Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục hậu quả do bão số 13 gây ra

Thứ hai, 16/11/2020 21:37
(ĐCSVN) – Thừa Thiên Huế là một trong số các địa phương ven biển miền Trung mà bão số 13 quét qua. Đến nay các cấp chính quyền và ngành chức năng địa phương đã thống kê được những thiệt hại ban đầu, đồng thời đang đề ra nhiều biện pháp để khắc phục.

Bão số 13 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Bão số 13: Thừa Thiên - Huế gió giật cấp 11

Bão số 13: Thừa Thiên Huế cấm người dân ra đường từ 12h00 ngày 14/11

Thừa Thiên – Huế: Cưỡng chế Thủy điện Thượng Nhật phải mở 5 cửa van để ứng phó bão số 13

Bão số 13 khiến hơn 41 vạn khách hàng miền Trung mất điện

Các tỉnh, thành miền Trung hoàn thành việc sơ tán dân để tránh bão số 13

 Trường Tiểu học số 1 Phú Thuận (Phú Vang) bị bão số 13 làm tốc mái, hư hỏng.

Thiệt hại ban đầu

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế, bão số 13 sau khi đi vào địa bàn tỉnh này với sức gió cấp 6, cấp 8, giật cấp 9, cấp 11; đồng thời gây mưa lớn và sóng biển dâng cao.

Với sức gió và mưa lớn, bão số 13 đã gây thiệt hại lớn về vật chất tại tuyến ven biển, đặc biệt là đã làm sập 6 nhà, tốc mái 4.687 nhà, trong đó các huyện có số nhà bị tốc mái cao là Phú Vang (2.150 nhà), Phú Lộc (909 nhà), Quảng Điền (785 nhà)…; nhiều trụ sở cơ quan, trường học cũng bị tốc mái; hạ tầng giao thông, điện lực, viễn thông bị thiệt hại đáng kể.

Cùng với các thiệt hại trên, bão số 13 cũng làm gãy đổ 90ha rừng trồng ở huyện Phú Lộc, gần 200 cây xanh đường phố bị đổ gãy; 09 tàu cá bị chìm; 04 tàu khác bị đứt dây neo trôi dạt và bị mắc cạn, đặc biệt là tàu cá TTH 99911-TS (do ông Nguyễn Cường làm thuyền trưởng) khi đang neo đậu tại thôn Hải Tiến (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) bị sóng đánh trôi và đè lên nhà bado lê Thị Xuyên làm sập 2/3 nhà này. Ngoài ra còn có một số thuyền (ghe) khác bị sóng đánh hư hỏng, chìm.

Trong khi đó, triều cường, sóng lớn, nước dâng cao khu vực ven biển đã làm cho bờ biển toàn tỉnh bị xói lở nặng với chiều dài hơn 14 km, tập trung ở các đoạn xung yếu: đoạn qua xã Giang Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền, huyện Phú Lộc tiếp tục bị xói lở dài hơn 4,0 km sâu vào từ 7 đến 10m, làm hư hỏng đường tỉnh lộ 21 và các hộ dân, mất rừng phòng hộ, khả năng mở cửa biển mới rất cao; xã Phú Thuận, huyện Phú Vang dài hơn 3,0 km tiếp tục bị xói lở nặng sâu vào từ 7 đến 10m, ảnh hưởng các hộ dân, mất rừng phòng hộ; xã Phú Diên tiếp tục bị xói lở hơn 2 km; xã Phú Hải, huyện Phú Vang tiếp tục bị xói lở khoảng 1,5 km; xã Hải Dương, thị xã Hương Trà tiếp tục bị xói lở khoảng 0,5 km; xã Phong Hải, đoạn qua xã Phong Hòa thuộc huyện Phong Điền,  tiếp tục bị sạt lở bờ biển dài 3,0 km chiều sâu xói lở từ  5 đến 10m, ảnh hưởng các hộ dân, mất rừng phòng hộ; xã Điền Hòa, Phong Điền (trong đó vị trí xung yếu gần khu dân cư là 200m. 

Trong khi đó, tuyến kè chống sạt lở bờ biển qua xã Giang Hải vừa thi công xong bị hư hỏng nặng với chiều dài 300 m; đoạn kè chống sạt lở bờ biển đoạn qua thôn An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang đang xây dựng bị hư hỏng khoảng 100m…

 Nhiều đoạn bờ biển bị sạt lở do sóng biển đánh đang được lực lượng chức năng gia cố.

Trên sông Bồ, sông Hương và sông Ô Lâu tiếp tục bị sạt lở, trong đó bờ sống Hương đoạn qua xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà tiếp tục bị sạt lở với chiều dài khoảng 100m; bờ sông Bồ đoạn qua xã Bồ Điền (Phong An, Phong Điền) sạt lở 150m, sâu 5m..

Về giao thông, bão số 13 đã làm nhiều tuyến đường trên Quốc lộ 49B bị ngập; nhiều đoạn trên Quốc lộ 49A bị sạt taluy dương; đường Hồ Chí Minh qua xã Hồng Thủy, A Roàng và các tuyến đường nội thị nhiều cây xanh bị đổ gãy, hây ách tắt giao thông. Tại huyện Nam Đông có 06 cầu, cống bị xói lở và 20 tuyến giao thông bị sạt lở. Ngoài ra, hệ thống đường tỉnh, đường đô thị và các địa phương bị ngập, sạt lở, hư hỏng…

Đối với hệ thống điện, tính đến sáng 15/11, bão số 13 đã gây ra 04 vụ sự cố đường dây 110kV và gây mất điện 02 TBA 110kV lưới điện khu vực Thừa Thiên Huế. Đồng thời với các sự cố trên, bão số 13 đã làm cho 191.164 khách hàng ở 92 xã, phường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bị mất điện. Theo dự kiến, phải nhiều ngày tới hệ thống điện trên địa bàn tỉnh mới khôi phục được.

Ngoài những thiệt hại ban đầu trên, hiện các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiếp tục thống kê, cập nhật các thiệt hại. Tuy có nhiều thiệt hại ban đầu như vậy, song điều đáng mừng là bão số 13 không gây thiệt hại về người cho địa phương.

Triển khai ngay nguồn lực để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả  

Trước các thiệt hại do bão số 13 gây ra, ngay trong chiều 15/11, UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị; đồng thời phân công các thành viên của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, lãnh đạo các ngành, đơn vị trực tiếp xuống cơ sở để nắm tỉnh hình, chỉ đạo công tác thông kê và khắc phục hậu quả của bão.

Đặc biệt, trong sáng 16/11, dưới sự chủ trì của đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thhừa Thiên Huế, một cuộc họp khẩn cấp đã được triển khai để bàn về công tác khắc phục hậu quả do bão số 13 gây ra.

Tại cuộc họp, sau khi nghe các đơn vị, địa phương báo cáo công tác phòng chống bão ở các địa phương, đơn vị và tình hình thiệt hại do bão số 13 gây ra, đồng chí Phạm Ngọc Thọ đã biểu dương cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ, sự đồng bộ, quyết liệt, tận tâm, tận tụy của chính quyền các cấp cùng sự vào cuộc của người dân trong ứng phó, phòng chống bão số 13. Nhờ đó, toàn tỉnh đã giảm được đáng kể các thiệt hại do bão số 13 gây ra.

 Ngay sau bão, các lực lượng chức năng và chính quyền, người dân các địa phương ven biển tiến hành gia cố, khác phục các đoạn bờ biển bị sạt lở và sóng biển xâm thực lớn.

Tuy nhiên, theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thiệt hại do thiên tai vừa qua gây ra là hết sức nặng nề và sẽ cần rất nhiều nguồn lực, thời gian, công sức để khắc phục. Song đồng chí cũng cho rằng, các sở, ban, ngành, địa phương phải nỗ lực tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt gắn với tái thiết phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân.

Các địa phương, đơn vị cần triển khai ngay các nguồn lực để hỗ trợ các địa phương và người dân khắc phục hậu quả thiên tai bão lụt một cách thiết thực, hiệu quả; trong đó tập trung hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, trường học, khôi phục lại sản xuất, khắc phục công trình hạ tầng bị hư hỏng nhằm sớm ổn định lại cuộc sống và sản xuất của người dân.

Đồng chí yên cầu ngành Giáo dục ngoài việc khắc phục thiệt hại cần chú trọng giải pháp mượn cơ sở vật chất cho học sinh vùng ngập lụt lâu ngày học tập, đảm bảo an toàn cho học sinh đến lớp; phải rà soát và ưu tiên hỗ trợ sách giáo khoa, bàn ghế để học sinh sớm trở lại lớp học.

Đồng chí cũng đề nghị ngành Y tế chỉ đạo các phòng ban chức năng hướng dẫn các địa phương, đơn vị tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát sau bão lũ; chuẩn bị cơ sở, vật tư y tế để sẵn sàng phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 quay lại nếu có.

Các địa phương, đơn vị sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện để tái tổ chức tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 khi thời tiết thuận lợi./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực