, theo thống kê của chúng tôi ở khu vực Bắc Bộ, cụ thể ở vùng đồng bằng thì có khoảng 8 ngày rét đậm.

Năm nay, chúng tôi dự báo tháng 2 nhiệt độ trung bình tháng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Vì thế ở các tỉnh miền Bắc trong tháng 2/2021 còn xuất hiện thêm khoảng 8-10 ngày rét đậm nữa. Còn sang tháng 3 thì trời sẽ ấm dần lên.

PV: Mùa đông năm nay có nhiều đợt rét đậm và nhiệt độ xuống thấp, đặc biệt ở vùng cao, vậy nguyên nhân chủ yếu là do đâu và đến khoảng tháng mấy sẽ có mưa phùn, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Nguyên nhân là do các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, kết hợp với dòng gió mạnh trên mực 5000m, đây là hình thái tổ hợp gây rét điển hình ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung Bộ.

Trong khoảng nửa cuối tháng 2 (sau Tết Tân Sửa) hoạt động của không khí lạnh vẫn còn nhưng vùng trung tâm có xu hướng lệch về phía đông, gió đông bắc có thêm thành phần gió đông nên các tỉnh miền Bắc sẽ bước vào giai đoạn có mưa nhỏ, mưa phùn.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực