Thay đổi hành vi ứng xử với thiên nhiên để giải quyết vấn đề toàn cầu về biến đổi khí hậu

Thứ bảy, 28/05/2022 15:46
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà kêu gọi mỗi người cần thay đổi thái độ, hành vi ứng xử với thiên nhiên, điều chỉnh cách thức khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững, chú trọng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, sinh kế cho người dân.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ phát động. Ảnh: BL 

Sáng ngày 28/5, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ phát động quốc gia hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5); Ngày môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường tại huyện Tiên Yên.

Phát biểu tại Lễ phát động, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, 50 năm trước, thông điệp “Chỉ một trái đất” đã được đưa ra lần đầu tiên tại Hội nghị về môi trường do Liên hợp quốc tổ chức tại Stockhom (Thụy Điển).

Đến nay, các hệ sinh thái trên Trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người chạm ngưỡng không thể đảo ngược do sự gia tăng dân số và những áp lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là từ hoạt động khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các số liệu do Diễn đàn liên chính phủ Liên hợp quốc về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái công bố cho thấy, 1/8 triệu loài động - thực vật trên hành tinh đang bị đe dọa tuyệt chủng. Mỗi năm có khoảng 10 triệu ha rừng bị mất kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm.

Theo tính toán, đến năm 2050, với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, cùng với sự gia tăng dân số thế giới dự kiến chạm tới ngưỡng 9,6 tỷ người, sẽ phải cần tới 3 Trái đất mới đáp ứng được nhu cầu sinh sống của nhân loại.

Bộ trưởng Bộ TN&MT đưa ra thông điệp “Chỉ một Trái đất” với phương châm trọng tâm “sống bền vững hài hòa với thiên nhiên” và “Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống” của Ngày Quốc tế đa dạng sinh học.

Bộ trưởng kêu gọi mỗi người cần thay đổi thái độ, hành vi ứng xử với thiên nhiên, điều chỉnh cách thức khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững, chú trọng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, sinh kế cho người dân.

Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như đại dịch COVID-19, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và người dân tham gia trồng rừng ngập mặn tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh. Ảnh: BL 

Với quyết tâm cao trong hành động, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân.

Bộ trưởng Bộ TN&MT tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam, khẳng định vị thế, trách nhiệm trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh. Đồng thời, tận dụng các cơ hội của xu thế thời đại trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo con đường “xanh”, hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế công nhận là một trong những nước có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới. Đa dạng sinh học góp phần to lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế cho người dân, duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng, cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu; tạo nên các cảnh quan thiên nhiên; là cội nguồn của nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của người dân Việt Nam.

Tại buổi Lễ, Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, Quyền điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam cho biết, LHQ đã và đang hợp tác với Việt Nam trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học để bảo vệ các hệ sinh thái khác nhau bao gồm rừng, đất ngập nước và các rạn san hô. Do đó, LHQ nhận thấy có nhiều cơ hội cho Việt Nam để vượt qua những thách thức mà chúng ta đang đối mặt bằng các giải pháp dựa vào thiên nhiên thông qua tái trồng rừng, quản lý rừng bền vững, trồng và phục hồi rừng ngập mặn, du lịch dựa vào thiên nhiên... Cụ thể, rừng ngập mặn là một trong những giải pháp dựa vào thiên nhiên hiệu quả nhất.

“Chúng không chỉ là nguồn sinh kế bền vững, như từ nuôi trồng thủy sản và nuôi ong, mà còn góp phần vào việc hấp thụ carbon, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ bờ biển và lọc nước. Các hoạt động này tạo ra lợi ích chung, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và giúp người dân cải thiện sinh kế cũng như tăng tỷ lệ che phủ rừng ở Việt Nam”, Bà Caitlin Wiesen cho biết.

 Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, Quyền điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam. Ảnh: BL

Bà Caitlin Wiesen cho rằng, mặc dù rất nhiều giải pháp chỉ có thể được thúc đẩy từ hành động của các thực thể có quy mô như các chính phủ quốc gia và chính quyền địa phương, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế... mỗi người trong chúng ta đều có thể làm phần việc của mình để giúp hành tinh xinh đẹp và duy nhất này vẫn mãi là ngôi nhà thân yêu cho con người và thiên nhiên trong sự hài hòa và cân bằng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn, Quảng Ninh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vừa thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ, với diện tích đất tự nhiên hơn 6.100 km2 (diện tích biển tương đương), là địa danh tiêu biểu về đa dạng sinh học của Việt Nam với địa hình trải dài, có tính đa dạng; được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ví như một nước Việt Nam thu nhỏ...

 Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và người dân tham gia thả cá giống để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Ảnh: BL 

Tỉnh có nhận thức sâu sắc rằng bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn kêu gọi cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, tổ chức xã hội, nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng dân cư tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả nhiều biện pháp cải thiện, bảo vệ môi trường. Các đơn vị, cá nhân sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; khai thác đi đôi với phục hồi và tái tạo; phát triển kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với việc khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh, của đất nước và nâng cao cuộc sống của người dân.

Sau lễ phát động, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, đại diện UNDP tại Việt Nam cùng chính quyền, người dân đã tham gia thả cá giống để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản; trồng cây tại rừng ngập mặn Đồng Rui (xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) để phát động chiến dịch./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực