Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ

Thứ ba, 19/10/2021 12:35
(ĐCSVN) - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh.
 Huy động phương tiện, nhân lực giải phóng đất đá, thông tuyến Quốc lộ 49 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Nguồn ảnh: baothuathienhue.vn)

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, ảnh hưởng của mưa lũ trong những ngày qua đã làm 3 người chết (Nghệ An 2; Hòa Bình 1); 3 người mất tích (Quảng Bình 2; Quảng Trị 1). Đồng thời, 86 căn nhà bị tốc mái (Quảng Bình 5; Quảng Trị 24; Đà Nẵng 1; Quảng Nam 28; Kon Tum 28).

Về tình hình ngập lụt, tính đến 23h ngày 18/10, còn 42 xã khu vực trũng, thấp ven sông các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế bị ngập sâu. Cụ thể, tại Quảng Bình, 30 xã/2.232 hộ bị ngập từ 0,2-1,2m, trong đó, huyện Lệ Thủy có 20 xã/1.683 hộ; huyện Quảng Ninh có 6 xã/275 hộ; huyện Bố Trạch có 4 xã/274 hộ.

Tại Quảng Trị, 6 xã ven sông Ô Lâu, huyện Hải Lăng bị ngập từ 0,2-0,7m. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, 6 xã bị ngập từ 0,2-0,3m, trong đó, huyện Quảng Điền có 3 xã; huyện Phong Điền có 3 xã.

Về sơ tán dân, tính đến 23h ngày 18/10, còn 35 hộ ở khu vực ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tỉnh Quảng Bình.

Tại thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đã xảy ra 5 sự cố đê, kè. Trong đó, tại thành phố Hà Nội, nứt mặt đê, sạt lở mái đê hữu Bùi (đê cấp IV) đoạn qua thôn Yên Trình, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ chiều dài khoảng 25m, chiều rộng vết nứt từ 1-3cm; cung sạt rộng khoảng 1,5m, sâu 4m. Địa phương đã tổ chức kiểm tra, xử lý giờ đầu, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện qua khu vực sự cố và sẵn sàng phương án ứng phó với tình huống xấu.

Tại tỉnh Quảng Bình, tuyến kè biển Nhân Trạch bị sập 50m, địa phương đã gia cố tạm thời bằng đá hộc và bao tải cát. Tuyến kè biển Nhật Lệ đang thi công bị sóng đánh vỡ 300m. Đơn vị thi công đã gia cố tạm thời. Tại tỉnh Quảng Trị, sạt 2 đoạn kè sông tổng chiều dài 90m.

Về giao thông, các tuyến Quốc lộ 1, đường sắt Bắc Nam,…đã thông xe; hiện còn 44 vị trí Quốc lộ và tỉnh lộ còn ách tắc (Quảng Bình 35, Quảng Nam 9). Hiện chính quyền địa phương phối hợp với ngành giao thông đã lập rào chắn, điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục sự cố.

Ngoài ra, ảnh hưởng của mưa lũ còn làm 2.004 ha lúa và 516 ha diện tích hoa màu, 33ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, hư hại.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh. Xử lý kịp thời các tuyến đường giao thông, công trình đê điều, hồ đập, thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ gây ra; hỗ trợ người dân từ nơi sơ tán trở về nhà; vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh; tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp.

Đồng thời, đảm bảo an toàn giao thông; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ người dân khi đi qua các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở. Triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập; sẵn sàng ứng phó với diễn biến mưa lũ phức tạp có thể xảy ra trong những ngày tới; thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, để thông tin cảnh báo, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lũ, ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực