Thành công lớn từ việc xã hội hóa các trạm thu phí

Thứ năm, 07/01/2010 16:17

  

Ảnh minh hoạ: Internet 

Trong tháng 12/2009 và tháng 1/2010, 3 trạm thu phí đường bộ đã được giao cho các doanh nghiệp quản lý. Theo các chuyên gia trong ngành giao thông, đây là sự thành công lớn trong việc xã hội hóa các trạm thu phí đường bộ. Nhờ đó, Nhà nước có khoản thu “một cục” để đầu tư công trình khác, đồng thời, sẽ giảm thiểu tiêu cực trong quản lý thu phí.

Theo ông Lê Hồng Điệp, Phó phòng đấu thầu, Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), hiện Cục đã chính thức bàn giao 3 trạm thu phí cho doanh nghiệp (DN) quản lý; trong đó, trạm thu phí Bàn Thạch thuộc Km 1350 + 150, tỉnh Phú Yên được bàn giao cho Công ty cổ phần điện máy Việt Long quản lý, còn 2 trạm thu phí Hoàng Mai (tại Km 393+400, tỉnh Nghệ An) và Bãi Cháy (trên QL18 tại Km 114+700, thuộc tỉnh Quảng Ninh) do Công ty cổ phần An Sinh quản lý.
Điểm nổi bật của 3 trạm thu phí này là đều rất hấp dẫn doanh nghiệp. Đặc biệt, có gói thầu có tới hàng chục đơn vị tham gia đấu thầu. Trong đó, cả 2 đơn vị trúng thầu đều bỏ giá cao hơn nhiều so với giá khởi điểm. Theo ông Điệp, sau khi bán 3 trạm thu phí này, Nhà nước đã thu về tới 748 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch 179 tỷ đồng. Đây thực sự là điều thành công ngoài mong đợi, vì trước đó, vào năm 2005, việc thí điểm bán các trạm thu phí đã gặp nhiều khó khăn nhất định.

Ông Điệp cũng cho biết, Cục ĐBVN sẽ bán 3 trạm thu phí này trong thời hạn 5 năm. Trong thời gian đó, Cục sẽ bàn giao lại toàn bộ công trình, máy móc, thiết bị và con người để DN toàn quyền sử dụng, sau khi hết hạn hợp đồng, DN sẽ bàn giao lại cho Cục Cục ĐBVN. Còn số tiền bán các trạm thu phí Cục sẽ tái đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cho các công trình giao thông khác.

So sánh sự khác biệt của đợt đấu thầu lần này với đợt đấu thầu vào năm 2005, đại diện Cục đường bộ cho biết: Tiêu chí lần này phụ thuộc vào giá bỏ thầu để xác định người trúng thầu. Vì thế, khi giá trúng thầu càng cao, thì càng cho thấy việc xã hội hóa các trạm thu phí thành công. Chính các doanh nghiệp cũng cảm thấy hấp dẫn với chủ trương mới của Nhà nước.

Về những lý do việc các trạm thu phí hấp dẫn các nhà thầu, một số đơn vị cho rằng: về thực tiễn, các báo cáo về dự báo để lập dự toán gói thầu thường có xu hướng thấp hơn thực tế, do vậy, lưu lượng xe trên các tuyến đường chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, hiện nay số xe đăng ký mới đang tăng rất nhanh, kéo theo việc gia tăng lưu thông, tăng thu nhập cho các trạm thu phí đường bộ. Ngoài ra, các trạm thu phí đường bộ được đem ra chào bán lần này đều là những trạm có vị trí tốt nhất, thậm chí nằm trên các tuyến đường độc đạo, gần như không bị chia sẻ về lưu lượng phương tiện. Hơn nữa, việc Cục ĐBVN dỡ bỏ điều kiện “phải từng có kinh nghiệm thu phí “ khiến các cuộc đấu thầu tăng tính khả thi và sức cạnh tranh lớn hơn. Bên cạnh đó, với các tổ chức tài chính, việc thanh toán toàn bộ số tiền trúng thầu trong vòng 1 năm kể từ khi hợp đồng được ký kết không phải là rào cản quá lớn, nhất là khi Bộ GTVT cho phép đơn vị trúng thầu được thế chấp, chuyển nhượng quyền thu phí sau khi đã thanh toán đủ. Đây thực sự là một “cơ chế mở” của ngành giao thông nên đương nhiên sẽ hấp dẫn DN.

Khi nói về hiệu quả của việc xã hội hóa trạm thu phí, ông Phí Đức Lực, CTHĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần điện máy Việt Long cho biết: Việc quản lý các trạm thu phí đường bộ là lĩnh vực hoàn toàn mới đối với Công ty Việt Long, nhưng Công ty rất tự tin về những thành công từ hoạt động này. Sau hơn 20 ngày tiếp quản trạm thu phí, Công ty đã ổn định bộ máy, sẵn sàng tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên của Công ty hoàn thành nhiệm vụ. Nếu làm tốt, chắn chắn lương và thưởng sẽ cao hơn trước./. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực